Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng

- Thứ Hai, 06/09/2021, 10:59 - Chia sẻ
Sáng 6.9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Xã hội tổ chức hội thảo trực tuyến Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Phiên họp thứ Hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tại phiên họp tới đây, Chủ tịch Quốc hội đã nêu yêu cầu đây là dự án luật đầu tiên trong nhiệm kỳ Khóa XV nên phải “làm gương, làm mẫu” cho các dự án Luật khác.

Sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có một số hạn chế, bất cập như: Đối tượng điều chỉnh khá rộng, song chưa bao quát được đầy đủ các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế... Để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, tại Tờ trình số 256/TTr-CP của Chính phủ, nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua, gồm: sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Các diễn giả trình bày tham luận theo hình thức trực tuyến

Với phạm vi sửa đổi toàn diện và tính chất phức tạp của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, còn nhiều nội dung cần nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt khoa học và thực tiễn để bổ sung có hệ thống, đầy đủ các quy định về công tác thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn về vai trò của thi đua, khen thưởng; những yếu tố ảnh hưởng đến thi đua, khen thưởng; mối quan hệ giữa thi đua, khen thưởng và yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung đối với Luật Thi đua, khen thưởng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật cần tuân thủ tinh thần, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo đó, cần được tổng kết thi hành, đánh giá một cách tổng thể, hệ thống và bài bản đối với hệ thống quy phạm và thực trạng tổ chức thực hiện, từ đó có giải pháp lập pháp - sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật hiện hành, quan trọng hơn, sửa luật cần được xem là cơ hội để giải quyết căn bản các vấn đề chính sách và pháp lý đặt ra, từ đó mới có thể đem lại sức sống thực tế và lâu bền của luật.

Thực tế cho thấy, công tác thi đua, khen thưởng hiện nay còn mang tính hình thức và tràn lan. Các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần khắc phục được bệnh hình thức và bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng. Chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; quan tâm khen thưởng ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số, không phải chỉ công nhân, nông dân. Đặc biệt, khen thưởng cần kịp thời, "thành tích đến đâu khen đến đó" theo chủ trương của Đảng và tư tưởng của Bác Hồ.

Thanh Chi