Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021:

Tổng kết chính sách cũ trước khi ban hành chính sách mới

- Thứ Tư, 16/06/2021, 06:37 - Chia sẻ
Dù bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm nay có rất nhiều điểm sáng, song nhiều khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra, nhất là khi số lượng doanh nghiệp quy mô lớn phải rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của họ đã suy giảm bởi dịch bệnh Covid-19. Xem xét thận trọng các vấn đề này, tại phiên họp sáng qua, 15.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải đánh giá việc thực hiện các chính sách cũ, chỉ rõ ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân và giải pháp khắc phục, trước khi ban hành chính sách mới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Đồng lòng chiến thắng đại dịch

Trong những tháng đầu năm nay, nước ta đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại 40 tỉnh, thành phố với số ca nhiễm gia tăng mạnh. Ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội được nêu khá rõ trong báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế: Tạo áp lực lớn lên công tác điều trị của hệ thống y tế, cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân; các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vận tải và bán lẻ...; một số khu công nghiệp, nơi tập trung một lượng lớn lao động, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách bị tạm dừng hoạt động...

Dù khó khăn nhiều bề như vậy nhưng theo ghi nhận của Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, có những cải cách mạnh mẽ và quyết liệt nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với quyết tâm cao, chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn dân, toàn quân đã giúp kiểm soát được sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; đạt được thành quả nhất định về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cơ bản các cân đối lớn; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, bảo đảm an sinh xã hội...

Bên cạnh những điểm sáng, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong thực hiện Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Quốc hội. "Mặt sau của tấm huy chương" đó có thể thấy ngay trong việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016, mở ra cơ hội đạt mục tiêu về kiểm soát lạm phát được Quốc hội đề ra (dưới 4%). Như phân tích của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lạm phát được kiểm soát, dự kiến thực hiện được mục tiêu đề ra do sức cầu trong nước quá yếu. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ trong 5 tháng đầu năm đạt 7,6%, trong khi bình thường từ 11 - 12%. Sức cầu trong nước yếu giúp kiểm soát giá cả hàng hóa tốt, nhưng sẽ có tác động trong dài hạn, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Một vấn đề cũng được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích tại phiên thảo luận là hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đặc biệt, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng là diễn biến bình thường khi tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp hơn. Nhưng đó sẽ chỉ là diễn biến tất yếu khi không có chính sách, biện pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Nhà nước.

Trên thực tế, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, sau đó triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được đặt ra rất gấp nên Quốc hội đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 135/2020/QH14. Nhưng, báo cáo của Chính phủ thừa nhận việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Đối với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, qua nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đơn vị này đến nay chưa nhận được các hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết số 135 của Quốc hội.

Dự báo kịch bản để có chính sách phù hợp

Do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trong khi năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chịu áp lực lạm phát tăng, rủi ro thiên tai, dịch bệnh… Chính phủ xác định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 được xác định có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.

Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Chính phủ khẳng định, sẽ sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vaccine phòng Covid-19 và tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng, sau đó duy trì tiêm hằng năm. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cho biết, sẽ thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19 để có thể đáp ứng ngay các đơn hàng khi khống chế được dịch bệnh…

Tuy nhiên, do thành công trong phòng, chống dịch có ý nghĩa quan trọng đối với phục hồi kinh tế nước ta, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm khi Chính phủ đề nghị chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch chưa sử dụng của Bộ Y tế năm 2020 sang năm 2021 để mua vaccine phòng dịch Covid-19. Bởi đề nghị này sẽ có thể tạo cách hiểu do thời gian đầu khi dịch bệnh bùng phát đã không chủ động đăng ký mua vaccine, không sử dụng nguồn đã bố trí nên phải đề nghị chuyển nguồn (?). “Nhu cầu tiêm vaccine của người dân ở các địa phương là rất lớn nhưng lại không sử dụng hết tiền đã phân bổ”. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, báo cáo của Chính phủ phải nêu rõ giải pháp được thực hiện trong thời kỳ đầu dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, khi quyết định chuyện có mua vaccine hay không, vì sẽ có những băn khoăn với đề nghị chuyển nguồn kinh phí nêu trên.

Là cơ quan theo dõi lĩnh vực này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh chỉ rõ, Việt Nam là một quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở những giai đoạn trước, nhưng lại đi chậm hơn về tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng đến nay đạt được khoảng hơn 1,4% dân số.
Trước việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư, Chính phủ có lẽ sẽ phải xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Song, từ việc chủ động rà soát, xác định nguyên nhân khiến các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh Nghị quyết số 42 của Chính phủ chưa được thụ hưởng chính sách (báo cáo này cũng đã được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành liên quan), Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện về các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng Covid-19 để đưa ra các dự báo kịch bản phù hợp hơn, nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn, thuận lợi cho việc tiếp cận, bảo đảm đúng mục tiêu, đối tượng. Kịch bản này cũng phải thích ứng với cách tiếp cận mới, quan điểm chỉ đạo mới về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có những đề xuất chính sách phù hợp với từng địa phương và đối tượng thụ hưởng.

Năm 2021 có tính chất khá đặc biệt, khi vừa khép lại nhiệm kỳ cũ, vừa là năm mở đầu thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu được văn kiện Đại hội lần thứ XIII đặt ra cho nhiệm kỳ 2021 - 2025. Do vậy, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phải tiếp tục hoàn thiện, trên cơ sở xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, cũng như một số nghị quyết liên quan khác. Đặc biệt là dựa trên Kết luận 07 của Bộ Chính trị về một số các nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, với những đánh giá và định hướng rõ ràng cho 6 tháng cuối năm. Chính phủ phải báo cáo việc thực hiện các chính sách hiện hành. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước khi đưa ra chính sách mới phải tổng kết việc thực hiện chính sách cũ, xác định chính sách có trúng đối tượng không và tổ chức thực hiện thế nào. 

Lê Bình