TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh hỗ trợ người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19

- Thứ Năm, 26/08/2021, 20:05 - Chia sẻ
Chiều 26.8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid TP. Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn trong 24 giờ qua.
Phó trưởng Ban chị đạo Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo

Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 25.8 là 5.627.728, trong đó tổng số mũi 1 là 5.390.903, mũi 2 là 236.825, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 573.771. Ông Hải cho biết thêm, thành phố phải cơ bản tiêm hết tất cả đối tượng được tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước ngày 15.9.

Theo Bộ Y tế, công tác thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cần đúng tối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng. Nghiêm cấm việc thu tiền từ các đơn vị, tổ chức cá nhân đến tiêm chủng với bất kì hình thức nào. Đơn vị nào không thực hiện đúng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Về kết quả xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 24.8 đến 18 giờ 25.8, thành phố đã lấy 479.742 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên và 514.974 mẫu PCR, trong đó có 8.452 mẫu đơn và 4.189 mẫu gộp. Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam thông tin về công tác lấy mẫu tại "vùng đỏ" và "vùng cam", trong 3 ngày (từ 23.8 đến 25.8), thành phố đã tiến hành xét nghiệm nhanh gần 1 triệu mẫu. Theo đánh giá, mặc dù chưa đạt mục tiêu 2 triệu mẫu như kế hoạch đề ra, tuy nhiên thành phố cũng đã nỗ lực hết sức. “Trong hôm nay và ngày mai sẽ quét tổng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam khẳng định.

Ông Nam cũng cho biết, với chiến lược xét nghiệm tầm soát trên diện rộng như hiện nay, dự báo số ca F0 trong thời gian tới sẽ tăng lên, do đó nhu cầu điều trị F0 sẽ tăng. Nhằm đảm bảo việc chăm sóc trường hợp F0 đang được theo dõi tại nhà và đảm bảo người dân mắc bệnh khác tại cộng đồng vẫn được chăm sóc điều trị tốt, Sở Y tế đã phối hợp các quận huyện để thành lập Trạm y tế lưu động. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có 401/413 trạm y tế lưu động đã chính thức hoạt động, riêng Nhà Bè và Củ Chi đang khẩn trương triển khai bổ sung cho đầy đủ số trạm. Tính đến 8h ngày 25.8, Trạm y tế lưu động tại các quận, huyện và TP Thủ Đức đang phụ trách chăm sóc và điều trị cho 23.197 người F0 cách ly tại nhà, thực hiện 4 nhiệm vụ chính. Đại diện Sở Y tế cho biết Sở đã cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” phiên bản 1.4, theo đó có bổ sung hoạt động của trạm y tế lưu động, điều kiện cách ly tại nhà và điều chỉnh về hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà cho người F0

Để tiếp tục hỗ trợ thêm cho người lao động trong tình hình dịch kéo dài, ông Hải thông tin, UBND TP. Hồ Chí Minh có văn bản 2876/UBND-VX về việc giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, Chủ tịch UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức nhanh chóng thực hiện chi hỗ trợ cho các hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hoàn tất trước ngày 30.8, đồng thời rà soát, khẩn trương thẩm định, phê duyệt danh sách đối với các trườn hợp phát sinh.

Về thực hiện yêu cầu giãn cách, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay chỉ cấp giấy đi đường cho cá nhân trong trường hợp tiêm vaccine, tái khám. Theo quy định, người dân cần cung cấp bệnh án và giấy tái khám khi ra đường. Đối với việc cung cấp giấy đi đường cho đơn vị vận chuyển dược phẩm đến các nhà thuốc, công an thành phố đã có văn bản, trong đó nêu, nếu đơn vị có giấy tờ chứng minh phù hợp thì sẽ được phép lưu thông. Về cấp giấy đi đường cho các nhóm thiện nguyện, Công an TP. Hồ Chí Minh cho rằng công tác thiện nguyện được thành phố khuyến khích. Tuy nhiên, do dịch bệnh phức tạp nên công tác này có thể tăng nguy cơ lây nhiễm, việc cấp giấy có thể mất kiểm soát và việc giãn cách không được đảm bảo. Người dân có thể đóng góp bằng cách liên hệ Tổ công tác đặc biệt hoặc tổ chức địa phương

Về tình hình giao thông, ngày 25.8, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục có văn bản số 9438/SGTVT-KT thông tin thêm về công tác cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR. Trong đó hướng dẫn cụ thể về các đầu mối để các tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ. Các đầu mối này sẽ chuyển về Sở GTVT - tất cả hồ sơ này sẽ chuyển về Sở GTVT qua phần mềm zalo hoặc phần mềm liên thông. Sau khi nhận hồ sơ từ các đầu mối, Sở GTVT sẽ giải quyết và trả kết quả trong vòng 24 giờ, phương thức trả qua phần mềm liên thông hoặc phần mềm zalo để các tổ chức, cá nhân in mã QR. Đối với phương tiện chở hàng hóa là vật tư y tế do Sở Y tế là đầu mối đề nghị, thời gian giải quyết trong 8 giờ (1 ngày làm việc). Còn đối với phương tiện chở oxy, thời gian giải quyết trong 4 giờ. Đại diện Sở GTVT thành phố cũng cho biết thêm, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các Sở ngành thông tin, hướng dẫn và giải quyết việc cấp QR (luồng xanh) cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; việc cấp mã này hoàn toàn sử dụng phần mềm thông qua các đầu mối.

Đắc Trường