Top 9 nguy cơ an ninh toàn cầu

- Thứ Tư, 13/01/2021, 06:45 - Chia sẻ
Năm nay, dự báo đại dịch Covid-19 và nhiều hệ lụy khác của năm 2020 sẽ tiếp tục đeo đẳng, gây nguy cơ lớn cho an ninh toàn cầu. Với tầm nhìn của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, hai chuyên gia của cơ quan này đã chỉ ra những nguy cơ đối với an ninh toàn cầu trong năm 2021 cùng với thang điểm mà xác suất nguy cơ đó có thể xảy ra.
Khủng hoảng lương thực là một trong những nguy cơ cao đối với an ninh năm 2021
Nguồn: The New Humanitarian

1. Khủng hoảng Covid-19 tiếp tục bất chấp có vaccine

Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ tiếp tục lây lan mạnh ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga, do thói đi du lịch trong các kỳ nghỉ, tụ tập gia đình và bạn bè. Tâm lý chủ quan do thấy triển vọng của vaccine cũng có thể là nguyên nhân khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Điều không may là, quá trình phân phối vaccine sẽ không suôn sẻ như chúng ta tưởng, từ khâu sản xuất cho đến quá trình bảo quản, vận chuyển. Điều này khiến thời điểm và lộ trình để toàn bộ dân chúng có thể được tiêm chủng sẽ bị đẩy lùi.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 42% người Mỹ không quan tâm đến việc được tiêm chủng - điều này có thể làm giảm cơ hội ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch đến tận nửa sau năm 2021.

Đã vậy, virus SARS-CoV-2 liên tục có những biến thể mới, khiến hiệu quả của vaccine bị giới hạn. Đây cũng được coi là một trong những thách thức lớn nhất của năm 2021. Nếu không kiềm chế được Covid-19, mọi lĩnh vực sẽ không thể khởi sắc hay cải thiện.

Xác suất nguy cơ: Trung bình đến cao.

2. Nhiệm kỳ của ông Joe Biden gặp nhiều khó khăn

Sau khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức, trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46 sau ngày 20.1, nhiều khả năng ông sẽ gặp khó khăn trong điều hành, nhất là khi phe Dân chủ đang cố gắng thúc đẩy một nghị quyết nhằm luận tội Tổng thống Donald Trump. Bất chấp sự thật rằng nhiều thành viên của đảng Cộng hòa không đồng tình với những động thái gần đây của ông Donald Trump và tích cực kêu gọi ông từ chức, song việc thúc đẩy một phiên tòa luận tội có thể sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng chia rẽ giữa hai đảng và trong dân chúng, nhất là khi bộ phận cử tri ủng hộ ông Donald Trump đang tỏ ra quá khích.

Bên cạnh đó, một loạt chính sách giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Donald Trump cũng có thể làm khó người kế nhiệm. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã trả lại chính phủ khoản tiền 455 tỷ USD trong quỹ phục hồi. Nhưng một loạt động thái đối ngoại đáng lo khác vẫn có thể đưa đến những hệ lụy tồi tệ, chẳng hạn việc ông Donald Trump đang khiêu khích Trung Quốc bằng việc dọa sẽ bán thêm vũ khí cho Đài Loan, đe dọa tăng cường trừng phạt Iran; rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở nhằm phá bỏ thêm một bước nữa các biện pháp kiểm soát vũ khí… 

Xác suất nguy cơ: Cao.

3. Một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác

Khối nợ toàn cầu do các chính phủ phải tăng chi tiêu khẩn cấp cho chống Covid-19, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, đang bùng nổ. Tổng nợ tăng thêm 15.000 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 365% của tổng GDP toàn cầu vào cuối năm 2021.

Cho tới nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải giải ngân gói cứu trợ tài chính đại dịch cho 81 nước. Ngoài ra, dòng vốn chảy tới các nước thu nhập thấp trong năm 2020 được dự báo sụt giảm tới 700 tỷ USD so với mức của năm 2019. Các nước đang phát triển cần 7.000 tỷ USD để thanh toán nợ vào cuối năm 2021. Sức ép tài chính như trên có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nữa.

Để ngăn chặn khủng hoảng gia tăng, Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), trong đó có Trung Quốc, đã tạo ra “Khuôn khổ chung” để quản lý khó khăn về nợ, nhưng việc Quốc hội Mỹ lưỡng lự phê chuẩn các nguồn tài chính mới cho IMF có thể phá hỏng các nỗ lực của G20.

Xác suất nguy cơ: Trung bình.

4. Các nước phương Tây chật vật với đà phục hồi kinh tế chậm

IMF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã hạ thấp dự đoán ban đầu của họ trong năm 2020 về sức phá hoại kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra cho Mỹ và các nước khác. Tuy nhiên hầu hết các nền kinh tế sẽ không trở lại được mức GDP của trước năm 2020.

