Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính:

Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện

- Thứ Năm, 18/06/2020, 22:24 - Chia sẻ
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đồng thời, nhấn mạnh đây là dự Luật rất quan trọng do liên quan trực tiếp đến quản lý trật tự xã hội và quyền, nghĩa vụ của công dân.

Tờ trình của Chính phủ đưa ra 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu 

Ảnh: Quang Khánh 

Loại ý kiến thứ hai đề nghị, quy định biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ hai, bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính. Quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính.

ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An) 

Ảnh: Quang Khánh 

ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An) tán thành với việc bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp dịch vụ điện nước” để xử lý vi phạm hành chính. Bởi theo đại biểu, qua thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm hành chính, nhất là lĩnh vực xây dựng rất khó xử lý. Chỉ thực hiện biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép là chưa đủ răn đe. Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Trần Tất Thế (Hà Nam) đề nghị, không nên hành chính hóa việc xử lý vi phạm hành chính khi bổ sung hai biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”. Theo đại biểu, việc cung cấp dịch vụ điện, nước là thỏa thuận dân sự giữa người được cung cấp với bên cung cấp theo hợp đồng và Nhà nước không nên can thiệp vào hợp đồng dân sự.

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định "phạt lao động công ích" đối với người vi phạm. Trong đó, quy định rõ lao động công ích gồm những việc gì, thời gian bao lâu, cơ chế giám sát như thế nào. Theo đại biểu, hình thức xử phạt này đã được nêu trong Nghị định 143 năm 1977 và Pháp lệnh 15 Quốc hội khóa X năm 1999. "Lao động công ích giúp người vi phạm hình thành ý thức chấp hành pháp luật… người vi phạm sẽ nhận thấy trách nhiệm, bổn phận của mình đối với cộng đồng thông qua quá trình lao động cộng ích. Trong khi đó, hình thức phạt tiền không có hiệu quả với nhiều vi phạm, như người gây mất trật tự công công hay bạo lực gia đình”, đại biểu phân tích. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo có cơ chế bảo vệ người vi phạm nhằm tránh nguy cơ lạm dụng lao động công ích để xâm hại quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định)

Ảnh: Quang Khánh 

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, phạt lao động công ích sẽ tăng cường hiệu quả của Luật Xử lý vi phạm hành chính; nên áp dụng hình phạt này với người vi phạm trong độ tuổi thanh niên 16 - 30 tuổi, vì Luật Thanh niên vừa được Quốc hội thông qua quy định "thanh niên phải gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật”. Đại biểu đưa ra lập luận, các chế tài trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vừa qua đã giúp các vi phạm liên quan tới rượu bia giảm sâu. Vì vậy, quy định hình thức xử phạt lao động công ích cũng sẽ làm giảm đáng kể vi phạm pháp luật hành chính đối với thanh niên.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng)

Ảnh: Quang Khánh 

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho hay, chỉ Tòa án mới có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt lao động công ích với người vi phạm. Nếu quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ vi phạm Công ước về lao động cưỡng bức mà Quốc hội vừa phê chuẩn.

Giải trình thêm về một số vấn đề của dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, khi xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Ban soạn thảo đã trình Quốc hội đề xuất xử phạt lao động công ích, áp dụng hạn chế đối với những người vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự nhỏ. Tuy nhiên, lúc đó Quốc hội không đồng ý vì còn băn khoăn hình thức này liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp, đưa vào luật thì không phù hợp về pháp lý; hình phạt lao động công ích phải áp dụng qua con đường tư pháp. "Kỳ này chúng tôi chỉ sửa vấn đề cấp thiết, để đưa đề xuất nói trên vào Luật thì phải nghiên cứu kỹ tính hợp Hiến, hợp pháp và phải đánh giá toàn diện”, Bộ trưởng cho biết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận phiên thảo luận

Ảnh: Quang Khánh 

Kết luận phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước" hiện các đại biểu Quốc hội có 3 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành; loại ý kiến thứ hai không tán thành với coi ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; loại ý kiến thứ ba đề nghị, bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính. Do đây là lần đầu dự thảo Luật trình ra Quốc nên các ý kiến còn rất khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nhằm tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới. 

Thanh Chi