Tin ở mùa Xuân

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:18 - Chia sẻ

Mưa xuân ướt cả vườn đào/ Mẹ ơi khách nợ đang vào nhà ta - Câu thơ năm xưa mẹ thường ngâm trong những chiều cuối năm giá rét. Những chiều cuối năm giăng mắc mưa phùn…

Mưa phùn cuối năm lạ lắm! Thiếu nó, tựa hồ cỏ cây vạn vật sẽ khô héo, chẳng còn đâu nhựa sống để có thể cựa mình trỗi dậy qua mùa đông lạnh giá, để đâm chồi nảy lộc cho một mùa xuân xanh thắm căng tràn. Nhưng có nó, cũng làm cho giá buốt của những ngày đông cuối cùng càng thêm nỗi tái tê…

Ướt át ẩm thấp đến nỗi quần áo phơi đến cả tuần cũng chỉ ẩm thêm chứ không tài nào khô được. Trẻ con nhà quê không bao giờ thích mưa phùn cả, bởi chẳng có nhiều quần áo ấm để mặc, lại cũng rất ít được tắm gội. Nhà quê xưa làm gì có nhà tắm. Việc tắm gội của cả nhà thường phải chờ đến chiều 30 Tết. Nước đổ vào nồi đồng nhỏ đặt trên nồi bánh chưng cho nóng, lại thả vào mấy cây mùi già cho thơm. Và việc tắm gội với thứ nước như thế đã trở nên một thứ nghi lễ, nghi lễ tắm tất niên, để cơ thể được tẩy trần, thơm tho sạch sẽ mà đón năm mới.

Nhớ những chiều cuối năm trong mưa phùn gió bấc âm u, mẹ cứ ngồi bó gối bên bếp lửa. Nồi cám mới chỉ lục bục sôi, mà lợn trong chuồng đã réo đòi ăn, dũi mõm muốn sập cả cánh liếp. Mẹ vừa phải lúi húi lo bữa tối sao cho đủ đẫy bụng một đàn con đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới; lại rối hết gan ruột nghĩ, phải làm sao đây để trả hết nợ nần trong cái đận năm cùng tháng tận xồng xộc ngay trước cửa, để mình khỏi bị dông cả năm, mà chủ nợ cũng khỏi bị xúi quẩy.

Mảnh sân đất nứt nẻ trong mấy tháng khô hanh, giờ lép nhép mặt rêu trơn. Mưa bụi thì cứ giăng màn. Lũ con lau nhau bốn năm đứa, đói đấy, rách đấy, nhưng biết mẹ đang lo lắng nên đứa nào đứa nấy cứ nem nép tự tìm lấy việc trong nhà mà làm, không cần phải đợi mẹ hay anh chị sai bảo. Vừa làm, thỉnh thoảng chúng len lén nhìn mẹ. Mẹ biết chúng nghĩ gì trong những cái nhìn len lén ấy, nên dẫu có buồn lo mấy cũng cố gượng cười cho các con đỡ tủi. Từ bên nhà hàng xóm vọng sang tiếng bọn trẻ làm nũng bố mẹ, đòi sắm quần áo mới. Mẹ nghe mà càng thương các con, vì các con biết nhà mình nghèo, nên chẳng dám đòi hỏi.

Thế nên, các chị tôi nhác thấy khách đến đòi nợ từ ngõ ngoài, là đã chạy quýnh cả chân vào bếp mách thầm với mẹ: “Mẹ ơi, khách nợ đang vào nhà ta”…

Đã không chỉ một mùa xuân câu ca cũ ấy được hát lên như thế. Bởi, năm nào thì mẹ cũng nợ nần, và những ngày cuối năm nào người ta cũng đến đòi nợ.

Mẹ nuôi một đàn con nheo nhóc, cho nên cái nợ đồng lần lúc nào cũng ám ảnh mẹ. Và cứ năm hết Tết đến, những món nợ đến kỳ không thể không trả ấy đều khiến mẹ rầu gan héo ruột. Nhưng vẫn phải vừa lo trả nợ, vừa lo Tết. Thử hỏi, có người mẹ nào không rầu gan héo ruột. Trong khi không khí Tết thì cứ rộn ràng ngời ngợi lên trên khắp bầy hoa lá trong vườn, trong tiếng í ới gọi nhau đụng lợn khắp làng trên xóm dưới và trong ánh mắt vời vợi ngóng mong tấm áo nghênh xuân của lũ trẻ non thơ…

Chuyện “dông cả năm” vì nợ nần năm cũ vắt qua năm mới chẳng biết có thật hay không nhưng vẫn luôn khiến những “con nợ” phải thấp thỏm lo âu. Biết đâu là tục kiêng này hẳn chỉ để nhắc nhớ chúng ta biết giữ lời, rằng luật đời có vay có trả... Để giữ chữ tín. Để chấm dứt lo lắng mà bước vào năm mới với những công việc mới, hy vọng mới.

Mưa xuân ướt cả vườn đào…, có lẽ, câu ca ngậm ngùi cũng là lời nhắc buồn mà ấm áp với mẹ về những tháng năm xưa. Đã bao gian truân vất vả, đã tột cùng lo lắng, đã oằn lưng với bao nhiêu gánh nợ phải trả trong cuộc đời… Nhưng điều làm nên sức mạnh để mẹ có thể vượt qua tất cả, chính là mẹ luôn tin ở các con, đặt mọi hy vọng vào sự khôn lớn trưởng thành của các con. Các con là mùa xuân của mẹ...

Trang Thanh