Tình thế khó xử

- Thứ Năm, 24/06/2021, 07:04 - Chia sẻ
Những nỗ lực nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang đạt được nhiều tiến bộ, nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đang làm phức tạp thêm vấn đề.
Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi  Nguồn: AP
Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi
Nguồn: AP

Việc người dân Iran bầu chọn tổng thống mới là đối tượng đang bị Mỹ trừng phạt khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với tình thế khó xử. Ông Ebrahim Raisi không chỉ nổi tiếng là chính trị gia cứng rắn mà còn bị Mỹ cáo buộc về một loạt vi phạm nhân quyền và trở thành đối tượng trong các lệnh trừng phạt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Điều đó khiến ông Raisi trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Iran chịu các biện pháp trừng phạt của Chính phủ Mỹ. Về lý thuyết, các biện pháp trừng phạt này sẽ gây khó khăn cho ông Raisi khi muốn tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới một quốc gia khác hay phát biểu tại diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như Liên Hợp Quốc.

Hiện Tổng thống Biden và các trợ lý hàng đầu, trong đó có Đặc phái viên của Mỹ về Iran Robert Malley, đang phải đối mặt với áp lực về việc có nên dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ông Raisi khi họ thúc đẩy các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay không. Trong khi đó, phía Iran đã đánh tiếng rằng, những biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống đắc cử Raisi cần được dỡ bỏ nếu Mỹ muốn thỏa thuận hạt nhân được khôi phục.

Chính quyền của ông Biden chắc chắn phải đưa ra lựa chọn trên cơ sở cân nhắc tiến trình đàm phán. Các quan chức cho biết, nhiều khả năng Mỹ sẽ không dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt, vì nhiều biện pháp trong số đó có cơ sở chính đáng. Nhưng họ cũng chỉ ra rằng, một số biện pháp trừng phạt chỉ nhằm cản trở thỏa thuận hạt nhân 2015 chứ không vì lý do khủng bố hoặc các lý do phi hạt nhân khác, cần được dỡ bỏ.

Khác biệt cốt lõi

Vị Tổng thống mới xuất hiện khi các cuộc đàm phán nhằm nối lại Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vừa trải qua vòng đàm phán thư 6 tại Vienna hôm 20.6 nhưng không có tiến triển rõ rệt. Tại đây, các quan chức châu Âu đóng vai trò là trung gian cho các phái đoàn từ Iran và Mỹ, hai nước không có quan hệ ngoại giao chính thức và không trực tiếp đàm phán với nhau.

Các quan chức Mỹ cho biết, dù các cuộc đàm phán đang được thúc đẩy nhưng không có gì là chắc chắn. “Mọi thứ đang được đàm phán theo phương châm không có gì được thỏa thuận cho đến khi mọi thứ được thống nhất. Những khác biệt giữa các bên không còn nhiều, nhưng đó lại là những khác biệt khó giải quyết nhất”, một quan chức Mỹ hiểu rõ vấn đề này cho biết.  

Đối với Iran, thỏa thuận để hồi sinh Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) sẽ phải bao gồm việc Mỹ dỡ bỏ một loạt lệnh trừng phạt đối với Iran. Tehran muốn Washington bảo đảm sẽ không tiếp tục rút khỏi thỏa thuận như những gì cựu Tổng thống Donald Trump đã làm năm 2018.

Trong khi đó, Mỹ yêu cầu Tehran cắt giảm đáng kể chương trình hạt nhân, cũng như nhất trí về trình tự các bước thực hiện. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn Iran cam kết tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận mở rộng hơn, lâu dài hơn, bao gồm các vấn đề như chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và sự hỗ trợ của nước này đối với các nhóm dân quân ủy nhiệm. Các cuộc đàm phán cũng có thể sẽ bao gồm việc giải quyết các mối quan tâm do kiến ​​thức khoa học mà Iran thu được trong hai năm qua.

Tuy nhiên, các phân tích nhận định, việc Tổng thống Biden muốn đưa những vấn đề nằm ngoài thỏa thuận hạt nhân vào các cuộc đàm phán là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Ông Rich Goldberg, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận xét: “Iran sẽ không bao giờ chịu đàm phán một cách thiện chí về những vấn đề nằm ngoài thỏa thuận hạt nhân”.

Yêu cầu của Washington càng trở nên mờ mịt trong bối cảnh các quan chức đàm phán ở Vienna cảnh báo, tân Tổng thống Raisi có thể sẽ cố gắng tạo dấu ấn sớm trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ bằng cách đưa ra những yêu cầu bổ sung vào các cuộc đàm phán.

Hôm 21.6, trong phát biểu đầu tiên kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Ebrahim Raisi đã bác bỏ khả năng gặp Tổng thống Joe Biden, yêu cầu Mỹ “dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt nhằm vào Iran” và phản đối mục tiêu chính của chính quyền Biden muốn mở rộng thỏa thuận hạt nhân. Ông cho biết chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là "không thể thương lượng" và bác bỏ mọi yêu cầu nhằm hạn chế sự hỗ trợ của Iran đối với các lực lượng dân quân bên ngoài biên giới của mình - chính là những vấn đề mà các quan chức Mỹ hy vọng sẽ giải quyết như một phần của thỏa thuận mở rộng hơn với Iran.

Lạc quan thận trọng

Tuy nhiên, có lý do để Chính quyền Mỹ lạc quan về tiến trình đàm phán. Họ cho rằng, Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei - người đã đặt bút ký thỏa thuận Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) năm 2015 mới là người đưa ra quyết định cuối cùng dù ai làm tổng thống. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Chúng tôi hy vọng Lãnh tụ tối cao của Iran sẽ đưa ra quyết định tương tự vào tháng 8 này, như những gì họ đã làm năm 2015 khi việc ký kết JCPOA hoàn tất”.

Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei nhiều lần cho thấy ông ủng hộ một thỏa thuận với Washington nhằm loại bỏ các lệnh trừng phạt đã gây thiệt hại cho nền kinh tế đang dần kiệt quệ của Iran. Tổng thống Raisi là người thân cận với Lãnh tụ Khamenei và có thể sẽ kế nhiệm ông làm Lãnh tụ tối cao. Do vậy, dù có thể đưa ra những câu từ cứng rắn khi mới lên nắm quyền, cuối cùng ông Raisi vẫn theo tuân theo hướng dẫn của ông Khamenei về cách tiếp cận các cuộc đàm phán hiện tại.

Lịch sử gần đây cũng chứng minh điều này. Các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận năm 2015 ban đầu bắt đầu dưới thời Tổng thống Iran vô cùng cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad, nhưng lại đạt kết quả dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Rouhani, một nhân vật được đánh giá là khá ôn hòa.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ cho biết, việc Iran mong muốn có được cam kết cứu trợ kinh tế nhiều hơn những gì mà thỏa thuận hạt nhân ban đầu mang lại là động lực để họ quay lại bàn đàm phán. “Những điều kiện đã mang lại thỏa thuận ban đầu có thể mang lại một thỏa thuận tiếp theo vì vẫn còn những vấn đề mà Iran muốn ở Mỹ nhiều hơn và những vấn đề mà Mỹ và các nước khác muốn ở Iran nhiều hơn”, quan chức Mỹ nói.

Đạt Quốc