Tọa đàm “Chuyển đổi số và các hình thức hoạt động trực tuyến các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội”

- Thứ Sáu, 19/11/2021, 17:10 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và còn kéo dài, sự thôi thúc của cuộc cách mạng công nghệ thông tin đòi hỏi cơ quan lập pháp chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của mình không chỉ trong tổ chức kỳ họp mà còn trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của quốc gia. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm

Nhằm tìm các giải pháp hoàn thiện về mặt pháp lý, phương thức thực hiện và giải pháp công nghệ cho phương thức họp trực tuyến, tiến tới biểu quyết trực tuyến của Quốc hội và những bước đi chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi số và các hình thức hoạt động trực tuyến các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội”.

Tọa đàm mong muốn nhận được các ý kiến chia sẻ của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn công nghệ thông tin lớn của Việt Nam về những kết quả, thách thức phương thức họp trực tuyến; từ đó đưa ra các giải pháp nhằm áp dụng một cách hiệu quả, góp phần đặt nền móng cho Quốc hội điện tử.

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

- Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường;

- Ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật;

- Bà Phạm Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội;

- ThS. Đặng Minh Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật về kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp;

- Ông Đặng Văn Tú, Giám đốc Khối giải pháp dịch vụ Điện toán đán mây, CMC TS;

- Ông Vũ Anh Hưng, Giám đốc phát triển các giải pháp OEM của Dell Technologics tại Việt Nam.

Quang cảnh buổi tọa đàm

(15:15 19/11/2021)

Kinh nghiệm một số nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Dịch Covid đã và đang diễn ra rất phức tạp trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam. Việc cách ly, giãn cách là biện pháp tạm thời gây khó khăn cho hoạt động của bộ máy và đời sống xã hội. Trong khi đó, với vai trò của mình, hoạt động của Quốc hội/Nghị viện càng trở nên đặc biệt quan trọng trong việc xem xét, thông qua luật, Nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội kịp thời trong tình trạng khẩn cấp, xác định, phân bổ nguồn lực cho các hoạt động thiết yếu cho xã hội và giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp. Để hoạt động của Quốc hội/Nghị viện không thể bị đứt quãng, việc ứng dụng công nghệ thông tin từng bước chuyển đổi số phục vụ hoạt động của Quốc hội là vô cùng cần thiết.

(15:17 19/11/2021)

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội có bước tiến đột phá gì trong các kỳ họp gần đây? Và đây cũng là một bước trong tiến trình chuyển đổi số cùa Quốc hội, thưa ông?

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:

Trước tiên phải khẳng định Quốc hội là một trong những cơ quan được đánh giá là áp dụng công nghệ thông tin sớm nhất và hiệu quả nhất trong các cơ quan nhà nước. Có thể thấy, không chỉ có Cổng thông tin điện tử Quốc hội góp phần truyền tải thông tin về Quốc hội gửi tới công chúng và ý kiến tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi đến Quốc hội mà Quốc hội còn có những trang như duthaoonline.quochoi.vn là trang cập nhật các Dự án luật và Báo điện tử Đại biểu nhân dân cũng là kênh thông tin để người dân theo dõi và góp ý vào các Dự án luật, Nghị quyết của Quốc hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia ý kiến ngay từ ban đầu khi mà các Dự án luật hoặc các chính sách, Nghị quyết được đăng tải.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn chia sẻ tại tọa đàm

Tôi theo dõi từ Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV cho đến nay, thì Văn phòng Quốc hội cùng với một số các đơn vị công nghệ thông tin trong nước đã tiến hành phối hợp để thí điểm và bây giờ cũng đã bắt đầu nhân rộng và dùng đại trà những phần mềm cung cấp thông tin trên điện thoại di động hoặc là ứng dụng về nhận diện giọng nói trên thiết bị máy tính bảng nhằm hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội thực hiện tốt công việc, nhiệm vụ của mình. Ví dụ như là đăng ký phát biểu hay đăng ký tranh luận tại hội trường, chúng ta biết là do đại dịch Covid-19 thì Quốc hội đã tiến hành chia một kỳ họp thành hai đợt là một đợt họp trực tuyến và một đợt họp trực tiếp. Đợt trực tuyến thì vấn đề áp dụng công nghệ thông tin chúng ta đã thấy rõ hiệu quả của nó như thế nào và đã được các đại biểu Quốc hội vận dụng rất tốt. Bản thân tôi cũng như một số đại biểu khác cũng đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ ngoài kỳ họp ra còn hỗ trợ cho công việc hằng ngày của chúng tôi rất nhiều.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại kỳ họp Quốc hội trong thời gian vừa qua có thể được coi là một bước tiến trong chuyển đổi số của Quốc hội. Đây là bước đầu, chúng ta hình dung là chúng ta đã thay đổi được quy trình mới, thay đổi được mô hình hoạt động mới để cung cấp các dịch vụ mới hoặc là cung cấp các dịch vụ đã có nhưng theo cách mới. Bởi vì ứng dụng công nghệ thông tin chỉ là tối ưu hóa quy trình đã có, liên quan đến chuyển đổi số là chúng ta bắt buộc phải thay đổi phương thức hoạt động, cách thức tiếp cận. Tôi có thể khẳng định là chúng ta đã đặt được một bước chân, bước ban đầu vào tiến trình của chuyển đổi số.

(15:27 19/11/2021)

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật: Các cơ quan của Quốc hội, “công xưởng” của Quốc hội nơi tiến hành các hoạt động “bếp núc” trong điều kiện trực tuyến đặc biệt là yêu cầu số hóa dữ liệu để có thể xử lý nhanh hơn, chính xác hơn. Vậy ông đánh giá như thế nào về việc áp dụng công nghệ thông tin phục vụ Quốc hội Việt Nam hiện nay, đặc biệt với cơ quan thẩm tra, giám sát của Quốc hội?

Ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật:

Đánh giá về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội phải nhìn lại quá trình lịch sử phát triển của công nghệ thông tin của Quốc hội, phục vụ hoạt động của Quốc hội. Quốc hội là một trong những đơn vị được đánh giá là ứng dụng công nghệ thông tin rất sớm, ngay từ năm 1997 khi internet vừa được sử dụng tại Việt Nam, sau đó 3 năm, vào năm 2000 Quốc hội đã có một trang thông tin điện tử đầu tiên và trang thông tin điện tử của Quốc hội thời gian đó được đánh giá là một trong những trang thông tin tốt nhất của các cơ quan nhà nước vào thời điểm đó.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu chia sẻ tại tọa đàm

Văn phòng Quốc hội cũng triển khai rất nhiều ứng dụng khác, ví dụ như: hệ thống email công vụ cũng là một trong những cơ quan nhà nước đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng hệ thống email công vụ. Cơ sở dữ liệu của pháp luật Việt Nam thì cũng là một trong những đơn vị phát triển cơ sở dữ liệu luật Việt Nam đầu tiên. Bây giờ những văn bản pháp luật trong hệ thống cơ sở dữ liệu của pháp luật quốc gia mà Bộ Tư pháp đang vận hành rất nhiều văn bản xuất phát từ cơ sở dữ liệu trước đây của Văn phòng Quốc hội. Đối với trang dự thảo này thì năm 2007 là năm đầu tiên mà Văn phòng Quốc hội là cơ quan nhà nước đầu tiên đưa các dự thảo lên để lấy ý kiến nhân dân, sau đó năm 2008, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã lấy ý tưởng này để đưa vào trong quy định của pháp luật, bắt buộc phải đăng tải các dự thảo lên trên internet. Điều đó cho thấy, việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin của chúng ta rất là sớm.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên trong một khoảng thời gian có chững lại, chỉ đến ở cuối nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đã có những bước đột phá. Có 3 điểm nổi bật trong nhiệm kỳ vừa rồi và trong nhiệm kỳ này cũng đang được áp dụng.

Một là, chúng ta tiến tới phiên họp không giấy tờ, trước đây giấy tờ rất nhiều, nhưng mà bây giờ đại biểu Quốc hội họp chỉ cần một cái ipad là có thể tiếp cận được tất cả phần tài liệu trong đó.

Hai là, đã có những ứng dụng để giúp hoạt động trong phiên họp của Quốc hội tiến hành tốt hơn. Ví dụ, trước đây thì phải đăng ký qua hệ thống bấm nút nhưng bây giờ thì ngồi đâu cũng có thể đăng ký được, họp từ xa, biểu quyết từ xa.

Ba là, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng giọng nói, giúp cho việc gỡ băng ghi âm của các đại biểu Quốc hội nhanh chóng. Điều này giúp cho các cơ quan của Quốc hội rất nhiều. Nhất là, việc nhận diện giọng nói, ngay sau khi phiên họp kết thúc thì đã có biên bản bước đầu để có thể giúp cho công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo.

Tuy nhiên, đây chỉ mới là hành trình bước đầu trong quá trình phát triển Quốc hội điện tử. Liên minh Nghị viện thế giới hằng năm khoảng hai năm một lần để họ có hệ thống đánh giá mức độ phát triển Quốc hội điện tử của các nước, thì Việt Nam mình chưa tham gia đánh giá thường xuyên.

Năm 2000 khi tham gia vào nghiên cứu thì chúng tôi thấy thường có 6 mức phát triển của Quốc hội điện tử, trong những tiêu chí đặt ra thì Quốc hội Việt Nam chỉ mới ở bước thứ 4 và có những bước chớm lên bước thứ năm, chưa phải là một nước phát triển Quốc hội điện tử. Vì vậy, vẫn còn nhiều dư địa để cho Quốc hội điện tử phát triển trong thời gian tới.

(15:32 19/11/2021)

Phó tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Phạm Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội, việc họp trực tuyến tại Quốc hội được áp dụng trong những kỳ họp gần đây; đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV vừa qua, Quốc hội dành gần 2/3 thời gian họp trực tuyến, trong đó, có việc họp tổ ở 70 tổ đại biểu tại các địa phương trong toàn quốc. Nhìn từ góc độ số hóa ghi âm, gỡ băng phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, bà có thể chia sẻ những kết quả bước đầu?

Bà Phạm Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội: Thực ra vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ hoạt động của Quốc hội trong những năm gần đây được ứng dụng rất mạnh mẽ và triển khai khá sâu rộng đến từng đại biểu Quốc hội. Từ Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV cho tới nay, Quốc hội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, có việc đưa ứng dụng, cung cấp thông tin cho đại biểu thông qua các thiết bị di động. Việc xây dựng ứng dụng này đã giúp cho các đại biểu Quốc hội và tạo nên “Quốc hội không giấy”. Đây thật sự là một giải pháp vừa tiết kiệm cho đại biểu Quốc hội, Quốc hội trong hoạt động, giảm việc in ấn cũng như vận chuyển tài liệu, giấy tờ, việc phát hành mang lại hiệu quả cao. 

Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội Phạm Lê Hằng chia sẻ tại tọa đàm

Trung tâm Tin học triển khai ghi âm gỡ băng tại các kỳ họp Quốc hội, việc gỡ băng và các phiên họp toàn thể của Quốc hội đã được triển khai từ khá sớm từ những năm 1993. Khi đó, Trung tâm tin học đang là phòng máy tính tại Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học. Khi đó, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã giao cho Trung tâm thông tin, thư viện nghiên cứu khoa học triển khai gỡ băng các phiên họp toàn thể. Việc này làm khá thô sơ, đó là ghi bằng băng cassette, mọi người ngồi nghe và gõ trên trực tiếp trên máy tính. Bây giờ nhìn lại thì thấy thô sơ nhưng khi ấy là khá hiện đại. Đó là sự cố gắng, nỗ lực trong việc đưa các dữ liệu gỡ băng đó vào cơ sở dữ liệu phục vụ cho tra cứu, tìm kiếm, đặc biệt là việc lưu trữ lịch sử rất đáng quý.

