Tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

- Chủ Nhật, 20/04/2014, 08:32 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được QH đưa ra lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu. Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi được thông qua cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; quy hoạch môi trường; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị, xã hội và cộng đồng về bảo vệ môi trường…

Theo đánh giá của Bộ TN-MT, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến đã khắc phục được tất cả những khiếm khuyết trước đó nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cụ thể như về quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) cấp quốc gia và cấp tỉnh; quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải phải lập kế hoạch BVMT và thực hiện kế hoạch đó theo hướng dẫn; quy định về quản lý chất thải phải được quản lý trong toàn bộ chu trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý. Đặc biệt, quy định về điều kiện của tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường, theo đó, cán bộ phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn và đủ điều kiện kỹ thuật để đo đạc, phân tích, đánh giá môi trường. Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết: dự thảo Luật BVMT sửa đổi đã tập trung sửa đổi theo hướng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo nguyên tắc Nhà nước quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường, đặc biệt về quy hoạch BVMT. Việc lập quy hoạch môi trường là căn cứ để lồng ghép các nội dung về BVMT trong quá trình xây dựng và thực hiện của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường. Quy hoạch môi trường có tính phòng ngừa, là quy hoạch của các quy hoạch, khác với các loại quy hoạch khác.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung của quy hoạch môi trường cần phân vùng, quy hoạch địa điểm cho các phương tiện quản lý chất thải và các phương tiện xử lý chất thải độc hại; có kế hoạch xử lý đối với các địa điểm bị ô nhiễm; kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái bị hủy hoại… Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Nguyễn Ngọc Sinh góp ý, cần phải đưa đầy đủ các nội dung quy hoạch BVMT vào thành một chương hoặc mục trong luật; không nên lồng ghép quy hoạch BVMT với bất kỳ quy hoạch nào mà nên nằm trong hệ thống đồng bộ của các quy hoạch khác. Đồng quan điểm, một chuyên gia môi trường cho biết, dự thảo cần quy định rõ việc lồng ghép quy hoạch, môi trường quốc gia và tỉnh với quy hoạch phát triển KT-XH, sử dụng đất; nên đặt ra yêu cầu rõ ràng phải sơ kết và điều chỉnh định kỳ chứ không chỉ báo cáo về quy hoạch môi trường; đồng thời, báo cáo kinh tế hằng năm phải bao gồm báo cáo về mọi mặt của việc thực hiện quy hoạch môi trường và tác động về mặt kinh tế của tuân thủ và không tuân thủ quy hoạch môi trường.

Liên quan đến quản lý nhà nước về BVMT, hầu hết đại biểu cho rằng, hiện bộ máy quản lý nhà nước về môi trường đã được kiện toàn nhưng chưa đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa giải quyết hiệu quả các vấn đề liên ngành, liên vùng, xuyên quốc gia, chưa ngang tầm với yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn phân tán, chồng chéo và chưa hợp lý, nhất là trong quản lý chất thải và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BVMT thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa theo kịp các yêu cầu mới đặt ra, nhất là ở các địa phương, cơ sở, còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, việc đầu tư, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nên hiệu quả thấp.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Bùi Thanh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và các luật có liên quan theo hướng quy định rõ về nguyên tắc, chính sách của Nhà nước, nội dung, công cụ, cơ chế, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chí đánh giá, trách nhiệm bảo vệ môi trường phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, ngang tầm với yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, hội nhập quốc tế; khắc phục tình trạng phân công, phân cấp chưa hợp lý hiện nay.

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Luật bảo vệ môi trường” do Ủy ban KHCN-MT phối hợp với Bộ TN-MT tổ chức mới đây, Phó giám đốc UNDP tại Việt Nam Bakhodir Burkanov cũng cho rằng, để quản lý môi trường, Luật BVMT phải bảo đảm được tính nhất quán và hài hòa trong quản lý nhà nước và kế hoạch phát triển quốc gia. BVMT đất nước, đa dạng sinh học, khoáng sản, tài nguyên biển và ven biển cần phải được lồng ghép hài hòa vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và kế hoạch quốc phòng.

Đánh giá về dự thảo Luật BVMT sửa đổi, Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: dự thảo Luật BVMT sửa đổi vừa được  QH thảo luận tại Kỳ họp thứ Sáu và dự kiến được thông qua vào kỳ họp thứ Bảy tới. Trên cơ sở tổng kết 8 năm thi hành luật, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là ý kiến góp ý của các đại biểu, Ban soạn thảo tiếp thu bổ sung hoàn chỉnh nhằm đáp ứng cao hơn các yêu cầu về BVMT và phát triển bền vững đất nước.

Tú Linh