Trong các nền kinh tế lớn, chỉ Trung Quốc có được mức tăng đáng kể (khoảng 2%) trong năm 2020, và mức đó sẽ cao hơn vào cuối năm 2021. Tình hình có thể xấu hơn cho phương Tây nếu họ không có đủ gói kích thích tài chính.

Nhiều nhà kinh tế học tin rằng nền kinh tế Mỹ phục hồi kém sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 một phần là các biện pháp kích thích được thu hồi quá sớm. Còn ở châu Âu, chính sách khắc khổ hậu 2008 đã làm trầm trọng thêm vấn đề tăng trưởng chậm.

Cũng xin lưu ý rằng, chính cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã sản sinh ra phong trào dân túy đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu. Giờ đây, một lần nữa nguy cơ khủng hoảng đối với hàng triệu công dân châu Âu có thể quay trở lại khi họ vừa tự đứng vững được. Điều này có thể dẫn tới những hậu quả nặng nề dài lâu về chính trị.

Xác suất nguy cơ: Cao.

5. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Khi phải đối mặt với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống mới của Mỹ sẽ kế thừa di sản ngoại giao đầy khó khăn của 4 đời tổng thống trước đó.

Dù Tổng thống Donald Trump đã có tới 3 cuộc họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên thì quốc gia này vẫn đang sở hữu kho vũ khí hạt với tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới lục địa Mỹ.

Trong quá khứ, Triều Tiên thường chào đón nhiệm kỳ mới của tổng thống Mỹ bằng hoạt động thử hạt nhân hoặc tên lửa. Do vậy không loại trừ khả năng năm đầu tiên ông Biden làm Tổng thống sẽ lại chứng kiến điều tương tự từ phía Triều Tiên.

Xác suất nguy cơ: Trung bình đến cao.

6. Đối đầu gia tăng giữa Mỹ và Iran

Vụ nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bị ám sát (cuối năm 2020) cộng với việc ông Donald Trump tăng cường lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trước khi rời nhiệm sở có thể dập tắt hy vọng của ông Biden về việc nối lại Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Một cuộc đàm phán để kéo Iran trở lại với các cam kết hạt nhân, đóng băng phát triển tên lửa, chấm dứt chiến tranh ở Yemen, đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc có thể giúp tái thiết lập sự tin cậy giữa các bên trong thỏa thuận hạt nhân. Nhưng viễn cảnh đó tỏ ra khá xa vời.

Xác suất nguy cơ: Thấp đến trung bình.

7. Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề thương mại, công nghệ có thể tiếp tục căng thẳng trong năm tới, nhưng tồi tệ hơn có thể do tình hình Đài Loan.

Nếu quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có biện pháp mạnh đối với Đài Loan. Nếu Mỹ khi đó can thiệp quân sự vào đây thì đấy có thể là nhân tố kích hoạt xung đột tổng lực giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới hiện nay.

Xác suất nguy cơ: Thấp đến trung bình.

8. Khủng hoảng lương thực tệ hại nhất trong nhiều thập kỷ

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo, thế giới đang bên bờ cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong ít nhất 50 năm qua. Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Ngày càng nhiều người rơi vào tình trạng đói nghèo cao độ do các tổn hại kinh tế mà virus SARS-CoV-2 gây ra, trong khi giá lương thực lại tăng cao.

Liên Hợp Quốc dự báo sẽ có thêm nhiều người chết do suy dinh dưỡng. Ngay cả ở các nước phát triển, người nghèo cũng hứng chịu tình trạng giá thực phẩm lên cao trong khi lại rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc suy giảm thu nhập do Covid-19.

Xác suất nguy cơ: Đã và đang xảy ra.

9. Chấm dứt quá trình mở rộng tầng lớp trung lưu

Có lẽ thành tựu lớn nhất của thế giới trong 3 thập kỷ qua là hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và sự gia tăng tầng lớp trung lưu trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, tiến bộ này có nguy cơ bị hủy hoại nếu kinh tế thế giới năm 2021 không phục hồi mạnh.

Giới chuyên gia tin rằng lần đầu tiên trong nửa thế kỷ, tầng lớp trung lưu bắt đầu co lại, có thể giảm tới 52 triệu người ở riêng Mỹ Latin. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới dự báo vào cuối năm 2021, có thêm 150 triệu người rơi vào tình trạng đói khổ dưới ngưỡng nghèo (những người thu thập chưa tới 1,9 USD/ngày). Tăng trưởng kinh tế thấp trong năm 2021 sẽ làm gia tăng số người nghèo đói.

Xét trong lịch sử, việc suy giảm tầng lớp trung lưu thường gắn với bất ổn chính trị, suy giảm dân chủ, và xung đột gia tăng.

Xác suất nguy cơ: Cao.

Đạt Quốc (Theo National Interest)