Phiên họp thứ Tư Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tổng hợp đầy đủ, trung thực ý kiến của cử tri và Nhân dân

- Thứ Hai, 11/10/2021, 10:55 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình phiên họp sáng nay, 11.10, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Rút kinh nghiệm sâu sắc để ứng phó với mọi tình huống 

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Hai, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân theo dõi sát và rất vui mừng về thành công của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4; đánh giá cao các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân lo lắng trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Về công tác phòng, chống đại dịch Covid - 19, cử tri và Nhân dân cảm nhận sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ủng hộ sáng kiến pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid - 19. Cử tri và Nhân dân mong muốn, cần nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn… để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống xấu hơn có thể xảy ra, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với các biến thể mới của Covid-19.

Về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế năm 2021, dưới tác động của đại dịch Covid-19, cử tri và Nhân dân lo lắng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 không đạt, dẫn đến khó đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2026. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh… Về các chính sách xã hội và an sinh xã hội, cử tri và Nhân dân rất bức xúc với các thông tin xấu độc, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch, gây hoài nghi đối với các chính sách đúng đắn của Nhà nước; tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc, vật tư y tế điều trị Covid-19 giả… Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực; dân ghi nhận Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật…

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương sớm cụ thể hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tập trung vào 2 nội dung được nhiều cử tri và Nhân dân quan tâm. Đó là giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vaccine (chú ý vaccine tiêm cho người dưới 18 tuổi); tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng… và Khảo sát, đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học, từ đó, xây dựng chiến lược thích ứng trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương khẩn trương thể chế hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về phục hồi, phát triển kinh tế khi đã kiểm soát được dịch bệnh; sớm quyết định các gói chính sách hỗ trợ, kích thích doanh nghiệp…

Hạn chế chuyển kiến nghị sang kỳ họp sau

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày. Theo đó, đến nay đã có 807/807 kiến nghị của cử tri được trả lời, đạt 100%. Trong đó, đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời14/14 kiến nghị; Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã trả lời 781/781 kiến nghị; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xem xét, trả lời 5/5 kiến nghị.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày các báo cáo
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tuy nhiên, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế: một số bộ, ngành chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị; một số bộ chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên còn có quy định khác nhau, chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng…

Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị của cử tri. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.

Tăng cường trách nhiệm tiếp dân

Trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong kỳ báo cáo các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tiếp 4.331 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 3.350 vụ việc và có 189 đoàn đông người (giảm 50% số lượt người, 35% số vụ việc và 24% đoàn đông so với cùng kỳ năm trước); đã tiếp nhận 33.061 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (giảm 13,83% so với cùng kỳ).

Về kết quả giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện đã triển khai, tổ chức giám sát tại 5 địa phương; đề nghị 4 bộ ngành ở Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và UBND 63 tỉnh, thành phố báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến.

Về kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giám sát việc giải quyết các vụ việc cụ thể thuộc lĩnh vực phụ trách, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, tồn đọng, phức tạp, gay gắt kéo dài. Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với đại biểu dân cử và cán bộ, công chức làm công tác dân nguyện…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã bước đầu tổng hợp được ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong điều kiện còn thiếu nhiều báo cáo của cơ quan, địa phương và 63 Đoàn đại biểu Quốc hội. Do đó, đề nghị MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, trong đó có Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp đầy đủ, trung thực ý kiến của cử tri và Nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện, đề nghị, phân tích rõ bản chất việc trả lời của các cơ quan có chức năng đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, bổ sung báo cáo công tác tiếp công dân của khối hành pháp và khối tư pháp.

Lâm Hiển