Tìm kiếm không gian sáng tạo cho Hà Nội

- Thứ Bảy, 31/07/2021, 07:11 - Chia sẻ
Từ bảo tồn, phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống như làng cổ Đường Lâm, làng mây tre đan Phú Vinh, khu phố cổ Hà Nội, tới việc cải tạo, khai thác nhà máy cũ ở nội đô, cải tạo hạ tầng có sẵn... các kiến trúc sư đã đưa ra nhiều phương án để xây dựng và củng cố những không gian sáng tạo, văn hóa nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế của Hà Nội.
Phương án chuyển hóa chức năng sử dụng Nhà máy Dệt kim Đông Xuân - Ảnh TCKT.VN
Phương án chuyển hóa chức năng sử dụng Nhà máy Dệt kim Đông Xuân
Ảnh TCKT.VN

Tối ưu hóa không gian

“Với thực trạng các khu tập thể cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng, việc tìm ra giải pháp tái thiết lập không gian là cần thiết, góp phần thúc đẩy kinh tế đồng thời lưu giữ và phát triển các giá trị vốn có ở địa phương” - nhận định như vậy, tác giả Nguyễn Chí Thanh đã lên phương án cho không gian sáng tạo tại khu tập thể 3T đường Lê Hồng Phong là tái thiết không gian trong và ngoài khu vực. Dãy nhà cũ được cải tạo, bố trí thêm các chức năng thích hợp, xây dựng và bổ sung những công năng cần thiết khác nhằm tạo nên một hệ sinh thái sáng tạo. Dựa vào mô hình không gian “Phá vỡ - Liên kết” các hoạt động và nguồn lực của con người, thiên nhiên được liên hệ và hỗ trợ chặt chẽ với nhau qua các khoảng thông tầng, không gian cây xanh và giao thông tuần hoàn. Phương án vẫn giữ lại các giá trị sử dụng và giá trị tinh thần của khu tập thể cũ, kiến tạo các khu vực nhằm thích nghi với nhu cầu tìm kiếm không gian sáng tạo, từ đó thu hút nguồn lực, đem lại giá trị kinh tế cho địa phương.

Tác giả Nguyễn Kiên Tố lại có ý tưởng tận dụng không gian hầm đi bộ Ngã Tư Sở khi nó đang dần trở nên vắng và xuống cấp. “Với phương án hầm bộ hành kết hợp không gian xanh sẽ phủ xanh một diện tích không hề nhỏ các không gian bị quên lãng này”. Tác giả đề xuất ứng dụng công nghệ mới để có thể trồng cây dưới mặt đất; cải tạo đường đi bộ và đạp xe để tuyến đường trở nên thú vị hơn; đồng thời, mở rộng hầm bộ hành (sang 2 bên) và thêm các quán hàng, dịch vụ để không gian có thể tự vận hành 24/7...

Nhiều phương án khác cũng được đưa ra như xây dựng không gian dành riêng cho sáng tạo tại trung tâm của khúc sông Hồng (CTCP Tư vấn và đầu tư kiến trúc AVANT); hay cải tạo các vòm cầu cạn vừa làm không gian triển lãm nghệ thuật, vừa phục vụ kinh doanh (Công ty CP Tư vấn Thiết kế ADA và Cộng sự); tái sử dụng thích ứng không gian nhà máy Dệt kim Đông Xuân (tác giả Đào Văn Quân - Nguyễn Cao Hoài Nam) hay Nhà máy xe lửa Gia Lâm (nhóm tác giả Phạm Trung Hiếu, Nguyễn Đăng Hải, Vũ Văn Thiệu...); không gian trải nghiệm độc đáo tại làng cổ Đường Lâm (Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững)...

Đó là một vài trong số 25 phương án xuất sắc nhất được Hội đồng giám khảo cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” lựa chọn. Cuộc thi do UBND TP. Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc và các đơn vị đồng hành tổ chức.

Sáng tạo - trung tâm và ưu tiên của quy hoạch đô thị

Đây là cuộc thi đầu tiên về thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội. Ban tổ chức cuộc thi cho biết, sau gần 8 tháng phát động, đã có 93 phương án dự thi từ các cá nhân, tổ chức trong nước, quốc tế tại 3 hạng mục: Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo; tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng; bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống. Trong đó, có 41 phương án đăng ký đối tượng dự thi chuyên nghiệp và 52 phương án đăng ký đối tượng dự thi bán chuyên nghiệp và không chuyên.

Theo Hội đồng giám khảo cuộc thi, nhìn chung các phương án đều có chất lượng tốt, với sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện rõ sự quan tâm, trách nhiệm đối với sự hình thành và phát triển các không gian sáng tạo Hà Nội.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - Hội đồng giám khảo cuộc thi cho rằng: Đối với Hà Nội, đây là thời điểm thích hợp để tổ chức cuộc thi, đúng hơn là một chuỗi cuộc thi, để Hà Nội có nhiều không gian sáng tạo đáp ứng nhu cầu hoạt động của người dân, nếu không sẽ là quá muộn. Bởi sau thời gian dài hối hả phát triển, đời sống vật chất của người dân tăng lên nhiều, nhưng thành phố lại thiếu không gian dành cho các hoạt động cộng đồng mang đậm nét riêng của văn hóa Hà Nội. Đó thực sự là một đòi hỏi cấp thiết để Hà Nội sớm trở thành nơi sống tốt và có bản sắc.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Thông, một thời gian dài Hà Nội thực sự chưa chú trọng phát triển các không gian sáng tạo, nhưng gần đây đã và đang có những dự án tổ chức không gian sáng tạo khá thành công. Đây là kết quả phối hợp hiệu quả giữa các tác giả, chính quyền, nhà đầu tư và người dân, trong đó cam kết của chính quyền có vai trò quan trọng. Điều đó cho thấy xu hướng phát triển không gian sáng tạo ở Hà Nội là phù hợp và đang đi đúng hướng của thời đại.

Nhiều phương án dự thi đã cho thấy sự quan tâm của các kiến trúc sư với việc xây dựng không gian sáng tạo tại Hà Nội. Tuy vậy, điều mà những người tổ chức kỳ vọng là sự đón nhận của cộng đồng và khả năng triển khai trong thực tế, đưa sáng tạo thành trung tâm và ưu tiên của quy hoạch đô thị, đồng thời đặt con người và sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, hướng đến hiện thực hóa tầm nhìn và danh hiệu của Hà Nội là Thành phố sáng tạo.

Ngọc Phương