Tiếp tục nghiên cứu toàn diện về thư tịch hoàng gia Chăm

- Chủ Nhật, 26/05/2013, 08:28 - Chia sẻ
Báo ĐBND số 66, ra ngày 7.3.2013, đăng bài Tư liệu quý hiếm về văn hóa, lịch sử Chămpa, xoay quanh vấn đề bảo tồn, nghiên cứu và khai thác thư tịch hoàng gia Chăm, nhằm lý giải những vấn đề bí ẩn về văn hóa Chăm và cộng đồng Chăm ngày nay. Theo Phó giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm, Ts Thông Thanh Khánh, những thông tin trong bài báo đó đã thu hút sự quan tâm của giới khoa học, dư luận trong và ngoài nước.

Ts Thông Thanh Khánh cho biết, trước khi Báo ĐBND đăng tải bài Tư liệu quý hiếm về văn hóa, lịch sử Chămpa thì những thông tin về sưu tầm, nghiên cứu các thư tịch hoàng gia Chăm được Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm giữ bí mật. Báo ĐBND là tờ báo đầu tiên đăng những thông tin về thư tịch hoàng gia Chăm, về việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa thông qua những tài liệu này và sau đó được nhiều tờ báo đăng lại. “Ngay sau khi bài viết thông tin, một trung tâm nghiên cứu về Chăm ở nước ngoài đã trao đổi với tôi, cho rằng không nên đưa thư tịch hoàng gia Chăm vào vấn đề tranh chấp biển, đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là do họ chưa tiếp cận được những tư liệu ấy nên họ chưa thấy tầm quan trọng đặc biệt của nó. Đây là tư liệu của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn (triều Minh Mạng), thể hiện sự quản lý của họ với Chămpa giai đoạn ấy. Vì vậy, nếu không giải thích cụ thể thì người ta sẽ cho đó là nhạy cảm, còn khi sử dụng và nghiên cứu đúng cách thì đấy là tài liệu quan trọng”.


Chuyên viên Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm xử lý tư liệu
Thông tin về thư tịch hoàng gia Chăm thu hút sự quan tâm của đông đảo giới khoa học, dư luận trong và ngoài nước. Trung tâm liên tục nhận được thư điện tử, điện thoại của nhiều đối tượng nghiên cứu khác nhau xin xác nhận lại thông tin về tư liệu đó, đặc biệt là việc có hay không tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa và Hoàng Sa. Tài liệu đó Trung tâm đang sở hữu và tiến hành phân tích, đánh giá tất cả các vấn đề liên quan một cách toàn diện. Ví như thư tịch đề cập đến vấn đề thuế thì đánh cá mập để lấy vây cá bị đánh thuế thế nào? Thực tế, người Chăm ở đảo Phú Quý đi ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh cá, được nhà Nguyễn cấp phép khai thác và phải nộp thuế cho phủ Bình Thuận. Vì ta có chủ quyền với vùng đất ấy, vùng biển ấy nên thực hiện việc đóng và thu thuế từ năm này đến năm khác. Các tài liệu hoàng gia Chăm quy định về thuế rất rõ ràng, cụ thể. Từ trước năm 1863, nhà Nguyễn đã có chính sách thuế về khai thác hải sâm, vi cá mập và tàu chìm dưới biển. Có tài liệu ghi cụ thể vụ một toán thợ lặn người Chăm ở đảo Phú Quý tìm được tàu chìm có nhiều đồ quý và vua Nguyễn đã ra chỉ dụ cho họ được thưởng một nửa, nửa còn lại nộp về triều đình…

“Chúng tôi rất mừng khi thấy rất nhiều người quan tâm đến thông tin về thư tịch hoàng gia Chăm, với những phản hồi tích cực. Qua đây chúng tôi đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc đưa những thông tin chính thống về các nghiên cứu khoa học đến độc giả. Những thư tịch này nếu chúng ta không tìm được hay để im thì sẽ mất đi một cứ liệu khoa học rất quan trọng về công tác khẳng định chủ quyền biển, đảo... Kho tư liệu hoàng gia Chăm, với trên 10 triệu trang tư liệu, còn ẩn chứa rất nhiều vấn đề, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống văn hóa, xã hội người Chăm, cần được tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện” - Ts Thông Thanh Khánh nói.

Cao Sơn lược ghi