Kỳ họp Thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Tiết kiệm tối đa thời gian, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao nhất

- Thứ Tư, 20/10/2021, 06:26 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid - 19 từng bước được kiểm soát, người dân cũng như đại biểu Quốc hội đều đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV khai mạc sáng nay. Với tinh thần tiết kiệm tối đa thời gian, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao nhất, Quốc hội sẽ có nhiều quyết đáp phù hợp với tình hình, thể hiện tinh thần đồng hành với Chính phủ nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, đồng thời sớm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai): Có quyết sách đúng và trúng sớm khôi phục lại đà tăng trưởng

Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV được tiến hành bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, diễn ra trong 17 ngày, giảm rất nhiều thời gian so với dự kiến ban đầu. Đây là quyết định đúng đắn và hợp lý ở thời điểm dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Đồng thời, là giai đoạn các địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai các hoạt động để chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Tuy thời gian kỳ họp lần này giảm song theo tôi, chất lượng trong các hoạt động của Quốc hội chắc chắn vẫn được bảo đảm, bởi qua các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nội dung được trình ra Quốc hội lần này đã được thảo luận rất kỹ lưỡng, sâu sát và thấu đáo.

Tôi đánh giá cao khi lần này Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; kỳ vọng rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, Quốc hội sẽ thảo luận sâu hơn các vấn đề trọng tâm của nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để đồng hành với Chính phủ có những quyết sách đúng và trúng nhằm sớm khôi phục lại đà tăng trưởng trong thời gian tới. 

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Nhiều cải tiến, đổi mới so với các kỳ họp trước

Ảnh: Hồ Long
Ảnh: Hồ Long

Do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV được chia thành 2 đợt họp trực tuyến kết hợp trực tiếp. So với các đợt họp trực tuyến trước, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội họp trực tiếp tại hội trường. Đây là sự bố trí rất hợp lý thuận tiện cho cả khâu tổ chức và đại biểu dự họp.

Kỳ họp lần này về nội dung vẫn bảo đảm nhưng thời gian họp được rút ngắn hơn so với dự kiến ban đầu. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tiết kiệm thời lượng họp được ngày nào quý ngày đó. Phần lớn, nhiều đại biểu Quốc hội đang kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch Covid-19 hoặc trong vùng tâm dịch. Do vậy, các đại biểu Quốc hội cũng cần trở về tỉnh, nơi công tác để trực tiếp điều hành, tham gia chỉ huy công tác chống dịch.

Là đại biểu Quốc hội hay người dân đều đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào Kỳ họp thứ Hai lần này. Tình hình của đất nước đang có những diễn biến hết sức mau lẹ và đang trong tình trạng nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua như "trận ốm" rất nặng về mặt tinh thần, vật chất, thể lực, sức chống chịu của cá nhân, địa phương và toàn quốc. Cho nên, Kỳ họp thứ Hai được tổ chức vào đúng dịp này rất có ý nghĩa.

Quốc hội Khóa XV thể hiện vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, theo sát diễn biến của thực tiễn cuộc sống, đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19. Cho nên, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 30/2021/QH15 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV và một số nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngay sau đó đã góp sức rất lớn vào công tác phòng chống dịch, sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội… Tôi kỳ vọng kỳ họp lần này, rất đúng lúc và cần thiết, sẽ phát huy tốt hơn nữa kết quả Kỳ họp thứ Nhất đã đạt được như giải quyết các vấn đề mang tính pháp lý, tạo điều kiện để đất nước chống dịch, thuận lợi cho phục hồi, phát triển sản xuất.

Đặc biệt, tôi rất mừng khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất Quốc hội sẽ tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề vào cuối năm nay. Thực tế cho thấy, tình hình dịch bệnh diễn biến rất nhanh, trong khi đó, những tháng cuối năm là thời gian quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả năm, nền kinh tế đang cần phục hồi sau "trận ốm nặng", vì thế cần quan tâm tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập, an sinh xã hội... Việc tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề này một lần nữa khẳng định Quốc hội theo sát hơi thở cuộc sống, đồng hành với Chính phủ, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn, tạo cơ sở pháp lý, nền tảng để Chính phủ và các địa phương tập trung phòng, chống dịch, ưu tiên phát triển sản xuất.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình): Chủ động, linh hoạt triển khai các nội dung, góp phần vào thành công của Kỳ họp thứ Hai

Trên tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã linh hoạt, chủ động tổ chức các hoạt động nhằm bám sát tiến độ chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV. Song song với việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị và phản ánh của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, trong các ngày từ 12 - 16.10, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, triển khai nhiệm vụ tại một số sở, ngành gồm: Sở Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Du lịch. Bên cạnh việc nắm bắt, trao đổi thông tin nói chung, Đoàn ĐBQH đã tập trung vào nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc triển khai các chính sách đối với cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; các phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội sau trong trạng thái “bình thường mới”. Những nội dung này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp và chuyển đến các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương trên cơ sở thẩm quyền, trách nhiệm trả lời, giải quyết. Những nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri, các sở, ban, ngành là nguồn thông tin quan trọng để ĐBQH xây dựng ý kiến thảo luận về các chính sách, cơ chế nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid - 19, cũng như cho các dự án luật trình ra Quốc hội.

