Tính chuyện sống chung với Covid

- Thứ Ba, 31/08/2021, 05:49 - Chia sẻ
Vấn đề sống chung với dịch bệnh được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra hôm 29.8 trong cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với đại diện các xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội. Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp".

Vào thời điểm này có thể nói rằng chúng ta hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tính chuyện sống chung với Covid-19. Những bằng chứng khoa học lẫn thực tiễn ở nhiều quốc gia khác chứng tỏ virus này sẽ còn đeo bám loài người ngày càng chắc chắn hơn. Một trong số đó là sự biến chủng của nó và các biến chủng đều có khả năng truyền nhiễm cao hơn nguyên chủng cũng như để lại các triệu chứng hậu Covid trong thời gian dài. Bất chấp độ bao phủ vaccine ngày càng mở rộng, tình hình dịch bệnh - với sự hoành hành của biến chủng Delta,  Delta-plus, Lambda - vẫn khiến cả các quốc gia có điều kiện và tiềm lực kinh tế lớn bị động, quá tải về hệ thống y tế. Ở trong nước, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khốc liệt và khó dự báo.

Sống chung với dịch có nghĩa chúng ta phải chấp nhận tổ chức lại đời sống kinh tế - xã hội khi vẫn tồn tại các ca F0 trong cộng đồng. Rủi ro và thiệt hại đi kèm là điều không tránh khỏi, tất nhiên là với điều kiện ngưỡng rủi ro và thiệt hại ở mức chấp nhận được. Việc này cần phải có kế hoạch bài bản ở các cấp độ từ Trung ương đến địa phương.

Trước hết, kế hoạch sống chung với dịch không thể tách rời chiến lược vaccine. Trong điều kiện vaccine còn khan hiếm, chiến lược tiêm chủng có lẽ cần hướng ưu tiên vào một số trọng điểm nhằm bảo đảm nền kinh tế có thể sống chung với dịch. Đó có thể là các trung tâm công nghiệp, các đầu mối giao thương và tiêu thụ hàng hóa quan trọng, các trọng điểm về du lịch… Ví dụ nếu TP. Hồ Chí Minh đạt được miễn dịch cộng đồng sớm thì đây sẽ là chỗ dựa rất mạnh mẽ cho hàng loạt địa phương lân cận vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch. Hoặc nếu toàn bộ người dân ở Phú Quốc (Kiên Giang) đều được tiêm vaccine thì có thể mở cửa du lịch với khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”.

Bên cạnh lực lượng tuyến đầu chống dịch, vaccine cũng cần được ưu tiên cho những người đảm nhiệm vai trò duy trì các chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thiết yếu… Khi đó, giải pháp “hộ chiếu vaccine” cho thị trường nội địa cần được tính tới. Chẳng hạn, có thể cho phép các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh hoạt động ngay cả trong thời điểm giãn cách nếu người lao động, nhân viên đã được tiêm vaccine.  

Kế hoạch sống chung với dịch nhất định phải có sự điều phối và chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ. Để tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện một kiểu, Chính phủ cần xây dựng các bộ tiêu chí chống dịch và quản trị, điều hành xã hội theo các cấp độ dịch, để có thể linh hoạt chuyển đổi các trạng thái chống dịch mà xã hội vẫn trật tự. Chính phủ cũng cần xây dựng một nền tảng công nghệ thật mạnh cho mọi việc liên quan đến Covid như truy vết, xét nghiệm, điều trị, vaccine... tránh tình trạng “loạn app” chống dịch mà hiệu quả thì không tương xứng.

Ở cấp độ địa phương cũng có nhiều việc phải làm khi xác định sống chung với dịch. Ví dụ, điều chỉnh chiến lược phong tỏa, giãn cách theo hướng thu hẹp tối đa “vùng đỏ” dựa trên khoảng cách địa giới của nơi có ca lây nhiễm thay vì dựa vào địa giới hành chính như hiện nay. Việc rút ra những bài học kinh nghiệm từ các “trục trặc” của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thời gian qua là hết sức quan trọng. Đi cùng với “chuyển hướng chiến lược”, việc có các giải pháp hiệu quả rút ra từ những thất bại vừa qua sẽ giúp các địa phương thay đổi cách làm toàn diện.

Hướng tới chung sống với Covid-19 là chiến lược đúng đắn. Để sống chung với virus này, có rất nhiều việc phải làm và hầu hết là việc khó, bởi vậy cần quyết sớm và triển khai ngay.

Hà Lan