Trả lại phong vị Tết Trung thu

- Thứ Tư, 30/09/2020, 06:03 - Chia sẻ
Ký ức hiện lên trên hình con vật tinh xảo, ngộ nghĩnh, trên từng lớp giấy nhiễu, vải hay giấy bóng kính của chiếc đèn Trung thu tưởng chừng đã bị lãng quên. Nói như nhà nghiên cứu Trịnh Bách: “Bắt đầu từ ấy mà khơi lên, mà thắp sáng con đường tìm về nét đẹp truyền thống. Cũng là trả lại phong vị cho mùa trăng tháng Tám vốn hàm chứa bao giá trị văn hóa dân tộc”.

Lần theo dấu cũ

Ngày xưa rằm Trung thu được coi là Tết Thiếu nhi, là cái Tết lớn thứ hai trong năm của người Việt. Ngay từ rằm tháng Bảy, người người, nhà nhà đã rục rịch chuẩn bị đón Tết, nhất là những làng làm đèn đã bắt tay khẩn trương làm đủ loại đồ chơi cho trẻ em. Trong đó đèn lồng hình con thú là loại đồ chơi đặc biệt hơn cả.

Đèn con thỏ cổ truyền - Ảnh tư liệu do nhà nghiên cứu Trịnh Bách cung cấp

“Bao nhiêu người trong chúng ta còn biết ngày xưa người Việt có các trò chơi Trung thu truyền thống? Bao nhiêu em nhỏ được biết đến không khí vui tươi và thiêng liêng của Tết Thiếu nhi xưa?”. Câu hỏi ấy đeo đẳng tâm trí nhà nghiên cứu Trịnh Bách từ cách đây nhiều năm, khi từ nước ngoài trở về. Ông chứng kiến việc trẻ em cứ đến rằm tháng Tám lại chơi thứ đồ chơi Tây, Tàu, mà không hề biết đến những chiếc đèn lồng cổ truyền độc đáo của nước mình. Thế là ông tự nhủ “mình phải làm cái gì đó...”.

Gần chục năm qua, ông Trịnh Bách tìm đến xóm làm đèn lồng Trung thu Phú Bình ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, cố gắng tìm nghệ nhân có tay nghề để giúp họ làm lại các loại lồng đèn Trung thu truyền thống đã thất truyền của nước mình. Ngay cả các loại lồng đèn Việt Nam xưa, vốn dùng để trang trí nhà cửa, làng xóm trong các lễ hội thông thường như đèn củ tỏi và đèn củ ấu thì nay cũng ít người còn biết. Hay đèn kéo quân của đêm trừ tịch (giao thừa) Tết Nguyên đán thời cổ, người xưa tin rằng lúc giao thừa khi các thần thổ trạch về trời, thì ma quỷ tràn ra hoành hành khắp nơi. Người ta treo đèn kéo quân giữa cửa trước để ma quỷ không dám vào. Ấy thế, giờ đây loại đèn này lại thường dùng để chơi Trung thu.

Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, lồng đèn hình con thú có nguồn gốc từ thời Đường, Trung Quốc. Khởi thủy chúng được làm với hình con cá chép. Tương truyền hồi đó có con cá chép thành tinh cứ đến đêm rằm tháng Tám thì vào kinh đô Tràng An bắt người ăn thịt. Triều đình nghĩ ra một chước, dạy cho người dân làm đèn hình con cá chép bằng khung tre phất giấy hay lụa. Đến đêm rằm tháng Tám đốt nến bên trong đem treo trước cửa nhà hay mang đi rước ngoài đường. Con tinh cá nghĩ những chỗ đó đã có đồng bọn làm việc cho nên không đến nữa. Tục lệ đó dần lan rộng ra khắp nước, sang cả nước ta. Nhưng rồi phong tục ấy mất đi ở Trung Quốc từ lâu.

Riêng Việt Nam vẫn giữ được nếp cũ, vẫn duy trì làm đèn lồng Trung thu cho trẻ em. Lúc đầu là những đèn có hình dạng các con vật sống trên cung trăng, liên quan đến rằm tháng Tám, như thỏ ngọc, thiềm thừ (cóc 3 chân). Về sau, người ta tạo thêm đèn hình con vật khác như gà, bướm, lợn, ngựa bay… Những chiếc đèn này được tạo dáng, dán giấy, vải và sơn vẽ kỳ công, sống động.

