Tôn trọng ý dân

- Thứ Tư, 11/08/2021, 05:46 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, Ban Dân nguyện cần sớm hoàn thiện phần mềm về công tác dân nguyện để có thể tiếp nhận, xử lý được nhiều hơn các ý kiến, kiến nghị của người dân thông qua tổ hợp trợ lý ảo, có hệ thống trả lời tự động, người dân có thể truy cập vào phần mềm để theo dõi các đơn thư khiếu nại, tố cáo, quá trình xử lý đơn thư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh trao đổi, liên kết thông tin giữa Ban Dân nguyện với các cơ quan báo chí để người dân thấy được ý kiến, kiến nghị của mình luôn được đề cao, tôn trọng, tiếp thu, được xem xét và giải quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và lãnh đạo Ban Dân nguyện
Ảnh: Hoàng Ngọc

Không thể “nghẽn mạch”

Sáng qua, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã có cuộc làm việc về tình hình thực hiện chương trình, công tác năm 2021 của Ban Dân nguyện. Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nhấn mạnh, công tác dân nguyện là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không thể “nghẽn mạch”. Với tinh thần đó, thời gian qua, Ban Dân nguyện đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch phối hợp tiếp dân phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, phục vụ Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV và Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.

Ngay trong tháng 7, Ban Dân nguyện cũng tổ chức tiếp 383 lượt công dân về 331 vụ việc khiếu nại, tố cáo và kiến nghị phản ánh... Lãnh đạo Ban Dân nguyện trực tiếp tiếp công dân đối với 6 vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài, đã tuyên truyền, thuyết phục công dân rút đơn khiếu nại, tố cáo và thực hiện quyết định giải quyết của cơ quan thẩm quyền đối với 139 vụ việc. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước nên số lượng công dân đến trụ sở ít hơn so với cùng kỳ năm 2020. Ban Dân nguyện cũng thường xuyên chú ý các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân, vừa bảo đảm an toàn khu vực trụ sở.

Đối với công tác xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo từ đầu năm đến nay, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận hơn 9.433 đơn thư từ nhiều nguồn. Sau khi phân loại, đã có 7.974 đơn không đủ điều kiện xử lý. Ban Dân nguyện đã xử lý 1.459 đơn đủ điều kiện, trong đó đã chuyển 130 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đã nhận được 72 văn bản trả lời; 1.037 đơn qua nghiên cứu, rà soát đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật được xếp lưu theo dõi; 292 đơn đang tiếp tục nghiên cứu rà soát.

Thực hiện chương trình và kế hoạch giám sát năm 2021, căn cứ vào tình hình xử lý đơn thư, Ban Dân nguyện đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 2 Đoàn giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Thái Nguyên, trong đó đã giám sát trực tiếp và có ý kiến, kiến nghị về 16 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể của công dân có đơn gửi Quốc hội. Trong bối cảnh dịch bệnh, Ban Dân nguyện không triển khai giám sát tại một số tỉnh, thành phố và cơ quan theo kế hoạch nhưng đã tập trung theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư đã chuyển, tổ chức nghiên cứu văn bản trả lời và hồ sơ một số vụ việc cụ thể, có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền báo cáo kết quả giải quyết để tiến hành xem xét, giám sát qua báo cáo…

Ông Hoàng Anh Công cho biết thêm, hiện Ban Dân nguyện đang chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV và có kế hoạch tổ chức làm việc với một số Bộ, ngành Trung ương về việc giải quyết kiến nghị cử tri, tiếp tục rà soát, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết từ kỳ họp trước. Lãnh đạo Ban Dân nguyện mong muốn, “các kiến nghị của cử tri, Nhân dân có lẽ không chỉ tổng hợp theo từng tháng, từng tháng một mà nên đưa ngay vào cuộc họp của các bộ, ngành để các cơ quan này lưu tâm giải quyết thường xuyên, với quan điểm đi sát với hơi thở cuộc sống”.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

Nhiều trăn trở, băn khoăn về công tác dân nguyện của Quốc hội cũng được lãnh đạo Ban Dân nguyện báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Theo Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, công tác dân nguyện còn hạn chế, trong khi đó, toàn bộ đầu vào của hệ thống chính sách, pháp luật là ý kiến của Nhân dân, phải làm sao để công tác dân nguyện của Quốc hội thực sự là cầu nối, đưa ý chí, nguyện vọng của Nhân dân thành pháp luật.

Nhấn mạnh, công tác dân nguyện không chỉ là tiếp công dân, giải quyết đơn thư mà còn tiếp thu mọi ý kiến, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng, công tác dân nguyện của Quốc hội chưa được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là nội dung quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Muốn phát huy đầy đủ tiếng nói, nguyện vọng của Nhân dân, nên chăng cần tính toán đến vấn đề này.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, tại cuộc làm việc ngày 17.5.2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Ban Dân nguyện khẩn trương xây dựng Đề án tổng thể về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Dân nguyện. Bởi lẽ dân nguyện là ý dân, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, mọi quyết đáp đều xuất phát từ ý nguyện của Nhân dân, cho nên phải chú trọng công tác dân nguyện.

Trước mắt, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, đặt ra yêu cầu cấp thiết hoàn thiện phần mềm về công tác dân nguyện. Việc người dân không thể đến địa điểm tiếp công dân cũng hạn chế phần nào mong muốn phản ánh những vấn đề bức xúc, những ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Khi có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, Ban Dân nguyện có thể phối hợp với Tập đoàn Viettel xây dựng tổ hợp trợ lý ảo, có hệ thống trả lời tự động, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị. Người dân và các đại biểu Quốc hội có thể truy cập phần mềm này để xem xét các đơn thư khiếu nại, tố cáo; quá trình xử lý đơn thư; đơn, thư đủ điều kiện đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền hay chưa… 

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh trao đổi, liên kết thông tin giữa Ban Dân nguyện với các cơ quan báo chí, truyền thông cũng là giải pháp tối ưu trong bối cảnh giãn cách xã hội hiện nay. Gợi mở thêm các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý, "dù là giải pháp nào thì phải để người dân thấy được ý kiến, kiến nghị của mình luôn được đề cao, tôn trọng, tiếp thu và được xem xét, giải quyết”.

Anh Thảo