Tọa đàm góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

- Thứ Tư, 04/11/2020, 11:48 - Chia sẻ
Sáng ngày 4.11, Báo Pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng”. Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, TS Đào Văn Hội; Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh đồng chủ trì tọa đàm.

Dẫn đề Tọa đàm, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh khẳng định, các chuyên gia tham gia tọa đàm đến từ nhiều lĩnh vực hoạt động sẽ có những ý kiến đa dạng, toàn diện để góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng.

Toạ đàm đã thu hút được chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tham gia

Dự thảo văn kiện của Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng đã thể hiện rõ, 5 năm qua, nắm bắt thời cơ, thuận lợi; vượt qua thách thức, khó khăn, với sự đồng lòng, nhất trí, quyết tâm cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu rất quan trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thừa nhận những khuyết điểm, hạn chế còn tồn tại và rút ra một số bài học kinh nghiệm; một trong số đó là việc chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị…

Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, TS Đào Văn Hội cho rằng, tọa đàm “Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng” là một hoạt động để ghi nhận trí tuệ, ý kiến sáng tạo, tâm huyết của các chuyên gia trong và ngoài ngành Tư pháp, góp ý hoàn thiện văn kiện hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ 5 năm và thời gian tới.

 Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh phát biểu tại tọa đàm

Đánh giá về chủ đề của Đại hội, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Túc cho rằng dự thảo văn kiện có 3 yếu tố mới, dự thảo không chỉ nêu “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, mà cả xây dựng, chỉnh đốn hệ thống chính trị; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước; khẳng định vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Còn Nguyên Vụ trưởng Vụ chính sách đối ngoại, Đại sứ Trần Đức Mậu nhấn mạnh, việc góp ý vào các dự thảo văn kiện là để hiểu rõ hơn về các dự thảo văn kiện đó, để từ đó mỗi người có hướng triển khai các văn kiện. Từ kinh nghiệm 36 năm công tác trong ngành ngoại giao, dự thảo này có nhiều điểm mới, trong đó nổi bật nhất là việc đánh giá đã thận trọng hơn và rất sát thực. “Đây là việc rất quan trọng vì nếu không làm được thì sẽ bị động trong việc ứng phó”.

Góp ý vào Dự thảo văn kiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, chủ trương lớn công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước là quan điểm đúng, nhưng công nghiệp hóa phải trên đặc trưng thế mạnh của dân tộc mình, vì thế nên đặt trọng tâm công nghiệp hóa vào nông nghiệp. Nếu chúng ta hướng công nghiệp hóa vào hiện đại hóa và công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam thì chúng ta sẽ đạt nhiều thành tựu đáng kể, sẽ không còn nông dân canh tác manh mún, bán nông sản thô…

Tại tọa đàm, các vấn đề về Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Định hướng pháp triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII; Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân cũng đã được các đại biểu thảo luận.

Đình Khoa