Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV

Tiếp tục kiểm soát tốt các loại tội phạm khi đất nước trở lại trạng thái bình thường mới

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 17:17 - Chia sẻ
Trong phiên thảo luận trực tuyến sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến tình hình phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), trong năm 2021, tình hình tội phạm "có loại tăng, có loại giảm". Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các ngành trong khối tư pháp phối hợp với cả hệ thống chính trị cùng toàn dân tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công, trấn áp tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước; điều tra, xử lý nhiều vụ án kinh tế, hình sự, các vụ án tham nhũng, ma túy, các vụ án phát sinh mới, băng nhóm xã hội đen, các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19... Đặc biệt, các ngành, nhất là lực lượng công an đã chủ động điều tra, làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận một cách rất kiên quyết, công tâm, khách quan, không bỏ sót tội phạm. Chất lượng công tác điều tra, phá án ngày càng được nâng lên, mang tính chuyên nghiệp hơn. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao. 

Khẳng định kết quả đạt được trong phòng, chống tội phạm năm qua là rất ấn tượng, nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nêu rõ, hạn chế, bất cập vẫn còn trên các lĩnh vực, dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Cho nên, trong năm 2022, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo giáo dục ý thức pháp luật, bảo đảm "thượng tôn pháp luật". Qua đó, góp phần phòng ngừa sai phạm, nhất là trong thanh, thiếu niên, vì các vụ vi phạm phần lớn là thanh niên. Tình hình tội phạm được kiềm chế tích cực, nhưng tội hiếp dâm trẻ em, tội phạm chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng lại gia tăng, không tuân thủ quy định phòng, chống dịch làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng. Tội phạm hàng gian, hàng giả, trang thiết bị y tế nổi lên để trục lợi. Tội phạm ma túy tiếp diễn phức tạp. Hoạt động đấu thầu chỉ định đấu giá còn nhiều bất cập, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước. Hoạt động từ thiện của nhóm nghệ sĩ, dư luận rất quan tâm, cần phải làm rõ để công khai, minh bạch.

ĐBQH Phạm Văn Hòa phát biểu từ điểm cầu trực tuyến tỉnh Đồng Tháp

Ảnh: Quang Khánh 

Tâm đắc và trân trọng những giải pháp đề ra trong báo cáo của các cơ quan tư pháp, nhất là ngành công an, song theo đại biểu Phạm Văn Hòa, "giải pháp là giải pháp, việc tổ chức thực hiện cho bằng được các giải pháp đó mới là điều đáng quý". Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo quyết liệt hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong thực hiện. 

Một vấn đề liên quan đến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2021 được nhiều đại biểu nêu lên tại phiên thảo luận, đó là trong lúc đất nước đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, tình trạng thất nghiệp gia tăng, sản xuất kinh doanh dịch vụ ngưng trệ thì lại phát sinh ra nhiều tội phạm mới để trục lợi, gây lo lắng, bất an trong nhân dân. Các đại biểu đề nghị trong thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng, sự vào cuộc của các ngành tư pháp, tình hình vi phạm trên các lĩnh vực công - tư sẽ giảm đáng kể, kiềm chế tốt các loại tội phạm sau khi đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới"; xử lý vi phạm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật...

Các đại biểu Quốc hội tại điểm cầu Hà Nội sáng 24.10

 Ảnh: Quang Khánh

Có hành lang pháp lý cho công tác từ thiện, bảo đảm an ninh trật tự

Đồng tình cao với kết quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của các cơ quan tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhận thấy, trong báo cáo đã nêu khá rõ về nội dung này, đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan cần làm rõ thêm hai vấn đề. Một là, tình hình gây rối trật tự công cộng trong năm 2021 này tăng 18,3%. Hai là, tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với 548 vụ, tăng 20,18%. Đây là hai loại tội phạm tăng đột biến trong những năm này. Ngoài việc tác động bởi dịch bệnh, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị cần làm rõ có bao nhiêu vụ gây rối trật tự công cộng, bao nhiêu vụ chống người thi hành công vụ liên quan đến tình hình giáo dục, lý do sao tăng đột biến như vậy trong năm 2021 để chúng ta có giải pháp?

ĐBQH Phan Thái Bình phát biểu từ điểm cầu trực tuyến tỉnh Quảng Nam

Ảnh: Quang Khánh 

Cũng liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Phan Thái Bình nhận thấy, trong thời gian vừa qua công tác này có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó hoạt động nhân đạo, từ thiện cũng rất được quan tâm. Tuy nhiên, tình hình vận động, kêu gọi từ thiện, nhân đạo trong công tác phòng, chống thiên tai vừa qua trên các mạng xã hội xảy ra việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc. "Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra và cơ quan tư pháp vào cuộc một cách mạnh mẽ vấn đề này và kịp thời hơn, để làm rõ, trả lời cho công luận, cử tri biết rõ ai đúng, ai sai. Đồng thời, từ đó chúng ta có giải pháp, đặc biệt là kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội có hành lang pháp lý một cách minh bạch, rõ ràng cho công tác từ thiện trong thời gian tới, bảo đảm an ninh trật tự", đại biểu Phan Thái Bình đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự, đó là tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. "Thời gian tới, cơ quan điều tra, kể cả viện kiểm sát và tòa án sẽ thống nhất để xem xét những hành vi này và phải xử lý để bảo đảm trật tự, kỷ cương của xã hội. Ý kiến phản ánh của đại biểu chúng tôi xin tiếp thu và sẽ bàn luận để có cách xử lý như thế nào cho phù hợp và kịp thời", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 42 lượt ý kiến phát biểu, một ý kiến tranh luận. Các ĐBQH thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm cao, thể hiện sự đồng tình với 5 báo cáo của các cơ quan tư pháp và Chính phủ cũng như các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Các ý kiến đều cho rằng các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng, nêu rõ tình hình, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, giải pháp và phương hướng tới, bám sát tình hình cụ thể, thể hiện được kết quả đạt được trên tất cả các mặt công tác trong bối cảnh rất khó khăn của năm 2021 là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém, các ĐBQH đề nghị các cơ quan cần tiếp tục có giải pháp khắc phục căn bản trong thời gian tới.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ đã phát biểu bước đầu tiếp thu, giải trình các ý kiến của các ĐBQH. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu ý kiến của các cơ quan trong các báo cáo, ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH để đưa các nội dung này vào các nghị quyết có liên quan trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

 

Ảnh: Quang Khánh

Hồ Long