Tìm chìa khóa ổn định quan hệ

- Thứ Bảy, 09/10/2021, 05:29 - Chia sẻ
​​​​​​​Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vừa mới được Mỹ và Trung Quốc “nhất trí trên nguyên tắc” sẽ tổ chức vào cuối năm nay. Liệu nỗ lực song phương này có là cơ hội vãn hồi phần nào một trong những mối quan hệ sóng gió nhất thế giới thời gian qua hay không?
Nguồn: ITN

Tạo ra cơ hội

Từ khi trở thành Tổng thống Mỹ hồi tháng 1 đến nay, ông Biden đã có 2 cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó cuộc thứ 2 diễn ra hồi tháng 9 và tại dịp này, ông chủ Nhà Trắng đã nhấn mạnh mong muốn gặp lại nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo giới chức Mỹ, phía Washington đề xuất họp trực tuyến vì Chủ tịch Tập Cận Bình không đích thân dự Hội nghị G20 vào cuối tháng 10, vì vậy hai nhà lãnh đạo sẽ không thể gặp nhau trực tiếp tại sự kiện. Lâu nay, chính quyền của Tổng thống Biden luôn coi ngoại giao cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất là chìa khóa để ổn định mối quan hệ song phương có tính chất đối đầu cao này. Trước đây, Tổng thống Biden cũng đã có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp với Tổng thống Nga Putin vào tháng 6.

Thông báo về hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung được đưa ra sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan có cuộc gặp kéo dài 6 tiếng với Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì tại thành phố Zurich, Thụy Sĩ vào ngày 6.10. Tại đây, ông Sullivan đã nêu ra các quan ngại của Mỹ về những hành động của Trung Quốc về nhân quyền, Tân Cương, Hong Kong, Biển Đông và Đài Loan… Theo ông Sullivan, Mỹ sẽ “tiếp tục tiếp xúc với Trung Quốc ở cấp cao để bảo đảm sự cạnh tranh có trách nhiệm”. Trong cuộc gặp đó, ông Dương kêu gọi Mỹ không lấy những vấn đề trên để can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Ông thậm chí nhấn mạnh, từ “cạnh tranh” không nên được sử dụng để định rõ mối quan hệ song phương, đồng thời yêu cầu Mỹ tôn trọng “chủ quyền, an ninh và những lợi ích phát triển” của Trung Quốc, cũng như kêu gọi hai bên cùng làm việc với nhau. 

Ngoài những vấn đề trên, ông Dương và ông Sullivan còn thảo luận về biến đổi khí hậu và nhiều “vấn đề khu vực cùng quan tâm”. Trước đây, các quan chức Mỹ từng bày tỏ thất vọng rằng, các tương tác với những người đồng cấp cấp cao của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden chưa nhiều tính xây dựng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trên được mô tả là tôn trọng, mang tính xây dựng và có lẽ là có chiều sâu nhất giữa các bên kể từ khi Mỹ có chính quyền mới. Một quan chức Mỹ giấu tên đánh giá, đây là bước quan trọng trong việc tạo “nền tảng” nhằm tránh những tính toán sai lầm có thể khiến cạnh tranh bùng phát thành xung đột.

Nút thắt khó gỡ

Thực tế, trong những năm vừa qua, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đối mặt rất nhiều sóng gió. Hai bên tranh cãi về một loạt vấn đề, từ thương mại và công nghệ đến nhân quyền hay nguồn gốc đại dịch Covid-19… Gần đây, căng thẳng càng trở nên trầm trọng liên quan đến vấn đề Đài Loan (Trung Quốc). Theo giới phân tích quốc tế, chủ đề Đài Loan chắc chắn sẽ xuất hiện trở lại khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình “mặt đối mặt” trong hội nghị trực tuyến sắp tới, vì đây là một trong những nút thắt khó gỡ nhất trong mối quan hệ song phương. Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Biden hôm thứ Hai cũng chỉ trích Trung Quốc không tuân thủ các cam kết của mình trong thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với cựu Tổng thống Donald Trump, đồng thời cho biết Mỹ sẽ vẫn duy trì thuế quan thời ông Trump trong khi hai bên tái tham gia các cuộc đàm phán thương mại.

Theo CNBC, cựu Cố vấn cấp cao thời Tổng thống Barack Obama về châu Á - Thái Bình Dương, ông Evan Medeiros, cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới có thể là cách tốt nhất để tìm ra con đường tiến về phía trước trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ông cho rằng, chỉ có lãnh đạo cấp cao nhất ở Bắc Kinh mới có thể giúp giải quyết những vấn đề gây tranh cãi nhất ở trung tâm cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc.

Trong khi đó, ông Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở ở Washington DC đánh giá, hội nghị trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình được mong đợi báo hiệu khả năng “tan băng hạn chế” trong quan hệ song phương, từ đó giúp ổn định cạnh tranh Mỹ - Trung, cũng như giúp hai bên tránh được những sai lầm.

Điều này dường như cũng thể hiện mong muốn của đất nước gấu trúc, khi Tân Hoa xã mới đây viết: “Khi Trung Quốc và Mỹ hợp tác, cả hai quốc gia và thế giới sẽ được hưởng lợi”.

Ngọc Minh