Việc gỡ băng ở tổ đến giữa nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi đó là đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc rất quyết tâm triển khai gỡ băng ở tổ để bảo đảm là tất cả các ý kiến của các đại biểu đều được được lưu trữ rồi cũng như được tiếp thu đầy đủ. Lúc đầu, việc triển khai cũng rất vất vả, vì có đến 19, 20 tổ đại biểu và lực lượng nhân sự của Trung tâm tin học thì không nhiều, khi đấy Trung tâm tin học đọc báo cáo lãnh đạo cho phép trưng tập có khi phải lên đến 40, 50 người làm rất vất vả. Sau một thời gian triển khai thì Trung tâm tin học cũng đã tìm hiểu và được biết là có phần mềm nhận dạng tiếng nói, khi ấy Việt Nam cũng mới vừa triển khai. Được biết, có công ty về trí tuệ nhân tạo đang phát triển phần mềm này nên đã tiếp cận và báo cáo lãnh đạo và đưa vào thử nghiệm. Nhờ phần mềm này, đã giúp cho chúng tôi ngoài đẩy tiến độ công việc lên còn cắt giảm bớt nhân lực.

Hiện tại Trung tâm tin học mỗi kỳ họp thì chỉ phải trưng tập khoảng 20 người và tin rằng phần mềm phát triển tốt hơn cũng như là những người thực hiện nhiệm vụ có kinh nghiệm hơn thì chắc là chúng ta cũng không cần đến 20 người, có thể giảm được nữa.

Phần mềm nhận dạng tiếng nói được ứng dụng giúp cho Đoàn Chủ tịch cũng như là các Bộ trưởng trong các phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng để giúp cho các Bộ trưởng theo dõi đầy đủ câu hỏi của đại biểu, bởi thực tế, câu hỏi của đại biểu rất nhiều.

Dưới góc độ là đơn vị tham mưu về công nghệ thông tin, Trung tâm tin học luôn cố gắng, nỗ lực để giúp đưa những phần mềm bổ sung vào hoạt động của Quốc hội giúp cho hoạt động Quốc hội ngày càng phát triển.

(15:45 19/11/2021)
Phó tổng biên tập Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ThS. Đặng Minh Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp: Quốc hội họp trực tuyến đặt ra cơ hội và thách thức gì cho các phương thức hoạt động và chuyển đổi số của Quốc hội, thưa ông?

ThS. Đặng Minh Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật về kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp:

Với tư cách là một người nghiên cứu và có thời gian làm công tác thông tin, theo tôi, chúng ta có một số các thách thức và cơ hội như sau:

Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật về kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp ThS. Đặng Minh Đạo chia sẻ tại tọa đàm

Về cơ hội: Trước hết là nhận diện và đánh giá đúng quy định của pháp luật về việc họp trực tuyến và chuyển đổi số. Có nhiều ý kiến cho rằng họp trực tuyến chưa có quy định nhưng sau đó lãnh đạo Quốc hội đã có quyết định về vấn đề này. Đây là một quyết định hoàn toàn chính xác và hợp lòng dân. Thứ hai là nhận diện và đánh giá đúng nhu cầu cấp thiết về sử dụng công nghệ thông tin trong thời gian khẩn cấp. Trong lịch sử chúng ta chưa thấy một trường hợp nào đặt ra cấp thiết và nguy hiểm như dịch Covid-19 và đặt ra cho chúng ta phải có một giải pháp để ứng phó. Qua đây chúng ta thấy được nhu cầu cấp thiết về sử dụng công nghệ để thay thế cách làm việc truyền thống trong những trường hợp cần thiết. Thứ ba là đánh giá đúng về năng lực công nghệ thông tin của Quốc hội để từ đó phát triển nhằm ứng phó với các tình hình khẩn cấp như cơ chế, hạ tầng, nền tảng số, an ninh mạng, dữ liệu số, kĩ năng số. Thứ tư là đánh giá đúng năng lực của cán bộ, công chức của Quốc hội tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Về thách thức: Đầu tiên phải nói tới cơ sở dữ liệu điện tử, chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động luật pháp. Thứ hai, trong quy trình thủ tục luật pháp chưa đáp ứng được thành tựu khoa học kỹ thuật đặc biệt là công nghệ thông tin. Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động luật pháp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là nguyên nhân về kỹ thuật cũng như nguyên nhân về con người. Thứ tư là việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất nhiều điều cần học hỏi. Nhưng điều quan trọng nhất là nếu như chúng ta có một quyết tâm chính trị thì mới có thể thay đổi được, nếu không sẽ mất rất nhiều thời gian.

(15:53 19/11/2021)

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Vũ Anh Hưng, Giám đốc Phát triển các giải pháp OEM của Dell Technologies tại Việt Nam, họp trực tuyến đang trở thành một hiện thực mới, bên Dell Technologies có chia sẻ gì giúp cho việc xây dựng các giải pháp này được hiệu quả, bắt được xu hướng công nghệ mới?

Ông Vũ Anh Hưng, Giám đốc Phát triển các giải pháp OEM của Dell Technologies tại Việt Nam:

Hiện nay, các phiên họp trực tuyến đã không còn quá mới mẻ gì với những tập đoàn công nghệ và với chúng ta. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, các tập đoàn công nghệ đã áp dụng nhiều thứ mới vào nền tảng gọi video vào các cuộc họp trực tuyến. Bởi vì, họ có nhu cầu nhìn thấy nhau, tương tác với nhau qua camera và có thể nhìn thấy nhau. Họp trực tuyến trở thành nơi giao lưu, trao đổi với nhau. Lúc này lượng dữ liệu chuyển qua mạng rất lớn.

Mỗi phiên họp với chúng tôi khoảng 20 - 30 người, đại diện cho khoảng 10 nước tham gia cuộc họp. Nếu chỉ có âm thanh thì dữ liệu chưa quá lớn. Thế nhưng đến 40 máy đều bật video call lên cùng lúc thì dữ liệu trở nên rất là lớn. Điều này dẫn đến ảnh hưởng đến nền tảng hạ tầng. Nếu nền tảng hạ tầng không tốt thì chúng ta sẽ bị mất thông tin, gián đoạn, cuộc họp, out khỏi cuộc họp… Đó là một trong những vấn đề đặt ra là khi chúng ta thực nhiện các phiên họp trực tuyến. Do đó, nếu thường xuyên sử dụng các cuộc họp trực tuyến thì hạ tầng mạng phải tốt, băng thông mạng phải đáp ứng được cho việc truyền tải số lượng dữ liệu lớn. 

