Thảo luận về kinh tế - xã hội:

Tìm nguyên nhân để tháo gỡ khó khăn

- Thứ Bảy, 25/07/2020, 07:23 - Chia sẻ
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gặp khó khăn do thời tiết khô hạn và chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhưng đời sống nhân dân vẫn được duy trì ổn định. Tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề, cần quan tâm giải quyết, bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện sáp nhập cấp huyện xã; tăng thu ngân sách; giảm tình trạng nợ đọng thuế…

Cần giải pháp tăng thu, chống thất thu

Giải trình với các đại biểu về các chỉ tiêu năm 2019 không đạt kế hoạch đề ra, thực tế giảm so với báo cáo, UBND tỉnh cho biết, ngành sản xuất công nghiệp hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào tình hình sản xuất của Công ty Thủy điện Hòa Bình. Trong khi đó, thời tiết khô hạn, lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt khoảng 70% trung bình nhiều năm đã ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, việc phải tạm dừng các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn thành các thủ tục điều chỉnh, khắc phục vi phạm về thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ, an toàn lao động và môi trường trong năm 2018 cũng đã ảnh hưởng đến sản lượng ngành khai thác khoáng sản. Với những nguyên nhân như vậy, kết quả tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 8,07%, kéo theo tăng trưởng chung của tỉnh năm 2019 là 6,75%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 3.637 tỷ đồng, giảm 363 tỷ đồng so với số đã báo cáo.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Trần Ánh Dương đề nghị, UBND tỉnh khi thành lập tổ công tác để tính các số liệu về chỉ tiêu kinh tế cần mời Tổng cục Thống kê tham dự để bảo đảm công tác phối hợp, tính chính xác, thống nhất của số liệu. Đồng thời, cần đưa ra những giải pháp cụ thể, quyết liệt để tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng thu ngân sách nhà nước đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Các đại biểu đề nghị, trong 6 tháng cuối năm 2020 cần có giải pháp tăng thu, chống thất thu, vì nguồn thu từ đất hiện nay rất thấp, đặc biệt tại 1 số huyện được giao số thu lớn như huyện Lương Sơn không bảo đảm mục tiêu theo kế hoạch.

Để bảo đảm nguồn thu ngân sách, Sở Tài nguyên và Môi trường cần đẩy nhanh thủ tục chuyển đổi và thu hồi đất đối với các dự án bán đấu giá. Tỉnh cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, dịch vụ sớm phục hồi các hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tập trung phát triển điểm du lịch có tiềm năng, lợi thế như Mai Châu, Lạc Thủy, Kim Bôi và Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035. 

Thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị hành chính 

Việc thực hiện Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, là một nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Đa số ý kiến các đại biểu cho rằng, cần làm rõ công tác thực hiện bố trí, sắp xếp nhân sự trong các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã đối với các cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cũng như việc giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính. 

Về việc thực hiện sáp nhập cấp huyện, xã, đến nay, tỉnh Hòa Bình đã giảm được 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 59 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, số cán bộ, công chức dôi dư là 1.053 người, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 745 người. UBND tỉnh đã giải quyết theo hồ sơ đề nghị của các huyện, thành phố cho 422/1.053 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, nghỉ chế độ theo quy định đạt 40% so với lộ trình bố trí, sắp xếp trong 5 năm. Hiện đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thủ tục chi trả chế độ nghỉ việc cho 449/745 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư, nghỉ việc.

Các đại biểu nêu ra những vướng mắc trong việc sắp xếp cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách như số lượng cán bộ, công chức hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp là rất lớn dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nhân sự. Bên cạnh đó, khung danh mục, vị trí việc làm đối với cấp huyện chưa được quy định cụ thể, do đó, rất khó để xác định số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. 

Bảo đảm an sinh xã hội

Liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội, nhiều đại biểu đề nghị cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân để ổn định đời sống sau dịch Covid-19, đặc biệt là vấn đề bảo đảm cuộc sống, ổn định cho người lao động. Tính đến ngày 10.7.2020, đã thực hiện hỗ trợ cho 246.311 người với tổng số tiền là 207,152 tỷ đồng; trong đó, có 7.189 người có công với số tiền 10,777 tỷ đồng, 22.823 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 34,159 tỷ đồng, 90.255 người thuộc hộ nghèo với số tiền 67,686 tỷ đồng, 126.044 người thuộc hộ cận nghèo với số tiền 94,53 tỷ đồng. Cơ bản đã hoàn thành việc hỗ trợ cho nhóm người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. 

Tuy nhiên, đối với nhóm hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh cá thể tiến độ thực hiện còn rất chậm. Đến ngày 10.7.2020, mới chỉ có 76 lao động được hỗ trợ với kinh phí là 76 triệu đồng, trong đó, có 2 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và 74 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập.

Đại biểu Võ Ngọc Kiên, tổ đại biểu HĐND huyện Cao Phong khẳng định, sau dịch Covid-19, vấn đề cấp bách hiện nay là lao động thất nghiệp. Vì vậy trong thời gian tới, UBND tỉnh cũng cần phải có báo cáo cũng như những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định an sinh xã hội.

Tuấn Đỗ