HĐND tỉnh Bình Dương với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội

Làm rõ hạn chế, bất cập

- Thứ Hai, 26/10/2020, 07:22 - Chia sẻ
Những chính sách về an sinh xã hội của Bình Dương thực hiện thời gian qua cơ bản đã đáp ứng những yêu cầu của người dân, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh nghiệm cho thấy, sau khi nghị quyết được ban hành, HĐND tỉnh cần tăng cường giám sát; tổ chức các phiên giải trình để làm rõ những hạn chế, bất cập của các chính sách đang thực hiện; đồng thời, đề nghị UBND xây dựng các chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển .

Nhiều chính sách đột phá

Dân số của tỉnh Bình Dương cuối năm 2019 hơn 2,4 triệu người (trong đó trên 53% dân số là lao động từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc và học tập). Đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển nhưng cũng đặt ra những thách thức và yêu cầu lớn trong việc giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội (ASXH). Với quan điểm "gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội" và việc triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương nên những năm qua, Bình Dương được xem là điểm sáng về ASXH, thu nhập bình quân cuối năm 2019 đạt 146,9 triệu đồng/người/năm.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bình Dương khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an sinh xã hội.

Với vai trò là cơ quan có chức năng quyết định các chính sách của địa phương, HĐND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách đột phá riêng như: Chính sách đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, lao động nằm trong vùng quy hoạch; chính sách đối với người có công; chính sách về nhà ở xã hội; chính sách giảm nghèo bền vững; bảo hiểm y tế; chính sách thực hiện xã hội hóa… Đồng thời, tích cực giám sát để phát huy hiệu quả các chính sách đã ban hành.

Điển hình là chính sách về nhà ở xã hội. Thực hiện chương trình nhà ở ASXH, toàn tỉnh Bình Dương có 85 dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, có khoảng 200 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động với tổng diện tích 270.000m2, đưa tổng diện tích sàn nhà ở xã hội toàn tỉnh lên đến 761.000m2 với khoảng 16.900 căn hộ, giải quyết được khoảng 17% nhu cầu của công nhân lao động.

Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân cũng đã đầu tư xây dựng nhà trọ với số lượng khoảng 180.000 căn đáp ứng được nhu cầu cho 540.000 công nhân, lao động, sinh viên và người thu nhập thấp thuê. Các đơn vị, doanh nghiệp và người dân tham gia dự án, chương trình xây dựng nhà ở được hỗ trợ các chính sách như: Miễn, giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất…

Hay với chính sách về giảm nghèo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Bình Dương và chính sách bảo lưu đối với các hộ mới thoát nghèo. Theo đó, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 (hộ có thu nhập bình quân 1.200.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.400.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị).

Bằng các giải pháp đồng bộ và có chiều sâu của các cấp, các ngành, giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo. Đầu năm 2018, tỉnh ban hành Bộ tiêu chí điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều theo hướng cụ thể hóa, sát hợp hơn, phản ánh được thực trạng, mức sống của cư dân. Kết quả điều tra theo Bộ tiêu chí mới đến tháng 7.2018, toàn tỉnh có 4.707 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,62%) và 2.883 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,99%). Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.

Những năm qua, tình hình an ninh - trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững; chủ động, linh hoạt đề ra các phương án để ứng phó, xử lý tình huống và kịp thời giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội và không để bị động, bất ngờ. Kết quả này, không thể thiếu vai trò các nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đối với lực lượng bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn và tổ trưởng, tổ phó Tổ nhân dân tự quản trên địa bàn; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng 113 bán chuyên trách; thí điểm xây dựng đồn công an khu công nghiệp và được chính phủ cho ý kiến triển khai thực hiện.

Lắng nghe ý kiến các đối tượng thụ hưởng chính sách

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để phát huy hiệu quả các chính sách ASXH, Thường trực HĐND tỉnh cần phân công các Ban thẩm tra từ khi bắt đầu xây dựng chính sách để kịp thời thu thập thông tin cũng như có ý kiến ngay từ ban đầu với cơ quan soạn thảo. Việc quyết định thông qua các chính sách trên cơ sở tình hình thực tiễn, cũng như theo quy định của pháp luật, bảo đảm quy trình; cung cấp đầy đủ thông tin, định hướng kịp thời tại các cuộc họp, thảo luận trước khi thông qua.

Sau khi được nghị quyết được ban hành, cần chú trọng giám sát việc triển khai thực hiện. Qua kết quả giám sát, tổ chức các phiên giải trình, chất vấn làm rõ các nội dung, các bất cập của các chính sách đang thực hiện; đồng thời, đề nghị UBND xây dựng các chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển của địa phương để trình HĐND thông qua.

HĐND lựa chọn các nhóm vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, việc đầu tư và xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao, vấn đề lao động việc làm, chính sách người có công… để chất vấn tại kỳ họp. Sau kỳ họp, HĐND đã tích cực đôn đốc, giám sát việc thực hiện lời hứa của ngành chức năng; chú trọng phối hợp với các ngành, địa phương và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến của các đối tượng chịu tác động hoặc được thụ hưởng từ các chính sách.

Trịnh Đức Tài - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bình Dương