Hạ tầng mạng giống như các con đường, chúng ta không thể mở một cách vô hạn. Các con đường đó đều giới hạn của riêng nó, hạ tầng mạng cũng vậy, khả năng truyền tải dữ liệu chỉ đến mức nào đó sẽ đạt giới hạn cực đại. Để xử lý được lượng luồng dữ liệu ngày càng lớn thì vai trò của các phần mềm trong phiên họp trở nên rất quan trọng. Ở một số phần mềm, họ đã chia dữ liệu thành những luồng khác nhau. Ví dụ như khi thiết bị gặp sóng yếu, thì sẽ tự động tách dữ liệu âm thanh để chuyển và dừng việc truyền dữ liệu hình ảnh. Điều này sẽ bảo đảm việc các đầu cầu vẫn có thể tham gia cuộc họp.

Mỗi phần mềm sẽ có cách thức xây dựng khác nhau. Có phần mềm yêu cầu thiết bị đầu cuối phải có cấu hình mạnh, khả năng xử lý đồ hoạ cao. Cũng có phần mềm chỉ yêu cầu thiết bị đầu cuối là các cổng giao tiếp và sẽ xử lý dữ liệu trên máy chủ. Do đó, cách thức phầm mềm hoạt động khác nhau sẽ đưa ra yêu cầu về phần cứng khác nhau. Giải pháp hạ tầng sẽ được xây dựng trên yêu cầu của công ty cung cấp phần mềm. Cả hệ thống thì phần mềm là linh hồn hệ thống, phần cứng là xác giúp hệ thống hoạt động hiệu quả.

Sau khi xác định phần mềm có những tính năng thế nào sẽ tiến hành tư vấn về hạ tầng để tối ưu năng lực hoạt động như đồ hoạ, dữ liệu, áp dụng những công nghệ gì vào đó và nguồn vốn đầu tư, hiệu năng của hệ thống…

(15:58 19/11/2021)

Chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra trong hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và tiếp xúc cử tri

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: “Kỷ nguyên 4.0” đã cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ cao lan rộng khắp thế giới, tác động vào các ngành nghề cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền. Đặc biệt, khi đại dịch Covid- 19 hoành hành vừa là thách thức lớn, vừa là cơ hội lớn cho nền kinh tế số ra đời… Ở Việt Nam, Quốc hội điện tử đã được xem xét từ rất sớm. Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, mỗi đại biểu được cung cấp thiết bị điện tử có cài đặt các phần mềm, ứng dụng để nhận, tra cứu và tham khảo tài liệu hay chuyển từ giọng nói thành văn bản thuận tiện, hoặc trình bày các phát biểu dưới hình thức khác nhau trước Quốc hội, hay tiếp nhận kiến nghị của cử tri, trao đổi với cử tri…

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng phát biểu tại tọa đàm

Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội trở nên phổ biến từ Kỳ họp thứ 9, 10, 11, Quốc hội Khóa XIV và kỳ họp thứ Nhất, thứ hai, Quốc hội Khóa XV. Năm 2020, đại dịch Covid- 19 tưởng chừng làm ngưng trệ mọi hoạt động của cơ quan dân cử đặc biệt là phương thức họp trực tiếp theo quy định của luật thì lúc này đây, Quốc hội Khóa XIV ghi dấu đổi mới đậm nét, mở ra giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ bằng việc họp trực tuyến.

Kỳ họp thứ Hai, Quốc Khóa XV, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11/ tổng số 17 ngày của Kỳ họp, chiếm gần 2/3 thời gian kỳ họp là họp trực tuyến) những dự án chuẩn bị chủ động, Đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến và trách nhiệm sâu sắc và thuân lợi. Họp trực tuyến tại Kỳ họp thứ hai cùng với yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội chuẩn bị các Báo cáo, dự thảo Luật, Nghị quyết… kỹ lưỡng, kịp thời, nghiêm túc, chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, nên theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội và cử tri, chất lượng các Báo cáo, văn bản trình Quốc hội lần này đạt kết quả rất tốt, vượt xa cả mong đợi.

(16:02 19/11/2021)

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Phương Tuấn, việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp thể hiện Quốc hội theo phương thức trực tiếp và trực tuyến luôn thay đổi, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để theo kịp tình hình kinh tế, xã hội, phát huy trí tuệ, dân chủ của đại biểu Quốc hội và đây cũng là một bước vì lợi ích người dân, tiến tới Quốc hội điện tử. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:

Trước tiên tôi đánh giá cao tính chủ động và sáng tạo của các cơ quan tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Văn phòng Quốc hội trong thời gian vừa qua vì đã tư vấn cho lãnh đạo Văn phòng Quốc hội có những đề xuất để báo cáo với lãnh đạo Quốc hội cho phép chuyển đổi phương thức hoạt động trong kỳ họp khi chúng ta bước vào đại dịch. Tôi đánh giá cao tính chủ động mà ở đây là Trung tâm tin học, là cơ quan tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Văn phòng Quốc hội về công nghệ thông tin.

Việc thay đổi phương thức họp trực tiếp, trực tuyến để bảo đảm tính linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động của Quốc hội là tiền đề để chúng ta bước vào Quốc hội điện tử. 

Khi đề cập đến Quốc hội điện tử thì chúng ta phải hiểu Quốc hội điện tử là gì? Hiện nay, cũng có khá nhiều khái niệm và cách tiếp cận khác nhau, theo tôi được biết theo nghiên cứu của ông Hoàng Minh Hiếu trước đây và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã đề cập đến vấn đề khái niệm, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) từ năm 2017 đã đưa ra một khái niệm mới đối với Quốc hội điện tử. Theo đó, Quốc hội điện tử là áp dụng công nghệ, kiến thức và các tiêu chuẩn trong quy trình, thủ tục làm việc để mang lại các giá trị của sự hợp tác, của hòa nhập, tham gia và cởi mở tới người dân. Bản chất của Quốc hội điện tử là cho phép người dân tại mọi thành phần có thể gắn kết với đại chúng thông qua công nghệ thông tin dưới dạng chất lượng cao hơn, nhanh hơn, chính xác hơn và cập nhật hơn. Một Quốc hội điện tử thể hiện hiệu quả hoạt động, về những chức năng của Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội, ví dụ như về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tính đại diện luôn đặt lên hàng đầu cho mỗi mội nghị sĩ, mỗi một đại biểu Quốc hội. Nên là khi chúng ta ứng dụng được công nghệ thông tin vào các hoạt động hàng ngày của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội sẽ làm tăng tính tương tác giữa cử tri với những người mà cử tri bầu ra. Đó là mục đích làm thế nào đem đến một xã hội thông tin mà có tính bình đẳng, hiệu quả cao hơn trong quá trình đổi mới của chúng ta, nhất là liên quan đến việc chuyển đổi số của Quốc hội. 

