Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì phiên họp về sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thứ Năm, 18/11/2021, 12:42 - Chia sẻ
Sáng 18.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo sửa đổi quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì phiên họp cho ý kiến về việc sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng dự có: Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban Thường trực soạn thảo sửa đổi quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần và các thành viên Ban soạn thảo.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại Phiên họp 

Theo Báo cáo về việc sửa đổi quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ban hành kèm theo Nghị quyết số 1075/2015/UBTVQH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016 là cơ sở pháp lý quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nhiệm vụ, quyền hạn đúng quy định, hoạt động đi vào nền nếp, chuyên nghiệp hơn, thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội, góp phần tích cực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung, các cơ quan của Quốc hội nói riêng.

Sau hơn 5 năm thi hành, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời đưa ra bàn thảo, thống nhất hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn cuộc sống. Việc cố định thời gian tiến hành phiên họp hằng tháng đã góp phần thúc đẩy, nâng cao tính chủ động trong hoạt động của các cơ quan...

Công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được quan tâm, bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan theo từng lĩnh vực công tác, tránh sự bị động và hạn chế tối đa chồng chéo. Phương thức hoạt động, lề lối làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được cải tiến, đổi mới, đề cao dân chủ trong thảo luận, quyết định. Qua đó, đã góp phần tăng cường tính dân chủ, khoa học, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2015 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc quy định cụ thể hơn.

Tại Phiên họp các thành viên Ban soạn thảo đã cho ý kiến về một số quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cải tiến quy trình, cách thức  tổ chức phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.  

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Bùi Văn Cường nêu rõ, việc sửa đổi Quy chế lần này nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh Phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lưu ý, việc sửa đổi cần kế thừa những quy định trong Quy chế hiện hành đã và đang phát huy được hiệu quả, không có vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian qua; tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định mới bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định của một số luật như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… và các quy định khác của pháp luật có liên quan, cũng như thực tiễn đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến các thành viên, hoàn thành dự thảo Quy chế trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Thành Trung