“Tết Trung thu ngày xưa xem ra chỉ thua Tết Nguyên đán một chút thôi. Bao nhiêu năm qua, vì lý do đời sống xã hội thay đổi làm cho truyền thống mai một. Nhưng trong tâm khảm của nhiều người, không khí Trung thu vẫn còn. Trong phần nào tiếc nuối, nhìn lại những chiếc lồng đèn cổ truyền, có lẽ người ta sẽ biết được ít nhiều về không khí Trung thu mà người Việt bao đời đã trải qua, đắm mình trong đó”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách nói.

Trung Thu Hà Nội 1932 - Ảnh tư liệu Bảo tàng Quai Branly, Pháp (do nhà nghiên cứu Trịnh Bách cung cấp)

Một bầu không khí khác

“Có bà cụ gốc làng Báo Đáp bao lâu nay không còn làm đèn Trung thu nữa. Đến lúc vừa nhìn thấy chiếc đèn lồng con thỏ cổ truyền được làm lại đúng cách cũ thì ôm lấy, không giấu nổi xúc động. Đó là cảm xúc ngậm ngùi, là cảm giác được an ủi”. Ấn tượng về bà cụ gốc làng Báo Đáp dẫn câu chuyện của nhà nghiên cứu Trịnh Bách về lại thời điểm mấy năm trước, khi ông đi tìm làng nghề, nghệ nhân làm đèn Trung thu cổ truyền. Ngày xưa, ở Bắc Bộ có nhiều nơi làm đèn Trung thu cho trẻ em, nhưng nổi tiếng nhất có làng Báo Đáp, ở Nam Trực, Nam Định. Theo dòng chảy biến động của văn hóa, làng nghề dần bị đình chỉ. Năm 1954, nhiều người làng Báo Đáp di cư vào Nam, lập ra xóm Phú Bình ở Sài Gòn để tiếp tục làm đèn.

Ngày trước, nghệ nhân làm lồng đèn làng Báo Đáp đa phần dán đèn Trung thu bằng giấy nhiễu, có khi bằng vải, về sau dán bằng giấy bóng kính. Khi vào Sài Gòn, họ theo phong cách và thị hiếu của các nhà buôn Chợ Lớn mà đổi sang hoàn toàn dán đèn lồng bằng giấy bóng kính. Theo phong cách xưa, nhiều lồng đèn còn được gắn thêm lông thỏ và mặt mài kim kính. Nhưng truyền thống cứ thế mai một, đèn Trung thu cổ truyền mất dần theo thời gian, nghề làm đèn cũng thất truyền hơn nửa thế kỷ ở ngoài bắc và mấy thập kỷ ở trong nam. Mặc dù đến dịp, người ta vẫn làm đèn Trung thu, nhưng chỉ với hình thức rất đơn giản.

Chắt nhặt những gì còn được lưu sâu trong ký ức, 2 - 3 năm gần đây, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã hỗ trợ một gia đình làm đèn ở xóm Phú Bình, Tân Phú, TP Hồ Chí Minh làm lại đèn Trung thu cổ truyền. Giữa vô vàn thứ đồ chơi hiện đại, ngoại nhập, thử hỏi những chiếc đèn lồng cổ truyền kia làm thế nào có thể cạnh tranh, thu hút con trẻ? Ông Trịnh Bách tin rằng nét đẹp hấp dẫn, tinh tế của nền văn hóa Việt, trong trường hợp này là đồ chơi Trung thu cổ truyền của dân tộc sẽ làm được điều đó. “Sau bao nhiêu năm vắng bóng, bây giờ thì hình ảnh chiếc đèn Trung thu truyền thống đã được nhiều người biết đến hơn, tìm hiểu nhiều hơn. Có ở Sài Gòn những ngày này mới thấy xóm làm đèn rôm rả đến thế nào, số người đặt mua nhiều đến ra sao từ nam ra bắc… Có lẽ, nên bắt đầu từ ấy mà khơi lên, thắp sáng con đường tìm về nét đẹp truyền thống”.

Hải Đường