Hiện nay khi chúng ta bước vào kỷ nguyên số, chuyển đổi số, Kỳ họp thứ Nhất Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã mở màn tiếp xúc cử tri trực tuyến, kết nối từ phòng họp trực tuyến của Nhà Quốc hội đến tất cả các điểm cầu của đơn vị bầu cử. Và sau đó, từ Kỳ họp thứ Hai, do vấn đề dịch bệnh, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã thực hiện họp trực tuyến. Vấn đề tiếp xúc trực tuyến đưa ra phương thức để giải bài toán nếu chúng ta không đến trực tiếp được với dân thì chuyển đổi số là cách xử lý vấn đề này. Tôi đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin ở Quốc hội thời gian vừa qua là rất tốt.

(16:12 19/11/2021)

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Xin hỏi ông Hoàng Minh Hiếu, thay đổi thói quen làm việc của đại biểu Quốc hội khi thực hiện các bước chuyển đổi số, khai thác và sử dụng dữ liệu, tập hợp và xử lý dữ liệu, ý kiến cử tri cũng như việc biểu quyết trực tuyến là yêu cầu khách quan qua tiến hành chuyển đổi số và đảm bảo chất lượng công việc, hoạt động chung của Quốc hội thích ứng với yêu cầu mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và nền kỹ thuật số, thưa ông?

Ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật:

Với kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để chuyển đổi số thành công phải xuất phát từ con người. Đơn cử như Estonia là nước hàng đầu về xây dựng Chính phủ điện tử, bởi từ những năm 1995 việc thay đổi trong hoạt động giáo dục của Estonia đã sẵn sàng cho một thế hệ để tiếp cận công việc chuyển đổi số. Hoặc như Singapore, đất nước này có hẳn một chương trình riêng thay đổi thói quen người dân trong tiếp cận những kỹ năng số, có những chương trình cho những người lớn tuổi một kèm một, có chuyên gia hỗ trợ đến khi người dân sử dụng được các ứng dụng cung cấp dịch vụ công trên các nền tảng số.

Đối với đại biểu Quốc hội, đây cũng là một yêu cầu khách quan, xuất phát từ ba yếu tố.

Thứ nhất, phải thay đổi vì yêu cầu công việc, thay đổi thói quen thúc đẩy công việc tốt hơn, sử dụng tìm kiếm dữ liệu, giao tiếp, kỹ năng số.

Thứ hai, yêu cầu từ chính người dân, nếu không thay đổi thói quen, không có khả năng giao tiếp số thì không thể giao tiếp với người dân trong bối cảnh hiện tại. Trước đây có thể nhận ý kiến cử tri từ các đơn thư nhưng trong bối cảnh hiện nay, muốn nghe ý kiến cử tri phải qua email, mạng xã hội hoặc qua các hình thức khác…

Thứ ba, nếu không thay đổi thói quen thì bản thân sẽ không có kiến thức để hoạch định chính sách. Nếu đại biểu Quốc hội không tham gia, tìm hiểu rõ về mạng xã hội thì sẽ rất khó khi đưa ra quyết định việc hạn chế, bảo vệ thông tin mạng xã hội như thế nào. Nếu không tham gia những phiên họp trực tuyến, sẽ khó khăn trong việc tìm hiểu các cháu bây giờ học trực tuyến có những khó khăn gì.

Chung quy lại phải thay đổi thói quen, tạo dựng cho mình thói quen giao tiếp số, sử dụng công nghệ số trong bối cảnh hiện nay.

(16:16 19/11/2021)

Phó TBT Nguyễn Quốc ThắngThưa ThS. Đặng Minh Đạo, việc áp dụng công nghệ cao vào công việc trên nghị trường là tiền đề quan trọng để Quốc hội hoàn thành vai trò, thể hiện trách nhiệm giám sát tối cao của mình, đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi của Nhân dân. Theo ông, những yêu cầu đặt ra đối với họp trực tuyến, biểu quyết từ xa hay nói rộng ra, tiến trình chuyển đổi số của Quốc hội Việt Nam là gì?

ThS. Đặng Minh Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp:

Thứ nhất, việc áp dụng công nghệ cao vào công việc trên nghị trường là yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới, là một phần của tiến trình chuyển đổi số của Quốc hội Việt Nam. Để làm tốt điều này, thứ nhất, chúng ta phải có quyết tâm, bảo đảm sử dụng phải bền vững và lâu dài để tránh lãng phí nhân lực, vật lực. 

Thứ hai, về hạ tầng cơ sở để phục vụ cho Kỳ họp và các cuộc họp trực tuyến, biểu quyết từ xa cần bảo đảm một vài yêu cầu như có tính ổn định, tốc độ cao, an toàn, dễ tiếp cận và bảo đảm tính bảo mật. Tôi đặc biệt quan tâm về tính bảo mật, bởi đây là điều rất quan trọng trong hoạt động chính trị. Theo kinh nghiệm của các nước, người ta thường chạy song song hai hệ thống để trường hợp nếu hệ thống này không bảo đảm bảo mật thì hệ thống kia sẽ vào cuộc.

Thứ ba, chúng ta phải đầu tư xứng đáng thì mới mong đạt được nền tảng tốt, hạ tầng tốt. Qua Kỳ họp thứ Hai mới đây, trong đợt họp trực tuyến và biểu quyết ý kiến, nếu như một địa phương trong 63 tỉnh thành bị ngắt kết nối thì kết quả cuối cùng sẽ không thể hoàn thiện, kết quả biểu quyết không thể bảo đảm.

