Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm việc với Truyền hình Quốc hội Việt Nam

- Thứ Tư, 02/06/2021, 19:09 - Chia sẻ
Chiều 2.6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã làm việc với Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Cùng dự cuộc làm việc có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Vũ Minh Tuấn; Lãnh đạo Truyền hình Quốc hội Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu
Ảnh: Bùi Hùng

Truyền hình Quốc hội Việt Nam là một trong 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia chuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị, thuộc đối tượng được Nhà nước đặt hàng sản xuất phát sóng. Hiện nay, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sản xuất và phát sóng 24/24 giờ, trong đó tỷ lệ sản xuất, phát sóng các tin bài tuyên truyền về Quốc hội và cử tri đạt trên 80%. Thời gian sản xuất chương trình mới đạt bình quân 4 đến 5 tiếng/ngày, riêng trong Kỳ họp Quốc hội, tỷ lệ này đạt trên 7 tiếng/ngày. 

Sau khi chuyển về Văn phòng Quốc hội từ năm 2017, bên cạnh nhiệm vụ chính là sản xuất nội dung, phát sóng truyền hình 24/24 giờ mỗi ngày, Truyền hình Quốc hội Việt Nam được giao tiếp nhận, sản xuất nội dung, vận hành hoạt động Cổng thông tin điện tử Quốc hội; sản xuất thông tin clip về hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp để cung cấp cho đài phát thanh và truyền hình 63 tỉnh, thành phố; cung cấp ảnh kỳ họp cho các cơ quan báo chí trong nước.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Vũ Minh Tuấn

Ảnh: Bùi Hùng 

Thời gian qua, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã tuyên truyền đầy đủ, sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Thông tin nhanh chóng, kịp thời, toàn diện hoạt động của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, hoạt động của HĐND; Thực hiện vai trò kết nối cử tri với Quốc hội, cử tri với đại biểu dân cử. Cùng với việc luôn bảo đảm đủ và vượt tỷ lệ tuyên truyền về chính trị theo quy định, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có các chương trình chuyên sâu như Quốc hội – cử tri, Nghị trường – cuộc sống, Góc nhìn đại biểu, Nghị trình hôm nay, Luật, chính sách – góc nhìn Việt Nam, thế giới, nghị viện thế giới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, với thế mạnh là kênh truyền hình chuyên biệt về Quốc hội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung, chuyên đề, chuyên mục để khai thác mạnh mẽ những dư địa, lợi thế; đánh giá nhu cầu, hình thức thông tin, vấn đề quan tâm của từng nhóm khán giả; đa dạng, nâng cao chất lượng chuyên gia tham gia các tọa đàm, thảo luận; tổ chức thêm các chuyên mục chuyên sâu, hấp dẫn với các nhóm khán giả, nhất là nhóm khán giả trẻ...

Ảnh: Bùi Hùng

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền về các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội, hoạt động ngoại giao nghị viện. Chủ động xây dựng, phát sóng các phóng sự, chương trình bình luận, tọa đàm về những vấn đề mới, quan trọng được thảo luận tại kỳ họp, nội dung tác động đến nhiều đối tượng trong các dự án luật; phát triển các chương trình chuyên sâu, dài kỳ về nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Toàn cảnh buổi làm việc
Ảnh: Bùi Hùng

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng lưu ý, Truyền hình Quốc hội Việt Nam quan tâm thực hiện các hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu; phát triển truyền thông đa phương tiện, trong đó nghiên cứu xây dựng app của Truyền hình Quốc hội Việt Nam; khai thác từ đội ngũ chuyên gia, các nhà sáng tạo những ý tưởng, chương trình mới, hấp dẫn khán giả; tăng cường ứng dụng, khai thác hiệu quả công nghệ vào việc nâng cao chất lượng nội dung, hình thức thể hiện; có quy chế phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội để cung cấp nhanh chóng và kịp thời thông tin các thông tin về hoạt động của các cơ quan này. Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần phấn đấu trở thành một kênh tiếp nhận ý kiến, đề xuất của người dân, chính quyền địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp về các nội dung trong dự án luật, vấn đề được đưa ra thảo luận, quyết định tại kỳ họp của Quốc hội.

Lê Bình