Dư âm Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội

Trân trọng và “tận dụng” trí tuệ chuyên gia để quyết sách đúng đắn

- Thứ Bảy, 02/10/2021, 06:28 - Chia sẻ
Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội đã cho thấy sự nhạy bén, sát sao của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là của Lãnh đạo Quốc hội trong việc lắng nghe hơi thở của cuộc sống, biết trân trọng và “tận dụng” trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học để có những quyết sách phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Nhấn mạnh điều này, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cũng cho rằng, Tọa đàm này còn thể hiện sự chủ động, sát cánh của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong điều hành kinh tế - xã hội, nhất là trong thời điểm khó khăn. Không khí “Diên Hồng” đã luôn được thể hiện trong hoạt động của Quốc hội, nhất là từ đầu Khóa XV đến nay, khi mà đại dịch Covid-19 đang đặt ra muôn vàn khó khăn, thử thách.

Có lo lắng nhưng cơ bản vẫn là niềm tin và kỳ vọng

- Theo ông tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Ủy ban Kinh tế và Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi đánh giá rất cao kết quả của cuộc tọa đàm. Mặc dù gọi là “tọa đàm” nhưng tính chất, nội dung, phạm vi và ý nghĩa đã trở thành một diễn đàn để Lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp “hiến kế” cho Quốc hội, cho đất nước. Nội dung cuộc tọa đàm rất rộng, bao gồm cả những vấn đề vi mô đến vĩ mô, cả về kinh tế và xã hội. Tựu chung lại là cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, để bảo đảm cho Việt Nam tiếp tục trên con đường phát triển, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân. 

Cuộc tọa đàm kéo dài đến 12h30 nhưng có thể thấy các đại biểu, các chuyên gia vẫn còn “thòm thèm”, vẫn còn tiếc nuối vì thời gian có hạn mà ý muốn nói, muốn chia sẻ, kiến nghị thì còn nhiều. Qua đó cho thấy sự quan tâm, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đối với sự phát triển của Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện tình cảm, sự quan tâm và mong muốn đóng góp cho hoạt động của Quốc hội. 

Việc tổ chức tọa đàm còn cho thấy sự nhạy bén, sát sao của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là của Lãnh đạo Quốc hội trong việc lắng nghe hơi thở của cuộc sống, biết trân trọng và “tận dụng” trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học để có những quyết sách phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Ý nghĩa của hoạt động này còn ở chỗ đã thể hiện sự chủ động, sát cánh của Quốc hội cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong điều hành kinh tế - xã hội, nhất là trong thời điểm khó khăn. Có thể thấy rằng, không khí “Diên Hồng” đã luôn được thể hiện trong hoạt động của Quốc hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang đặt ra muôn vàn khó khăn, thử thách như hiện nay. 

- Kết quả tọa đàm sẽ đóng góp như thế nào cho hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ Hai tới, thưa ông?

- Tổng thể các ý kiến tại tọa đàm đã dựng nên một bức tranh toàn cảnh Việt Nam hiện nay, trong đó có những điểm trừ, những cực âm và cả sự lo lắng nhưng cơ bản vẫn là niềm tin và sự kỳ vọng vào một tương lai ổn định và phát triển nếu đi đúng hướng, “xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa y tế và kinh tế - xã hội, trong đó cần nhấn mạnh y tế là trụ cột, khoa học công nghệ là then chốt, kinh tế là nền tảng và bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị xã hội là nhiệm vụ thường xuyên” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh. 

Có thể thấy, kết quả của cuộc tọa đàm đã cung cấp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cơ sở khoa học, luận cứ khách quan để quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, nhất là ở khi Kỳ họp thứ Hai với rất nhiều vấn đề sẽ được trình ra Quốc hội trong tháng 10 tới đây.

Trong đó, tôi nhất trí rất cao với quan điểm lớn được Chủ tịch Quốc hội đúc kết tại tọa đàm, đó là, để thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19, chúng ta phải sử dụng tổng hợp các chính sách, phương thức, cách làm, biện pháp phù hợp với tầm nhìn dài hạn, cải thiện năng lực quản trị và tạo ra động lực phù hợp nhằm khuyến khích sự chủ động, khoa học, sáng tạo, hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế. Các chính sách, biện pháp thích ứng với dịch bệnh Covid-19 phải dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tổng thể và có lộ trình phù hợp.

Cùng với đó, vấn đề huy động phân bổ nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tiết kiệm, có hiệu quả và cần phải tính đến cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, tranh thủ tối đa cơ hội để hoàn thiện thể chế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm, nhất là chuyển mạnh sang số hóa, cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như quản trị doanh nghiệp, hướng tới xanh hóa nền kinh tế, hiện đại hóa ngành y tế.

Đây là những quan điểm rất đúng đắn mà Quốc hội và Chính phủ cần xem xét, đưa thành kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép trong tình hình mới. 

Nâng cao năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn

- Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng nêu nhiều đề xuất liên quan đến vai trò, trách nhiệm và đổi mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong thời gian tới. Ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra một số khuyến nghị đối với hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Đơn cử như khuyến nghị tăng cường hơn nữa năng lực về hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng xanh, mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... đặc biệt là việc tăng cường giám sát tổ chức thực thi chính sách, pháp luật. 

Các chuyên gia cũng mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan tới công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tăng cường giải trình tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội về các vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm, những dự thảo chính sách có tác động sâu rộng đối với người dân, nhất là các chính sách về phòng, chống dịch…

Đây là những kiến nghị rất xác đáng và cũng rất phù hợp với chủ trương và yêu cầu của Lãnh đạo Quốc hội, của cử tri và Nhân dân về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhất là trong bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh hiện nay.   

- Như ông chia sẻ, cuộc tọa đàm tham vấn chuyên gia đầu tiên trong nhiệm kỳ Khóa XV đã mang dáng dấp của một Diễn đàn kinh tế - xã hội khoa học, chuyên sâu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thông báo tới đây, Quốc hội sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên. Ông kỳ vọng như thế nào đối với việc tổ chức một diễn đàn ở cấp Quốc hội như vậy?

- Trước đây, chúng ta cũng đã có các Diễn đàn kinh tế mùa Xuân, mùa Thu do Ủy ban Kinh tế tổ chức nhưng tới đây sẽ là Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên do Quốc hội tổ chức, ở cấp độ cao hơn, rộng hơn nhằm nâng cao năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, góp phần tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tôi tin rằng, các Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên của Quốc hội sẽ tiếp tục “chắp cánh” cho những đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2030, triển khai các nghị quyết của Quốc hội nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài nguyên, môi trường, lao động, việc làm, an sinh xã hội... Diễn đàn sẽ góp phần phát huy tối đa, tập hợp đầy đủ trí tuệ, đóng góp không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà còn thu hút, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu hàng đầu trong nước và của các tổ chức quốc tế. Từ đó, sẽ góp phần hình thành các luận cứ khoa học thực tiễn có chất lượng, là đầu vào quan trọng để Quốc hội, Chính phủ tham vấn trong quá trình xây dựng các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật; thu hút sự quan tâm, giám sát của Nhân dân, cử tri đối với các vấn đề mà xã hội quan tâm.

- Xin cảm ơn ông!

Lam Anh thực hiện