Vai trò của đại biểu Quốc hội với kiện toàn các chức danh trong bộ máy nhà nước

Trách nhiệm, bản lĩnh trong quyết định nhân sự được giới thiệu

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 05:32 - Chia sẻ
NGUYỄN THỊ THANH - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương

Vai trò của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được thể hiện trực tiếp ở 4/9 bước liên quan đến quy trình kiện toàn chức danh của bộ máy nhà nước tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa mới nhưng sự tham gia, theo dõi, giám sát của ĐBQH phải được thể hiện ở cả 9 bước. Các ĐBQH phải thể hiện được trách nhiệm, bản lĩnh, sự thẳng thắn, nhất quán trong việc đưa ra nhận xét, quan điểm và quyết định về nhân sự được giới thiệu; cần quan tâm đến chức năng, nhiệm vụ của chức danh đó, tìm hiểu về mối liên quan giữa các yếu tố chủ quan của nhân sự với yêu cầu nhiệm vụ của vị trí, chức danh, phân tích khả năng hoàn thành nhiệm vụ sau khi được Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Việc kiện toàn chức danh của bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội tuy được thực hiện tại một thời điểm (kỳ họp Quốc hội) nhưng muốn người giữ chức danh hoạt động hiệu quả, chất lượng, có đóng góp tích cực vào hoạt động chung của bộ máy nhà nước, cần phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội trong cả nhiệm kỳ. Thông qua giám sát và các hoạt động đại diện (tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, chất vấn, thảo luận tại tổ, tại hội trường đóng góp ý kiến) và các kênh phản biện xã hội, đại biểu Quốc hội cần thể hiện vai trò xuyên suốt của mình bằng quyền kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề nghị xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người đã được Quốc hội bầu, phê chuẩn giữ chức danh của bộ máy nhà nước.

9 bước kiện toàn chức danh của bộ máy nhà nước

Căn cứ Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24.11.2015 về Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội kiện toàn chức danh của bộ máy nhà nước theo trình tự sau:

Bước 1: Chủ thể có thẩm quyền đề nghị, giới thiệu trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Bước 2: Đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (nếu có). Người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

Bước 3: Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan (trong trường hợp bầu chức danh Phó Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể mời Chủ tịch Nước tham dự để trao đổi về các vấn đề có liên quan; trong trường hợp phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên của Chính phủ có thể mời Thủ tướng Chính phủ tham dự để trao đổi về các vấn đề có liên quan).

Bước 4: Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn Đại biểu Quốc hội. Nội dung báo cáo thể hiện được ý kiến thảo luận tại các đoàn về nhân sự và ý kiến của cá nhân đại biểu Quốc hội (nếu có) về nhân sự. Trong trường hợp tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội được phát phiếu xin ý kiến về nhân sự thì trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể nêu kết quả phiếu xin ý kiến.

Bước 5: Chủ thể có thẩm quyền đề nghị, giới thiệu báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (nếu có).

Bước 6: Thành lập Ban Kiểm phiếu. Quốc hội bầu Ban Kiểm phiếu theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội khóa trước. Ban Kiểm phiếu sẽ thực hiện nhiệm vụ trong suốt quá trình. Thành viên Ban Kiểm phiếu không là người trong danh sách để Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Bước 7: Đại biểu Quốc hội biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Việc thiết lập phiếu căn cứ vào địa vị pháp lý của chức danh được bầu hoặc phê chuẩn. Trường hợp chức danh là người đứng đầu hoặc là chủ thể duy nhất trong tổ chức quyền lực nhà nước thì trong phiếu chỉ có nhân sự được giới thiệu vào một chức danh. Trường hợp các chức danh có địa vị pháp lý tương đương nhau thì các nhân sự được giới thiệu giữ các chức danh đó sẽ được ghi chung một phiếu.

Bước 8: Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.

Bước 9: Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu, phê chuẩn các chức danh của bộ máy nhà nước. Một quy trình sau khi hoàn tất các thủ tục nhưng cần được thể hiện dưới hình thức một văn bản pháp lý. Nghị quyết bầu, phê chuẩn được Quốc hội thông qua chính là căn cứ pháp lý để xác định địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của nhân sự giữ chức danh.

Phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội

Trong quy trình Quốc hội bầu, phê chuẩn các chức danh của bộ máy nhà nước nêu trên, vai trò của đại biểu Quốc hội được thể hiện tại bước 2, 3, 7, 9.

Theo đó, tại bước 2, đại biểu Quốc hội thực hiện quyền đại diện cho Nhân dân tham gia vào hoạt động của Nhà nước để giới thiệu hoặc tự ứng cử để giữ các chức danh ngoài danh sách đã được cơ quan có thẩm quyền giới thiệu, đề nghị trình Quốc hội. Quy định này bảo đảm quyền tự do, dân chủ và công bằng về quyền, nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội và phản ánh nguyên tắc dân chủ, bình đẳng trong hoạt động của Quốc hội nói riêng và của bộ máy nhà nước nói chung. Để thực hiện hiệu quả vai trò của mình, các đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu kỹ, đầy đủ, bao quát tiêu chuẩn, điều kiện và trình tự thủ tục (bao gồm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước) quyền đề cử và tự ứng cử với một tinh thần trách nhiệm cao. Chỉ khi đó, việc đề cử, tự ứng cử của đại biểu Quốc hội hiệu quả, thực chất.