(16:23 19/11/2021)

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Phạm Lê Hằng, cài đặt các phần mềm, ứng dụng để nhận, tra cứu và tham khảo tài liệu, chuyển từ giọng nói thành văn bản… khẳng định bước chuyển rất lớn trong tiến tới yêu cầu Quốc hội điện tử. Vậy qua quá trình triển khai còn khó khăn gì không, thưa bà?

Bà Phạm Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội:

Với sự quyết tâm của lãnh đạo Quốc hội Khóa XIV, hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng rất quan tâm lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin. Với sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) phát triển phần mềm - một đơn vị phát triển ứng dụng của Quốc hội đã đưa được phần mềm rất hiệu quả vào phục vụ cho đại biểu. Là đơn vị tham mưu về việc công nghệ thông tin, chúng tôi mong muốn đưa những công nghệ mới vào phục vụ cho hoạt động Quốc hội, làm sao hỗ trợ cho việc xây dựng pháp luật được tốt hơn. Chúng tôi đã đặt vấn đề về những việc này, ví dụ như hỗ trợ xây dựng pháp luật, so sánh văn bản luật và xem những điều luật này đã quy định ở đâu, chưa chuẩn xác cần phải sửa đổi, bổ sung. Hay về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, cần xây dựng thành một bộ từ điển cho đại biểu Quốc hội. Bởi lẽ, có những vấn đề cử tri hỏi rất nhiều, có thể nơi này hỏi, nơi khác lại hỏi. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Vụ Dân nguyện - Ban Dân nguyện cũng như Văn phòng Quốc hội để cập nhật những dữ liệu đó vào trong hệ thống phục vụ cho đại biểu Quốc hội. Qua đó, đại biểu Quốc hội có thể tra cứu những nội dung cần thiết.

Những kết quả đạt được cũng chỉ là bước đầu. Chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục xây dựng thành một bộ từ điển để giúp cho đại biểu Quốc hội có thể tra cứu nhanh chóng giống như cơ sở dữ liệu mật mà chúng tôi đã từng làm để giúp cho đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận được những dữ liệu một cách dễ dàng, thuận lợi.

Quá trình thực hiện chúng tôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nhân lực, điều kiện thiết bị hạ tầng, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Trung tâm đã cố gắng đóng góp vào sự thành công chung của Quốc hội. Đặc biệt, việc họp trực tuyến, trong đó năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch AIPA cũng là năm AIPA tổ chức họp trực tuyến, Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức hoạt động quan trọng này. Có những vấn đề mang tính tiểu tiết nhưng thực tế rất quan trọng như: làm sao để các đầu cầu giúp cho các lãnh đạo của Quốc hội của các nước có thể ký cùng vào một văn kiện, nhưng chúng ta đã tổ chức thành công và được các nước đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, đó là hạ tầng công nghệ thông tin của chúng ta cũng đang hạn chế, mặc dù những năm gần đây cũng được quan tâm cải thiện, nâng cấp nhưng cũng có nhiều thiết bị lạc hậu. Dù triển khai các ứng dụng phần mềm, nhưng cơ sở dữ liệu đang còn riêng lẻ chưa thành kho dữ liệu chung, chưa đồng bộ với nhau, do đó, khi sử dụng còn khó khăn. Trong khi đó, phòng máy của Trung tâm Tin học được đầu tư khá lâu, thiết bị cũng xuống cấp, tiêu chuẩn của phòng máy truyền chưa đạt được tiêu chuẩn chung.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan của Quốc hội vẫn còn có những hạn chế. Người dùng sử dụng trong hệ thống mạng của Văn phòng Quốc hội chưa đồng đều với nhau về trình độ. Một số đơn vị cũng chưa đánh giá đúng về ứng dụng công nghệ trong hoạt động chuyên môn. Đầu tư về công nghệ thông tin còn chưa tương xứng. Các phần mềm hiện nay đã được các bộ đầu tư nhưng phần lớn theo nhu cầu đơn lẻ, rời rạc. 

(16:29 19/11/2021)

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Vũ Anh Hưng, an toàn thông tin trong họp và biểu quyết trực tuyến còn là một vấn đề kỹ thuật, hạ tầng cơ sở là một điểm rất quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống giải pháp. Dell Technologies có góp ý gì trong vấn đề này?

Ông Vũ Anh Hưng, Giám đốc Phát triển các giải pháp OEM của Dell Technologies tại Việt Nam:

Đối với các phiên họp trực tiếp thì chúng ta quản lý thông tin bằng cách quản lý con người tham gia buổi họp đó và thiết bị ghi âm. Còn đối với các phiên họp trực tuyến, chúng ta cần phải quản lý nhiều thiết bị hơn thế. Ngoài người hợp, chúng ta phải quản lý cả những thiết bị tham gia vào cuộc họp và các thiết bị cá nhân của các đại biểu. Điều này đòi hỏi các thiết bị trung tâm phải hỗ trợ được khả năng bảo mật cho các biết bị còn lại và bảo đảm cho các thiết bị đó hoạt động hiệu quả, không bị gián đoạn…

Giám đốc Phát triển các giải pháp OEM của Dell Technologies tại Việt Nam Vũ Anh Hưng chia sẻ tại tọa đàm

Có nhiều cách khác nhau để thực hiện việc bảo mật cho thiết bị đầu cuối. Chúng tôi sẽ trang bị những phần mềm bảo mật cho các thiết bị tham gia vào các cuộc họp trực tuyến. Tuy nhiên điều này lại phát sinh thêm vấn đề nếu chúng ta cài đặt quá nhiều thiết bị, phần mềm bảo mật vào máy tính, hay các thiết bị đầu cuối thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng của thiết bị đó.

Phương án thứ hai là chúng ta ảo hoá hệ thống máy tính máy cá nhân, do các thiết bị này dễ bị tấn công bởi các thiết bị ngoại vi chứa virus như các USB, đĩa CD và các thiết bị kết nối khác…

Việc ảo hoá các thiết bị đầu cuối này cũng dẫn đến một hiện tượng các thông tin, dữ liệu sẽ nằm ở trên máy chủ và hệ thống đầu cuối chỉ là nơi hiển thị. Điều này khiến hệ thống trở lên an toàn hơn. Đây là phương án mà các đại biểu Quốc hội có thể nghiên cứu, tham khảo để bảo vệ các thiết bị đầu cuối của mình.

