Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội

Tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ và chủ động hơn

- Thứ Ba, 28/09/2021, 06:28 - Chia sẻ
Trước những diễn biến bất định của kinh tế thế giới, rủi ro do dịch bệnh và nhiều yếu tố khác, tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì diễn ra sáng qua, các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều khuyến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
	Các đại biểu dự tọa đàm Ảnh: Lâm Hiển
Các đại biểu dự tọa đàm
Ảnh: Lâm Hiển

Cơ hội và thách thức đan xen

Việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 và các giải pháp mạnh mẽ được triển khai trong năm 2020 đã giúp nước ta ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng 2,91% - một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới và tiếp tục duy trì được tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021. Sức khỏe, tính mạng của người dân cũng được bảo đảm trong khi nhiều quốc gia có diễn biến dịch bệnh rất phức tạp. Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát lần thứ 4, với biến chủng Delta đã có tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta. 

Dù vậy, giữ cái nhìn lạc quan về triển vọng phục hồi của kinh tế nước ta, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đã có những chuyển biến cơ bản, đặc biệt là về công tác ngoại giao vaccine và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân. Chính phủ vẫn hướng tới “mục tiêu kép”, song đã lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn với những đề xuất mới, ví dụ như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine… Nhờ đó, Chính phủ và nhiều ngành, địa phương đã có điều kiện để cân nhắc tích cực hơn các kịch bản, lộ trình và biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Theo phân tích của Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 6% vào năm 2021 và 4,9% trong năm 2022 là dấu hiệu tích cực với Việt Nam. Trong sự phục hồi của kinh tế toàn cầu chung có sự phục hồi đáng lưu ý ở các quốc gia là bạn hàng quan trọng của nước ta và trở thành cơ hội lớn cho doanh nghiệp khi thực hiện kế hoạch quay lại sản xuất sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội vừa qua.

Tuy nhiên, nguy cơ suy giảm tăng trưởng trong dài hạn là cảnh báo được đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế nêu tại tọa đàm. Bởi dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2021 và 4,9% trong năm 2022, thì triển vọng kinh tế của các thị trường mới nổi đã được điều chỉnh giảm, đặc biệt là đối với các nước châu Á mới nổi. Một rủi ro “kép” khác là chiến lược vaccine trên toàn cầu chậm hơn dự kiến và độ bao phủ không đồng đều. Trong khi đó, chính sách tài khóa, tiền tệ có thể bị thắt chặt hơn nếu các nước phát triển thắt chặt các chính sách này nhanh hơn dự kiến để đối phó với rủi ro gia tăng lạm phát do áp dụng chính sách “siêu nới lỏng”.

Trước những rủi ro này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Quốc hội và Chính phủ phải tính toán rất kỹ vì khi chúng ta bắt đầu phục hồi được thì các nước phát triển có thể đã thắt chặt chi tiêu để đối phó với những bất ổn vĩ mô. Nếu tăng trưởng kinh tế của các đối tác chiến lược, thành viên các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA… chững lại hoặc suy giảm sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi của Việt Nam. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, “không thể lạc quan một chiều”, mà phải đánh giá, dự báo để có những chính sách phù hợp.

Quan tâm điều tiết vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất

Bên cạnh giải pháp đẩy mạnh tiêm vaccine và xét nghiệm để kiểm soát dịch bệnh, giảm thiệt hại, nhiều đại biểu tham gia tọa đàm quan tâm đề xuất giải pháp giúp hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự vượt khó khăn và bứt phá sau đại dịch. Như phân tích của Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Đậu Anh Tuấn, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đã và đang chịu tác động rất tiêu cực bởi dịch bệnh. Qua khảo sát 2.800 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ, có 96,2% số doanh nghiệp cho biết gặp ít nhất một trục trặc trong chuỗi sản xuất của mình, như không gặp được khách hàng, trang thiết bị, vật tư bị thiếu… Với tình hình như hiện nay, nhiều doanh nghiệp dự kiến sẽ chỉ cầm cự tối đa được 6 tháng, tùy ngành hàng và khu vực chịu ảnh hưởng.