Tại bước 3, trong các buổi thảo luận tại Đoàn, các đại biểu Quốc hội có cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến nhân sự được giới thiệu vào các chức danh. Với đặc thù trong công tác nhân sự, quy trình này nhằm phát huy tính dân chủ, vừa bảo đảm nguyên tắc tập trung, tạo sự đồng lòng, thống nhất với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là các nhân sự chủ chốt, nòng cốt của bộ máy nhà nước trong một nhiệm kỳ. Do vậy, vấn đề trao đổi, thảo luận có ý nghĩa quan trọng, không chỉ với mục đích kiện toàn chức danh đó (thông qua việc thực hiện bỏ phiếu tại bước 7), mà còn củng cố niềm tin của Nhân dân và cử tri với nhân sự đó.

Để bảo đảm thực hiện tốt vai trò của mình, các đại biểu Quốc hội cần xem xét kỹ tiểu sử, lý lịch nhân sự được giới thiệu. Bên cạnh hồ sơ được gửi theo quy định, các đại biểu Quốc hội cần chủ động nắm bắt thông tin về nhân sự. Thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí, dư luận của cử tri và hiệu quả hoạt động trong thời gian trước, kế hoạch và khả năng hoàn thành kế hoạch trong thời gian tới của nhân sự để đưa ra thông tin tới các đại biểu Quốc hội trong Đoàn cùng trao đổi, thảo luận. Cần phát huy vai trò của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội để định hướng nội dung thảo luận, kiến nghị đề xuất và mấu chốt là thống nhất quan điểm tập thể của Đoàn Đại biểu Quốc hội.

Tại bước 7, đây là bước quan trọng trong việc quyết định việc một nhân sự cụ thể có được giữ chức danh trong bộ máy nhà nước hay không? Với nguyên tắc miễn trừ và phương thức bỏ phiếu kín, các đại biểu Quốc hội có quyền tự do, tự chủ để đưa ra ý kiến của mình chỉ bằng một hành động: Đồng ý hoặc không đồng ý.

Để bảo đảm thực hiện tốt vai trò của mình, các đại biểu Quốc hội cần thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh, chính kiến nghiên cứu thấu đáo thông qua việc bỏ phiếu. Theo quy định của pháp luật, đại biểu Quốc hội có quyền không thể hiện quan điểm, chính kiến của mình. Tuy nhiên, khi đã thực hiện nhiệm vụ đại biểu, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và cử tri, có trách nhiệm thay mặt cử tri tham gia vào các hoạt động của Nhà nước thì đại biểu Quốc hội “có trách nhiệm” thể hiện quan điểm của mình trước những đề xuất của cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, trường hợp bỏ phiếu kín, những phiếu không thể hiện quan điểm được coi là phiếu không hợp lệ. Dưới góc độ trách nhiệm chính trị với cử tri, đây được xác định là việc đại biểu Quốc hội đã không thực hiện tốt vai trò người đại diện của Nhân dân, thay mặt Nhân dân quyết định lựa chọn các chức danh của bộ máy nhà nước.

Tại bước 9, đây là bước hoàn thiện về thủ tục để một nhân sự cụ thể chính thức được giữ chức danh của bộ máy nhà nước. Nghị quyết bầu, phê chuẩn là căn cứ pháp lý gắn liền với quá trình thực hiện nhiệm vụ của người giữ chức danh. Do vậy, yêu cầu đặt ra để đại biểu Quốc hội làm tốt vai trò này là cần nắm rõ quy định về thể thức văn bản, thông tin, số liệu để bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả về mặt hình thức của nghị quyết.

Vai trò của đại biểu Quốc hội được thể hiện trực tiếp ở 4/9 bước liên quan đến quy trình kiện toàn chức danh của bộ máy nhà nước tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa mới nhưng sự tham gia, theo dõi, giám sát của đại biểu Quốc hội phải được thể hiện ở cả 9 bước. Các đại biểu Quốc hội phải thể hiện được trách nhiệm, bản lĩnh, sự thẳng thắn, nhất quán trong việc đưa ra nhận xét, quan điểm và quyết định về nhân sự được giới thiệu; cần quan tâm đến chức năng, nhiệm vụ của chức danh đó, tìm hiểu về mối liên quan giữa các yếu tố chủ quan của nhân sự với yêu cầu nhiệm vụ của vị trí, chức danh, phân tích khả năng hoàn thành nhiệm vụ sau khi được Quốc hội bầu, phê chuẩn.