TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai bất ngờ xuất hiện mưa đá

- Thứ Hai, 23/08/2021, 09:29 - Chia sẻ
Vào khoảng hơn 18 giờ ngày 22.8, trên toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số khu vực tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện mưa đá. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, mưa đá thời điểm này là bất thường.

Mưa đá vào thời điểm này là bất thường

Đa phần hạt mưa bằng khoảng một đốt ngón tay, kích thước từ 1-1,5cm, nhưng cũng có những thời điểm hạt mưa đá to gần 3cm. Mưa đá diễn ra trong khung giờ hạn chế ra đường của TP. Hồ Chí Minh nên cơ bản không ảnh hưởng đến an toàn lưu thông của người dân nhưng việc mưa đá xuất hiện bất ngờ cũng khiến nhiều người lo lắng.

Chị Nguyễn Ngọc Phương Quỳnh (TP. Thủ Đức) cho biết khoảng hơn 18 giờ ngày 22.8, trời bắt đầu tối sầm và có dấu hiệu mưa. Lúc này chị Quỳnh cùng gia đình đang ngồi trong nhà nghe mưa rơi lộp độp trên mái tôn với tiếng động lớn bất thường. Khi gia đình chị ra kiểm tra thì phát hiện có mưa đá với những hạt to bằng ngón tay, có hạt to gần bằng nửa lòng bàn tay.

“Hạt mưa rất to và rơi dày đặc nên gia đình tôi rất lo mái tôn sẽ bị hỏng, may là mưa đá chỉ xảy ra khoảng 5 phút thì chuyển sang mưa bình thường. Tuy nhiên, xe hơi của chúng tôi đậu ngoài sân thì bị trầy xước cả, một số chậu hoa cảnh cũng bị dập nát,” chị Quỳnh kể.

Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ Lê Đình Quyết nhận định đây là cơn mưa đá bất thường ở TP. Hồ Chí Minh vì mưa đá hiếm xảy ra ở thời điểm này. Thông thường, các cơn mưa đá sẽ xuất hiện vào đầu hoặc khi kết thúc mùa mưa, tức là đầu tháng 5 và 6 hoặc cuối tháng 10, chứ hiếm khi xảy ra vào tháng 8.

Lý giải nguyên nhân, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết có hai nguyên nhân. Một là do mây đối lưu phát triển mạnh, hai là tuần vừa qua, Nam Bộ chủ yếu ngày nắng oi, mưa muộn, gây ra hiện tượng mây đối lưu nhiệt. "Độ dày của mây đối lưu này phát triển lên cao đến 5-6km, khi lên càng cao ổ mây càng lạnh. Chính vì vậy các hạt nước trong đám mây khi đến đỉnh mây sẽ đông thành nước đá. Hạt đá sẽ di chuyển lên xuống trong đám mây cho đến khi đạt được độ lớn đủ để thắng được lực trọng trường thì rơi xuống đất. Các hạt này rơi từ chân mây xuống đất thành hạt bằng khoảng đầu ngón tay, gọi là mưa đá," bà Lan giải thích.

Mưa lớn tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
Mưa lớn tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Hạn chế ở ngoài trời lúc có dông sét

Tại tỉnh Đồng Nai, tối cùng ngày 22.8 cũng có mưa lớn, đặc biệt nhiều khu vực ở TP. Biên Hòa có mưa đá, trong đó có những viên đá lớn hơn 3cm, thậm chí có viên 4-5cm. Mưa đá xuất hiện ở một số khu vực của nhiều phường giáp ranh với phía đông của TP. Hồ Chí Minh gồm Tân Vạn, An Bình, Long Bình, Long Bình Tân và An Hòa.

Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho hay theo ghi nhận trong ngày 22.8, lượng mưa phân bổ trên địa bàn không đồng đều. Một số khu vực có mưa rất lớn như Trảng Bom (57mm) và huyện Định Quán (51mm), trong khi huyện Long Thành lại không có mưa. 

Giải thích lý do, ông Huy cho biết mưa đá thường xuất hiện ở khu vực hẹp, chỉ 1-2 khu phố của phường nào đó chứ không có diện rộng. "Cùng ngày 22.8 ở phía đông TP. Hồ Chí Minh mưa khá lớn và có mưa đá nên dính một phần qua TP. Biên Hòa", ông Huy dự đoán. 

Cũng theo ông Huy, mưa đá thường xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa nhưng năm nay mưa khá thất thường. Hiện đang trong mùa mưa nhưng mưa không đều, nhiều ngày nắng khá gay gắt, chiều tối có mưa dông kèm sấm sét khá bất thường, kể cả mưa đá.

Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Đồng Nai khuyến cáo người dân hạn chế ở ngoài trời lúc có dông sét, khi ở trong nhà không đứng gần khu vực cửa sổ, các vật bằng kim loại, tắt đồ dùng bằng điện tử khi gặp dông sét lớn. Bởi các thiết bị này như một đầu thu sét, có thể gây nguy hiểm cho người dân. Các lực lượng trực chốt kiểm soát cũng cần chằng chống lều bạt kỹ lưỡng, chặt chẽ hơn, tránh dông lốc làm ngã đổ.

Thảo Anh