Khối lượng công việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai là rất lớn. Bên cạnh nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước thường kỳ tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét thông qua những dự án luật đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV, trong đó có một số dự án luật chuyên ngành sâu, khá phức tạp, đòi hỏi sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Do điều kiện về thời gian nên chưa thể tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan chuyên môn, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã tận dụng ngày nghỉ để nghiên cứu các dự án luật và tài liệu liên quan, bảo đảm chuẩn bị tốt nhất để có thể tham gia ý kiến hiệu quả tại kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc tại Phiên họp thứ Tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp rất trông chờ vào các quyết sách của Quốc hội”. Cá nhân tôi và các ĐBQH tỉnh Quảng Bình sẽ nỗ lực cao nhất để đóng góp vào thành công của kỳ họp, xứng đáng với sự tin tưởng của Quốc hội, sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân và doanh nghiệp.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): Đồng hành với Chính phủ đưa đất nước “vượt khó”

Ảnh: T.Chi
Ảnh: T.Chi

Nhiều tỉnh, thành trên cả nước ta vừa trải qua những ngày tháng cam go nhất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đến nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhưng cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Trong bối cảnh đó, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV sẽ được tổ chức với tinh thần “tiết kiệm tối đa thời gian, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao nhất”.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, một nội dung được rất nhiều ĐBQH quan tâm là Quốc hội sẽ thảo luận báo cáo về công tác phòng, chống Covid-19. Đây sẽ là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận lại, đánh giá nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời ghi nhận, đánh giá cao tinh thần dân tộc Việt Nam, tình nghĩa tương thân tương ái của đồng bào trong và ngoài nước chung sức, đồng lòng với Đảng, Nhà nước thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, vì sức khỏe, sự an toàn tính mạng của Nhân dân. Cuộc chiến chống Covid-19 “không tiếng súng” nhưng vô cùng khốc liệt, hiện đã cướp đi sinh mạng của trên 800 nghìn người dân nước ta.

Tôi đồng tình và đánh giá cao việc Văn phòng Quốc hội đã tham mưu, thiết kế chương trình Kỳ họp hợp lý, trong đó có nội dung Quốc hội dành thời gian tưởng niệm đồng bào tử vong, và những cán bộ y tế, chiến sĩ đã hy sinh do đại dịch Covid-19 ngay trong phiên khai mạc sáng nay, thể hiện sự ghi nhận, tri ân những hy sinh, mất mát của Nhân dân cũng như sự cống hiến của những cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống Covid-19. Đây cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn, làm việc nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới để khắc phục thiệt hại do đại dịch gây ra. Bây giờ là lúc chúng ta nén đau thương để quyết tâm, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tôi hy vọng rằng, tại Kỳ họp thứ Hai, các ĐBQH sẽ cùng hiến kế, cùng Chính phủ đưa ra những giải pháp, gói hỗ trợ đủ mạnh nhằm giúp sớm phục hồi kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân; đầu tư nhiều hơn nhằm nâng cao năng lực của hệ thống y tế để chống chọi hiệu quả hơn với đại dịch.

Quốc hội cũng cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò, chức năng lập pháp, nhằm hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh để thu hút các nguồn lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai. Tôi tin rằng với tinh thần trách nhiệm, sự đồng lòng, phát huy trí tuệ tập thể, Quốc hội đã, đang và tiếp tục đồng hành với Chính phủ đưa đất nước vượt khó trong và sau đại dịch.

ĐBQH Đôn Tuấn Phong (An Giang): Chủ động, linh hoạt thích ứng với đại dịch Covid-19

Ảnh: T.Chi

Việc Quốc hội rút gọn số ngày làm việc xuống còn 17 ngày so với dự kiến ban đầu rất phù hợp với tình hình hiện nay của đất nước. Điều này thể hiện sự chủ động, linh hoạt, thích ứng của Quốc hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Song song với rút ngắn thời gian họp, Quốc hội vẫn phải bảo đảm hoàn thành các nội dung trong chương trình Kỳ họp với chất lượng cao nhất. Công tác chuẩn bị nội dung cho kỳ họp đã được thực hiện chủ động từ sớm, từ xa, cẩn trọng, kỹ lưỡng nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất, có sự đồng thuận cao trong mỗi quyết sách của Quốc hội. Các công tác bảo đảm cho kỳ họp được quan tâm, tính toán cẩn trọng. Đơn cử, Kỳ họp thứ Hai được tiến hành thành hai đợt, đợt 1 - Quốc hội họp trực tuyến trong 11 ngày; đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong 6 ngày. Ngoài ra, Văn phòng Quốc hội cũng dự phòng phương án nếu dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong cả nước, thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định họp trực tuyến cả kỳ.

Tôi cũng như các ĐBQH rất hoan nghênh việc Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về công tác phòng, chống Covid-19, bên cạnh nội dung thảo luận kinh tế - xã hội. Tôi tin rằng, thông qua thảo luận trên hội trường, Quốc hội sẽ có được sự đồng thuận cao trong việc tìm ra phương hướng, giải pháp và triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhằm đạt được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Phương Thủy - Thanh Chi - Trung Thành - Hồ Long ghi