(16:35 19/11/2021)

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Đặng Văn Tú, Giám đốc Khối giải pháp dịch vụ Điện toán đám mây, Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC, Là tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, CMC có thể chia sẻ kinh nghiệm về việc đảm bảo chất lượng cũng như tính bảo mật của nghị viện các nước trong các hội nghị trực tuyến và chuyển đổi số?”

Ông Đặng Văn Tú, Giám đốc Khối Giải pháp dịch vụ Điện toán đám mây, CMC TS:

Nội dung liên quan đến phần bảo mật Kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ rất nhiều, tôi xin chia sẻ nội dung liên quan đến phần bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin cho các buổi họp nói chung, đặc biệt là buổi họp Quốc hội, có hai yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất, với công nghệ phát triển như hiện nay, có thể dựa trên công nghệ AI để làm giả hình ảnh, làm giả âm thanh, nhái giọng bất kỳ ai hay tạo video giả với lời nói của nhân vật bị chỉnh sửa. Với các cuộc họp bình thường, điều này đã rất nguy hiểm. Với những cuộc họp quan trọng như họp Quốc hội, khi họp trực tuyến càng phải lưu ý đến vấn đề này bởi rất nhiều vấn đề trong cuộc họp cần được bảo mật. Thứ hai, bảo đảm sự thông suốt về đường truyền vào những thời điểm quan trọng như biểu quyết, và kết quả cuối cùng phải được bảo vệ một cách chính xác, thể hiện tính công minh.

Giám đốc Khối Giải pháp dịch vụ Điện toán đám mây, CMC TS Đặng Văn Tú chia sẻ tại tọa đàm

Liên quan đến câu chuyện chuyển đổi số, như ông Nguyễn Phương Tuấn đã chia sẻ, công nghệ chỉ là một phần của chuyển đổi số. Kinh nghiệm của Tập đoàn CMC khi hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp các giải pháp về chuyển đổi số nói chung cho thấy, chuyển đổi số chỉ chiếm 20%, còn 80% là con người và quy trình. Để đảm bảo dự án chuyển đổi số thành công, điểm cốt lõi nhất là phải dựa trên ý chí quyết tâm và sự sát sao của lãnh đạo. Chuyển đổi số là chuyển đổi hoàn toàn quy trình hoạt động, cách thức, phương pháp của tổ chức doanh nghiệp. Các tập đoàn lớn ở Việt Nam như Hòa Phát, Vin Group... dành nguồn tài chính để đầu tư chuyển đổi số rất tốt, nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể chuyển đổi thành công. 

(16:38 19/11/2021)

Những bước tiến Quốc hội điện tử

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Họp trực tuyến, tiếp xúc cử tri trực tuyến, xử lý tài liệu trực tuyến, biểu quyết trực tuyến, trình bày phát biểu số hóa, hay số hóa dữ liệu hoạt động của Quốc hội… là bước đi trong tiến trình chuyển đổi số của Quốc hội. Trong tiến trình này nhiều vấn đề mới được đặt ra cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan liên quan trong bộ máy nhà nước, cho đại biểu Quốc hội từ vấn đề sử dụng các ứng dụng số hóa phân tích tổng hợp số liệu, dữ liệu, đưa cách thức tiếp cận khai thác ứng dụng và thói quen, cách làm… Quá trình này còn tác động quy chế, nội quy hoạt động của Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội và quá trình tiếp tục nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

(16:39 19/11/2021)

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Hoàng Minh Hiếu, ông nhìn nhận thế nào khi tiến trình chuyển đổi số sẽ tác động mạnh mẽ cách thức hoạt động lập pháp của Quốc hội, quy định về tổ chức thực hiện của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội?

Ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật:

Về tác động của ứng dụng công nghệ thông tin với hoạt động Quốc hội, nếu nhìn vào từng thời điểm có thể thấy Kỳ họp thứ Hai Quốc hội Khoá XV đã có những tác động mạnh mẽ đến cách thức hoạt động của Quốc hội và mang lại kết quả rất rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội đã tổng kết chưa có Kỳ họp Quốc hội cuối năm nào được tổ chức ngắn như vậy, trong đó có sự góp phần không hề nhỏ của công nghệ thông tin.

Ví dụ như, ngay sau khi các cuộc họp tổ diễn ra, các đại biểu Quốc hội đã được cung cấp biên bản tổng hợp ý kiến của phiên họp tổ để làm cơ sở cho phiên họp toàn thể sau đó. Cũng nhờ công nghệ thông tin, Ủy ban Pháp luật có thể triệu tập cuộc họp theo hình thức trực tuyến, vừa rút ngắn được thời gian chuẩn bị, vừa đỡ được khâu chọn địa điểm tổ chức, hình thức di chuyển cho các đại biểu, công tác hậu cần...

Những tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng theo hình thức khác nhau. Đối với Quốc hội, việc xây dựng Quốc hội điện tử đã có những tác động rất tích cực, có "4 cái không" trong quá trình xây dựng như: Không giấy tờ; Không gặp mặt (họp trực tuyến); Tiếp xúc cử tri không nhất thiết phải gặp trực tiếp mà thông qua nhiều phương thức khác nhau; Không dùng tiền mặt.

Trong nhiệm kỳ 5 năm này, việc phát triển Quốc hội số cũng được đặt ra. Nếu tận dụng được, sẽ tác động rất lớn đến hoạt động của Quốc hội không chỉ trong cách thức làm việc mà còn trong cách thức ra quyết định. Ở một số nước, đã có quy định cần ứng dụng phân tích về dữ liệu lớn, phân tích sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp Quốc hội ra quyết định chính xác hơn. 

(16:44 19/11/2021)

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ThS. Đặng Minh Đạo, từ góc độ nghiên cứu lập pháp, ông đánh giá như thế nào về bước tiến trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Quốc hội thời gian qua và những nhiệm vụ đặt ra trong tiến trình chuyển đổi số của bộ máy nhà nước, của Quốc hội?

