Tín dụng chính sách - trụ cột giảm nghèo ở Bình Định

- Thứ Năm, 09/09/2021, 06:48 - Chia sẻ
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng, tăng 6,14% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước 0,5% và xếp thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung… là kết quả nổi bật của Bình Định trong 6 tháng đầu năm 2021. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của tín dụng chính sách - một trong những trụ cột chính trong giảm nghèo đa chiều và giữ đà tăng trưởng ổn định cho địa phương.

“Không thể tưởng tượng hết những khó khăn mà Chi nhánh đã từng trải qua!” Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Bình Định Đoàn Trung Thành nhớ lại.

Những ngày đầu, Chi nhánh phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như vốn ít, cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, địa bàn quá rộng, phức tạp, nhiều hộ nghèo, nhiều khu vực khó khăn và đặc biệt thường xuyên phải gồng gánh những khắc nghiệt về thiên tai hạn hán, bão lũ... Thế nhưng, xuyên suốt cuộc hành trình đó, NHCSXH Bình Định luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và nhất là sự nỗ lực của các thế hệ người làm tín dụng chính sách trên mảnh đất thượng võ Tây Sơn. Nhờ đó, dòng vốn chính sách luôn được khơi thông, góp phần xây đắp quê hương thêm no ấm, thịnh vượng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ dân Bình Định thoát nghèo.  Ảnh: Dư Minh Uyên
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ dân Bình Định thoát nghèo.
Ảnh: Dư Minh Uyên

Trong 19 năm qua, tốc độ tăng trưởng dư nợ của Chi nhánh luôn đạt từ 8% đến 11,5%/năm; đến nay, đạt trên 4.666 tỷ đồng, tăng 357 tỷ đồng so với cuối năm 2020 với 94 nghìn hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn còn dư nợ, chiếm 21,7% tổng số hộ toàn tỉnh. Ngay giữa đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, nguồn vốn chính sách ở Bình Định vẫn tăng hơn 1.100 tỷ đồng. Qua đó, giúp 29 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo từ rẻo cao An Lão, Vĩnh Thạnh đến đảo xa Cù Lao Xanh, Phù Cát, Phù Mỹ được vay vốn thuận lợi, kịp thời đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản.

“Đạt được tốc độ tăng trưởng dư nợ đó, trước hết do các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã ở Bình Định xác định rõ phát triển hoạt động tín dụng chính sách là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Từ đó, tạo điều kiện cho NHCSXH tập trung các nguồn lực tài chính về một đầu mối, nhất là chủ động khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn hoạt động” - Giám đốc Đoàn Trung Thành khẳng định.

Cụ thể, sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Bình Định đã chuyển 381 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH (chiếm tỷ trọng 8,2% trong tổng nguồn vốn), góp lực để hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay thêm vốn chính sách, đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Cùng với đó, Chủ tịch UBND cấp xã được cử làm thành viên chính thức của Ban đại diện HĐQT - NHCSXH cấp huyện, nghĩa là cùng tham gia trực tiếp quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách; các tổ chức chính trị xã hội ngày một chuyên nghiệp hơn trong việc truyền dẫn nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng… nên được tin tưởng thực hiện ủy thác tới 99,8% tổng dư nợ của NHCSXH. Các Tổ Tiết kiệm và vay vốn được kiện toàn, củng cố với tiêu chí 3 đủ là đủ số thành viên, đủ vốn hoạt động, tổ trưởng đủ năng lực quản lý kinh tế, tín dụng.

​​Trong 8 tháng năm 2021, NHCSXH Bình Định đã chuyển tải vốn tới hơn 29 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở 12 huyện, thị xã, thành phố; doanh số 1.168 tỷ đồng, trong đó, 3 huyện nghèo là Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh có dư nợ cho vay hộ nghèo gần 800 tỷ đồng, tăng 283 tỷ đồng so với năm 2019.

Thực tế, 100% Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở Bình Định hoạt động bảo đảm chất lượng, được xếp loại tốt đã thực hiện công tác bình xét, xác nhận đối tượng vay vốn chính sách chính xác, hạn chế cho vay sai đối tượng. Nhờ vậy, chất lượng tín dụng chính sách ở Bình Định được nâng cao rõ rệt, với số nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07% tổng dư nợ. Toàn tỉnh có 2.142/2.359 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, 95/159 đơn vị cấp xã không có nợ quá hạn.

Với nguồn vốn lớn cùng mạng lưới rộng khắp, NHCSXH Bình Định đã chủ động đổi mới quy trình thủ tục cấp tín dụng chính sách; đưa vốn tới tận tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, cán bộ tín dụng của NHCSXH Bình Định đã nỗ lực vượt khó, vừa tăng cường phòng chống dịch bệnh, vừa huy động vốn nhanh, chuyển kịp thời xuống 159 điểm giao dịch; phân bổ vốn kịp thời tới 2.359 Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở 1.121 thôn, làng, khu phố để cho vay trực tiếp từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, giúp Nhân dân khôi phục sản xuất, hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương tái sản xuất cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Từ nguồn vốn chính sách, các huyện 30a đã đẩy mạnh trồng rừng, nâng độ che phủ rừng lên 76%, xây dựng mô hình kinh tế đa dạng hóa sinh kế như trồng rau an toàn thu nhập 150 triệu đồng/ha, nuôi cá lồng bè trên hồ Định Bình, thu lãi 80 triệu đồng/2 vụ/năm hay mô hình trồng dâu nuôi tằm… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả tỉnh 2%/năm.

Có thể thấy, nguồn vốn từ NHCSXH Bình Định đã và đang chảy đều, thấm sâu trong lòng đất võ Tây Sơn, giúp thay đổi toàn diện đời sống đồng bào các dân tộc. “Chúng tôi đang và sẽ thực hiện sâu rộng hơn Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06 của Ban Bí thư, tập trung huy động mọi nguồn lực, chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, đóng góp hiệu quả vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương” - Giám đốc Đoàn Trung Thành nói.

Dư Minh Uyên