ĐBQH Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận)

Tính toán lại việc tăng diện tích đất bãi thải

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 17:43 - Chia sẻ
Tham gia ý kiến về nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 30.10, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ đề nghị, Quốc hội không nên giảm diện tích rừng phòng hộ ở khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; nên dành quỹ đất để bố trí cho đất văn hoá và đất thể thao. Đặc biệt, cần tính toán lại việc tăng diện tích đất bãi thải...

Cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế của Quốc hội về quy hoạch đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tuy nhiên, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ cho rằng, có 4 vấn đề về đất rừng phòng hộ, đất công trình năng lượng, đất khu công nghiệp và đất bãi thải cần cân nhắc, tính toán lại. 

ĐBQH Đặng Hồng Sỹ phát biểu tại tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Về đất rừng phòng hộ, theo quy hoạch đến năm 2030 cả nước có hơn 5,2 triệu ha đất rừng phòng hộ, tăng hơn 111 nghìn ha so với năm 2020. Việc tăng này là cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, đi vào quy hoạch cụ thể việc giảm diện tích đất rừng phòng hộ ở hai khu vực: Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (giảm hơn 30 nghìn ha); Đông Nam bộ (giảm hơn 5,5 nghìn ha) để phát triển kinh tế thì cần tính toán lại.

Theo đại biểu, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là vùng có địa hình đồi núi ra sát biển, dốc và thường xuyên bị lũ lụt, sạt lở. Nếu giảm diện tích rừng phòng hộ ở khu vực này sẽ làm cho biến đổi khí hậu gia tăng thêm, gây thêm lũ lụt ở khu vực miền trung và sa mạc hoá ở một số tỉnh phía Nam miền trung, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của nhân dân. Mặt khác, Tờ trình của Chính phủ cũng đã nêu, phải “tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, rừng phòng hộ ven biển có tác dụng chắn gió, chắn cát… Nâng cao năng lực, phòng chống giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, bão lũ, hạn hán; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hoá, sạt lỡ bờ sông, bờ biển” đối với Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

“Tôi đề nghị không nên giảm diện tích đất rừng phòng hộ ở khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung”, đại biểu Đặng Hồng Sỹ nhấn mạnh.

Về đất công trình năng lượng, đến hết năm 2020, cả nước có hơn 198 nghìn ha đất công trình năng lượng và xác định quy hoạch đến năm 2030 là hơn 288 nghìn ha, tăng hơn 90 nghìn ha so với năm 2020. Theo đại biểu, diện tích tăng này khá lớn, cần tính toán lại. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng điện gió ngoài khơi; cần chú ý sử dụng diện tích mặt nước của các hồ, đập, các bãi thải để phát triển điện năng lượng mặt trời; cho phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời ở các khu vực đất đồi đá, địa hình dốc không trồng trọt, sản xuất được. Quỹ đất quy hoạch cần ưu tiên xây dựng các đường truyền tải điện.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, trong Quy hoạch điện VIII cần giảm quy hoạch nhiệt điện, thuỷ điện và tăng quy hoạch điện năng lượng tái tạo.

Về đất khu công nghiệp, giai đoạn 2011-2020, chỉ tiêu đất này đạt rất thấp (hơn 47%), tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 75%. Giai đoạn 2021-2030, lại đặt chỉ tiêu rất cao là hơn 210 nghìn ha, tăng hơn 180 nghìn ha so với năm 2020 (trong đó có chuyển đổi từ đất trồng lúa hơn 48 nghìn ha). Theo giải trình của Chính phủ thì nhu cầu đất khu công nghiệp tăng nhanh do làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam và để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) đã đặt ra mục tiêu đưa đất nước ta thành nước phát triển công nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, đất văn hoá theo quy hoạch đến năm 2030 chỉ có hơn 20 nghìn ha, tăng hơn 11 nghìn ha so với năm 2020. Đất thể dục thể thao quy hoạch đến năm 2030 là hơn 30 nghìn ha, tăng hơn 17 nghìn ha. “Bố trí như vậy là ít, tôi đề nghị tăng thêm vì nhu cầu xây các công trình văn hoá, thể thao ở miền núi, vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội”, đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị.

Về đất bãi thải, đến năm 2020, diện tích đất bãi thải của cả nước là hơn 8 nghìn ha. Quy hoạch đến năm 2030 là hơn18 nghìn ha, tăng 10 nghìn ha. (từ trước đến nay chỉ có hơn 8 nghìn ha, nhưng 10 năm tới tăng nhiều, mỗi năm tăng 1000 ha). Đại biểu cho rằng, chúng ta đang hướng tới phát triển bền vững, phát triển đi đôi với với bảo vệ môi trường. Chắc chắn, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, trong tương lai công nghệ xử lý chất thải sẽ tốt hơn và ít chiếm diện tích đất để làm bãi thải. Do đó, cần tính toán lại việc tăng diện tích đất bãi thải; đồng thời, có giải pháp để tái sử dụng các bãi thải.

Đức Kiên