Những số liệu này tiếp tục cho thấy, việc khống chế, kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 có vai trò quan trọng với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong điều kiện mới hiện nay. Như đề xuất của Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Jacques Morisset, đó là vẫn tiếp tục xác định tiêm chủng vaccine (đồng thời với xét nghiệm) cũng như có những hạn chế đi lại nhưng phải thông minh hơn. Thay vì cách ly theo quy mô rộng, các địa phương cần thực hiện cách ly có mục tiêu để vừa chỉ bỏ ra chi phí phù hợp, vẫn đáp ứng yêu cầu chặt đứt các vòng lây của virus gây ra dịch bệnh Covid-19. Song song với đó, cần thực hiện giám sát chặt chẽ và chia sẻ thông tin để điều chỉnh các biện pháp hạn chế di chuyển. 

Đề xuất ở góc độ chính sách, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn và một số chuyên gia nhấn mạnh, cần quan tâm điều tiết vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, tác động đối với GDP có thể sẽ tích cực hơn. Nếu gắn phục hồi sản xuất với thu hút và hợp tác hiệu quả với nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng sẽ giảm đáng kể, và có thể khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta vừa ký kết thời gian qua.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận thấy, theo tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam có các chính sách ứng phó trong lĩnh vực ngân sách/tài khóa ở quy mô hạn chế và trong lĩnh vực tiền tệ ở mức trung bình trong năm 2020. Ông cũng lưu ý, chính sách tài khóa là công cụ chưa được Chính phủ sử dụng nhiều, song lại có thể giúp kích cầu trong ngắn hạn và cung trong dài hạn. 

Nêu đề xuất của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam về việc thực hiện Chương trình hỗ trợ tiền mặt với quy mô khoảng 5% GDP quý, triển khai ngay từ thời điểm này và trong các tháng còn lại của năm 2021 với quy mô khoảng 77 nghìn tỷ đồng, quyền Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Terence Jones nhấn mạnh, các gói kích thích làm tăng chi tiêu trong nước sẽ chi trả một phần cho Chính phủ vì chúng làm tăng hoạt động kinh tế trong nước và do đó tạo ra nguồn thu thuế. Gói chính sách này sẽ giúp Chính phủ không "vấp" phải nguy cơ tăng lạm phát hoặc tăng lãi suất trong khi sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến tổng tiêu dùng tư nhân và tổng sản lượng kinh tế. 

Ông Terence Jones cũng cho biết, một trong những bài học quan trọng rút ra từ sự lây lan với tốc độ chóng mặt của biến thể Delta là chúng ta không chỉ phải đối mặt với những bước lùi mà thậm chí là chúng ta cần phải dự kiến trước những bước lùi đó. Do đó, “một mặt cần triển khai gói hỗ trợ tạm thời ngay lập tức; mặt khác, cần chuẩn bị xây dựng các chương trình bổ sung nhằm duy trì tăng trưởng và tiêu dùng tư nhân trong trường hợp cần thiết”. Các chương trình bổ sung cần giải quyết các vấn đề mà các chương trình ngắn hạn chưa giải quyết được như: Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang đăng ký điện tử cho các đối tượng thụ hưởng trợ cấp xã hội dựa trên mã số định danh duy nhất thay vì dựa trên đăng ký cư trú. Triển khai chương trình hỗ trợ máy tính bảng giá phải chăng sản xuất trong nước cho mọi trẻ trong độ tuổi đến trường cần thiết bị để học online tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội...

Với cái nhìn tổng quan, qua phân tích, tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bản thân các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới sẽ phải thực hiện tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là triển khai thông minh hơn, trên cơ sở áp dụng công nghệ, linh hoạt, đồng bộ, nhất quán, chủ động. Cùng với đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thực hiện, song theo hướng cân bằng hơn, với sự tham gia hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế - xã hội của chính sách tài khóa. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ tính toán các biện pháp này.

Thanh Hải