ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La):

Tình trạng nợ, chậm đóng bảo hiểm còn cao

- Thứ Tư, 27/10/2021, 18:03 - Chia sẻ
Đại biểu Đinh Công Sỹ cho rằng, tình trạng chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội còn cao, trong đó có cả khu vực nhà nước dù nhìn tổng thể năm 2020, bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng, Chính phủ cũng đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan bảo hiểm xã hội có các giải pháp khá cụ thể để khắc phục tình trạng chậm, nợ đóng. Kết quả chưa được như mong đợi nhưng rất tiếc trong báo cáo chưa phân tích sâu và chỉ ra được nguyên nhân của việc này.
ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Theo đại biểu, cơ quan chức năng đã có các giải pháp như phân nhóm doanh nghiệp, đơn vị chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng bởi các trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh được hưởng các chính sách hỗ trợ hiện hành và được chậm đóng. Còn với các trường hợp cố tình chây ì, kéo dài thời gian chậm đóng, có hành vi trốn đóng, cần áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính và sớm có kiến nghị giải pháp khắc phục việc khó xử lý hình sự khi có dấu hiệu của tội phạm.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, về lâu dài, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành thuế, kế hoạch và đầu tư tăng cường chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, số lao động thực tế làm việc trong doanh nghiệp. Qua đó giúp các cơ quan bảo hiểm xã hội xác định chính xác số tiền thực thu và tránh thất thu, đồng thời khắc phục được tình trạng báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát đúng với thực trạng hoạt động của đơn vị để xem xét liệu có dấu hiệu tội phạm, tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu nhấn mạnh có không ít trường hợp "cực chẳng đã", do mất việc nên mới phải chọn giải pháp hưởng một lần. Đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời có các chính sách hỗ trợ trong dịch bệnh, góp phần động viên người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có các giải thoát đồng bộ khác, không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mà phải có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh phục hồi trong và sau dịch bệnh để giữ chân người lao động.

Bên cạnh đó, tình trạng vì lợi ích trước mắt, lợi dụng chính sách ưu việt của bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp và thủ tục dễ dàng khiến một bộ phận người lao động, ngay cả việc làm khá ổn định, "nhảy việc" để hưởng các chính sách này. Với các trường hợp này, đại biểu đề nghị tăng cường tuyên truyền vẫn là giải pháp phải kiên trì thực hiện.

Về tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề theo chế độ bảo hiểm thất nghiệp, theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ người được giới thiệu hiện tại trên tổng số người được tư vấn giới thiệu việc làm còn thấp, mới chỉ đạt 10,31%. Năm 2019 cũng chỉ đạt 11,29%. Qua đó cho thấy hiệu quả của công tác giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề chưa cao, còn có những bất cập. Đề nghị Chính phủ nêu rõ nguyên nhân và các giải pháp trong thời gian tới. Đồng thời báo cáo cũng chưa đề cập đến công tác dự báo về tình hình lao động mới trong giai đoạn 2020 đến nay...

Quang Khánh