ThS. Đặng Minh Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp:

Như ông Hoàng Minh Hiếu vừa nói, đó là những tác động rất lớn và ảnh hưởng rất lâu dài. Công nghệ và internet đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong công tác lập pháp. Nếu như trước đây chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để tra cứu tài liệu thì bây giờ chỉ cần một cái nhấn nút chúng ta có thể tiếp cận được với các nhóm chuyên gia trong và ngoài nước. Hay lấy ví dụ gần nhất chúng tôi có 7 tọa đàm trong thời gian vừa qua để góp ý vào 7 dự thảo luật nhưng không thể tổ chức được do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chúng tôi đã tổ chức trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao các Tọa đàm này.

Với tư cách là cơ quan nghiên cứu hỗ trợ cho Quốc hội, tôi cho rằng việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Quốc hội cũng cần có lộ trình cụ thể và không nên vội vàng. Thứ hai, chuyển đổi số thì lĩnh vực nào cũng cần nhưng lĩnh vực nào cần hơn thì chúng ta phải ưu tiên. Còn chuyển đổi thế nào, cái gì và bao nhiêu thì từng đơn vị phải tính toán.

(16:57 19/11/2021)

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Xin hỏi bà Phạm Lê Hằng, là đơn vị đầu mối giúp Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thực hiện việc áp dụng công nghệ vào hoạt động và giúp xây Quốc hội số, theo bà những nhiệm vụ mới nào sẽ đặt ra cho đơn vị và các cơ quan của Quốc hội thời gian tới là gì?

Bà Phạm Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội:

Thời gian qua, Trung tâm Tin học với vai trò tham mưu về công nghệ thông tin cho lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đã chủ động và tham mưu nhiều phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho các cơ quan của Quốc hội, giúp đưa hoạt động của Quốc hội đến với các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, cử tri và đồng bào cả nước.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là kết quả bước đầu để tiến tới xây dựng Quốc hội điện tử. Trung tâm Thông tin sẽ tiếp tục tham mưu bảo đảm cho việc triển khai hiệu quả, tránh đầu tư trùng lắp, bảo đảm khả năng chia sẻ, liên kết thông tin. Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phòng máy chủ đạt tiêu chuẩn, hệ thống thiết bị mạng cáp, công nghệ hỗ trợ cho việc lưu trữ dữ liệu. Với công nghệ thay đổi nhanh chóng, chúng tôi luôn phối hợp, liên kết với các công ty cũng như các bộ ngành, đơn vị để đáp ứng được yêu cầu mới.

Trong đó, bảo mật thông tin là yêu cầu được đặt lên hàng đầu khi đưa công nghệ thông tin vào phục vụ cho hoạt động của Quốc hội. Ví dụ như máy tính đại biểu Quốc hội sẽ được rà soát, bảo đảm an toàn. Hay tích hợp cơ sở dữ liệu của Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội thành kho dữ liệu tập trung cho Quốc hội, phục vụ cho hoạt động của Quốc hội cũng như triển khai các ứng dụng tích hợp phục vụ cho công tác điều hành tổng thể của lãnh đạo Quốc hội. Ngoài ra, chúng tôi còn tham mưu xây dựng hệ thống phần mềm quản lý xây dựng luật phục vụ hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng.

(17:03 19/11/2021)

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Phương Tuấn, vai trò của khoa học công nghệ trong tiến trình phát triển KT- XH của đất nước là rất lớn. Có thể nói trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh phát triển gay gắt thì vai trò này dường như có tính quyết định thắng thua của nền kinh tế, của phát triển quốc gia. Từ góc nhìn này, xin ông cho biết ý kiến của mình về bước tiến đến Quốc hội điện tử như nhu cầu kết quả, cấp thiết và có lộ trình rất chi tiết, cụ thể?

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:

Trước tiên, tôi rất đồng tình với những ý kiến phát biểu trước có nêu ra là có 7 mục tiêu cụ thể và một số các nội dung mà muốn đạt được mục tiêu mà trong 5 năm tới chúng ta được gọi là Quốc hội điện tử. Tôi phải khẳng định, việc xây dựng Quốc hội điện tử được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng đoàn Quốc hội Khóa XV.

Đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã có kết luận trong vòng 5 năm tới chúng ta phải hoàn thiện được Quốc hội điện tử và đưa ra 7 mục tiêu như chị Phạm Lê Hằng vừa nêu. Với vai trò là Ủy ban tham mưu cho lãnh đạo Quốc hội về lĩnh vực khoa học, công nghệ, môi trường và đổi mới sáng tạo, dự kiến năm 2022, Chính phủ trình Luật Giao dịch điện tử, đây là luật áp dụng cho vấn đề chuyển đổi số rất lớn, giải quyết những bất cập trong giao dịch thương mại. Thứ hai là Ủy ban sẽ tiến hành một chuyên đề khảo sát về chuyển đổi số đánh giá xem những cái được và những cái tồn tại trong văn bản quy phạm pháp luật liên quan vấn đề chuyển đổi số.

Chúng tôi hiện nay đang nghiên cứu, đưa ra những nội dung để tiến hành giám sát nhưng thật ra rất là khó, rất là trừu tượng. Hiện giờ mọi văn bản pháp luật nằm rải rác ở các luật (có khoảng 20 luật liên quan đến vấn đề nội dung chuyển đổi số, tác động rất lớn). Tôi rất đồng tình với ý kiến để chúng ta có Quốc hội điện tử thì con người, nguồn lực mới là quan trọng nhất.

Về Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì chỉ có hỗ trợ được cho các doanh nghiệp và các cơ quan những gì liên quan đến chính sách, tạo ra “cần câu”, còn việc triển khai làm như thế nào thì phải là do Chính phủ.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa quý vị và các bạn!

Có thể thấy, trong giai đoạn Việt Nam đang tiến tới Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc áp dụng công nghệ thông tin mà khởi đầu bằng họp trực tuyến vào kỳ họp Quốc hội là cần thiết và hiệu quả. Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch COVID-19, phương thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung được xem là giải pháp tình thế trong bối cảnh đại dịch, nhưng hiệu quả của phương thức mới này lại gợi mở một các tiếp cận mới trong hoạt động của Quốc hội: họp trực tuyến kể cả trong các điều kiện bình thường, không có đại dịch, áp dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học công nghệ, nhanh chóng đạt được mục tiêu của một Quốc hội điện tử.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

ĐBND