TP Huế gấp rút khắc phục hậu quả và phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 12:13 - Chia sẻ
TP Huế đang gấp rút chỉ đạo các ngành phối hợp cùng chính quyền xã, phương triển khai các biện pháp nhằm xử lý mọi nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân vùng lũ, lụt sau khi nước rút…

UBNDTP Huế vừa có văn bản hỏa tốc tiếp tục yêu cầu các cơ quan, đơn vị và UBND các phường tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt; thường xuyên bám sát tình hình diễn biến dịch để chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp và kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống dịch.

Phòng Y tế phối hợp Trung tâm Y tế kiểm tra chương trình phòng, chống dịch như dịch Sốt xuất huyết, dịch bệnh đường tiêu hóa, các loại dịch cúm A/H7N9, cúm A/H5N1… và chương trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố; hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn thành phố có trách nhiệm phối hợp với y tế địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và chuyển tuyến kịp thời và báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định.

Lực lượng vũ trang Thành phố Huế tham gia chỉnh trang các tuyến đường dọc sông Hương
Lực lượng vũ trang thành phố Huế tham gia chỉnh trang các tuyến đường dọc sông Hương

Chủ tịch UBND TP Huế Hoàng Hải Minh cho biết, khó khan nhất của người dân hiện tại là tình trạng thiếu nước sạch, nước sinh hoạt sau lũ. Khi nước lũ tràn về, tất cả các giếng nước đều bị nhiễm bẩn bởi bùn đất, rác thải... Nước ô nhiễm dễ gây ra các bệnh đau mắt, sốt xuất huyết, tiêu chảy, lỵ, các bệnh ngoài da như ghẻ lở, nước ăn chân, viêm kẽ chân do vi khuẩn...

Vì vậy, công việc đầu tiên của người dân vùng lũ sau khi nước rút là xử lý môi trường, khôi phục nước sinh hoạt. Các cơ quan y tế hỗ trợ, cùng với người dân thực hiện nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó. Ngành Y tế các địa phương cùng với sự hỗ trợ của tuyến trên tổ chức tốt việc giám sát tình hình dịch bệnh để có biện pháp đối phó kịp thời; chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch, hạn chế thấp nhất các ổ dịch xảy ra rồi mới chạy theo dập dịch.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt, Trung tâm Y tế thành phố Huế triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng và các chiến dịch tiêm phòng theo quy định, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô phường.

Ngành giáo dục triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, hướng dẫn học sinh giữ ấm cơ thể; chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thường xuyên làm vệ sinh môi trường tại trường học, đặc biệt là các công trình cấp nước, công trình vệ sinh; phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh...

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, PGS. TS Trần Đắc Phu, bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh. “Môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cũng như các loại chất thải được cuốn theo dòng nước lũ. Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập cũng khó đảm bảo an toàn, cộng thêm điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cây cối, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ vê dinh dưỡng và dịch bệnh gây bệnh”- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Các chuyên gia dịch tễ cho hay người dân ở những vùng bị ảnh hưởng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá do mất an toàn thực phẩm, nguồn nước không đảm bảo, vệ sinh chưa tốt. Không chỉ vậy, người dân còn dễ mắc cúm, cảm lạnh, đau mắt, nước ăn chân cùng nhiều bệnh về da liễu khác. Đây đều là những bệnh người dân dễ mắc phải khi ở nơi có lũ lụt.

Nam Anh