TP. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai

- Thứ Năm, 16/09/2021, 05:29 - Chia sẻ
TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương xảy ra trong giai đoạn 2016 - 2020; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng, chống thiên tai.
Ngập lụt tại thành phố Hồ Chí Minh
Nguồn: ITN

Thực hiện phương châm "4 tại chỗ"

Nhằm chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra thiên tai, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra các phương án phòng ngừa, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, động đất, sóng thần. Trong đó, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu của chương trình thi đua nói trên nhằm tập hợp, động viên sức mạnh của cá nhân, tổ chức tham gia công tác phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn. Từ đó giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và người dân.       

Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng, chống thiên tai.

Phong trào thi đua được triển khai ở sở, ngành, TP. Thủ Đức, quận, huyện, cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân. Nội dung thi đua bao gồm: thực hiện tốt các quy định của pháp luật; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Thành ủy và UBND TP. Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống thiên tai. Từ đó nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các cấp, phấn đấu đạt tiêu chí “Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN kiểu mẫu”.

TP. Hồ Chí Minh đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ), đặc biệt là xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở. Đồng thời thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Song song đó, làm tốt công tác xã hội hóa nguồn lực, triển khai thu và sử dụng có hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai thành phố.

Chủ động ứng phó động đất, sóng thần

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành quyết định về phương án “phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn thành phố”. Phương án này được đưa ra nhằm bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng. Từ đó đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả khi có động đất, sóng thần xảy ra.

Qua phương án này, các cơ quan, đơn vị có cơ sở để đề xuất kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật để phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Các cơ quan, đơn vị cũng có thể vận dụng phương án này làm cơ sở triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân chủ động ứng phó có hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có động đất, sóng thần xảy ra.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP. Hồ Chí Minh là cơ quan chỉ đạo. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần. Ngoài ra, chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện và chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn sẽ là cơ quan chỉ huy ở cấp huyện, xã.

UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Tâm Anh