Trách nhiệm và cầu thị

- Thứ Ba, 19/01/2021, 06:17 - Chia sẻ

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến tháng 10.2020, đã có 73 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 7 luật, 44 nghị định, 22 thông tư) mà cơ quan này có góp ý đã được ban hành. Trong tổng số 386 ý kiến góp ý thì tỷ lệ tiếp thu của các bộ, ngành là 54,92%, được ghi nhận là đã tăng dần đều trong ba năm trở lại đây và đặc biệt năm 2020, tỷ lệ tiếp thu đã cao hơn hẳn so với hai năm trước với tỷ lệ tương ứng của năm 2018 là 42,51% và năm 2019 là 44,08%. Số lượng các góp ý liên quan đến tính thống nhất, tính hợp lý được tiếp thu cũng cao hơn nhiều so với số lượng ý kiến không được tiếp thu. Trong đó, những góp ý về tính hợp lý - vốn ít nhận được sự đồng tình từ cơ quan soạn thảo nhất do những khác biệt trong quan điểm tiếp cận - thì trong năm 2020, tỷ lệ tiếp thu đã lên tới hơn 50%. Điều này cho thấy, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đã ngày càng được cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe nhiều hơn.

Tuy vậy, nhìn sâu hơn vào các ý kiến được tiếp thu và không được tiếp thu cũng cho thấy nhiều vấn đề. Có đến 46,91% góp ý liên quan đến tính minh bạch của các quy định chưa được tiếp thu, thể hiện trong các văn bản được ban hành. “Đây là điều đáng tiếc khi các góp ý thuộc tiêu chí này thường nhằm làm rõ các quy định, thủ tục, trình tự, thời hạn nhằm tránh nguy cơ nhũng nhiễu từ phía cơ quan thực thi do có “điểm mờ” trong quy định”. Nhấn mạnh điều này, Báo cáo của VCCI cũng chỉ rõ, các nhóm kiến nghị, đề xuất thường không được cơ quan soạn thảo tiếp thu gồm: loại bỏ các thủ tục gây phiền phức, khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện liên thông các thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước; loại bỏ các quy định can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý. Lý do vì sao lại “thường không tiếp thu” các kiến nghị này thì có lẽ ai cũng hiểu.

Mức độ tiếp thu các góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, dù còn hạn chế và theo đó, chưa thể bảo đảm tối đa tính hợp lý, tính thống nhất và minh bạch của các VBQPPL về kinh doanh, nhưng thực ra vẫn là rất tích cực nếu so sánh với các lĩnh vực khác.

Luật Ban hành VBQPPL 2015 đã quy định rất nhiều thủ tục mang tính bắt buộc về lấy ý kiến, phản hồi ý kiến góp ý xây dựng chính sách pháp luật mà các cơ quan đề xuất/soạn thảo chính sách phải thực hiện để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ ngay từ khâu đề xuất chính sách để bảo đảm tính hợp lý, khả thi và thống nhất khi chính sách được ban hành. Tính tuân thủ - về mặt hình thức - của các cơ quan đề xuất/soạn thảo VBQPPL trong việc thực hiện các quy định này đã ngày càng được nâng lên. Dù vậy, thẳng thắn mà nói, về chất lượng lấy ý kiến và phản hồi ý kiến góp ý thì vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực chất.

Đánh giá kết quả thực thi Luật Ban hành VBQPPL khi trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật này cuối năm 2019, Chính phủ cũng thừa nhận, cơ chế huy động trí tuệ của Nhân dân, xã hội vào công tác xây dựng pháp luật chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn. Từ phía cơ quan nhà nước, nhiều cơ quan chưa coi trọng đúng mức việc lấy ý kiến, việc tiếp thu, giải trình, phản hồi đầy đủ ý kiến của nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp của các đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL.

Vì thế, khi thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2020, Quốc hội đã phải bổ sung một số quy định nhằm nâng cao chất lượng tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện về các đề nghị xây dựng VBQPPL và dự thảo VBQPPL. Trong đó, Luật 2020 khẳng định, MTTQ Việt Nam, VCCI, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức, cá nhân “có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng VBQPPL và dự thảo VBQPPL”. MTTQ Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL. Đối với dự thảo VBQPPL đã được phản biện xã hội thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội. Luật cũng nêu rõ: ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL và ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL “phải được nghiên cứu, giải trình, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản”.

Đầu năm nay, để cụ thể hóa các quy định mới của Luật 2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL. Dẫu vậy, về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo VBQPPL, nghị định mới chỉ yêu cầu các cơ quan này phải trả lời bằng văn bản đối với ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Điều này cho thấy, vẫn phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát việc tổ chức lấy ý kiến, tham gia đóng góp ý kiến và trách nhiệm giải trình, phản hồi của cơ quan đề xuất, xây dựng dự thảo VBQPPL đối với ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chừng nào việc giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, MTTQ vẫn tùy thuộc ở cơ quan đề xuất, xây dựng dự thảo VBQPPL như hiện nay thì chừng đó, những lĩnh vực “thường không tiếp thu” như VCCI đã chỉ ra ở trên sẽ vẫn tiếp diễn và gây ra những hệ lụy về tính nghiêm minh của pháp luật.

Hải Lam