Xác định người giữ chức vụ do HĐND bầu không phải là đối tượng áp dụng trách nhiệm kỷ luật hành chính

Tránh bất cập trong giao việc, giao thẩm quyền

- Thứ Hai, 20/09/2021, 04:35 - Chia sẻ
Cần xác định những người giữ chức vụ do HĐND bầu không phải là đối tượng áp dụng trách nhiệm kỷ luật hành chính. Trong trường hợp cần thiết phải xác định một loại hình trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ do cơ quan dân cử bầu thì nên được quy định tại một văn bản riêng, hoặc một điều khoản riêng trong các đạo luật về tổ chức của cơ quan dân cử. Giải pháp này sẽ tránh hiện tượng Chính phủ “giao việc”, “trao thẩm quyền” cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp như bất cập tại Nghị định số 112.

Từ những bất cập trong một nghị định

Ngày 18.9.2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng để xử lý kỷ luật đối với những người do HĐND bầu đã bộc lộ hạn chế, bất cập, không đồng bộ với các văn bản pháp luật đang có hiệu lực.

Theo đó, Khoản 1 Điều 20 và Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 112 lần lượt quy định:“Cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử thì có thẩm quyền xử lý kỷ luật”; Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật....”. Các quy định tưởng chừng có tính logic nhưng lại làm phát sinh vấn đề liên quan đến thẩm quyền xử lý kỷ luật.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 5 Điều 53 Luật Tổ chức Quốc hội, Khoản 6 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (hiện hành), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh; Thường trực HĐND cấp trên phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp dưới. Như vậy, khi thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 20 và Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 112, thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu cử sẽ đồng nhất với thẩm quyền xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của UBTVQH, Thường trực HĐND cho thấy, UBTVQH, Thường trực HĐND không có thẩm quyền xử lý kỷ luật.

Như vậy, Nghị định số 112 đã giao cho UBTVQH, Thường trực HĐND những nhiệm vụ mà Luật không quy định. Cần khẳng định là thẩm quyền của UBTVQH đến đâu là do Hiến pháp và các văn bản do Quốc hội quy định; một nghị định của Chính phủ không thể là căn cứ pháp lý để giao quyền thực hiện cho UBTVQH. Ngoài ra, đây cũng là quy định không phù hợp với tính chất hoạt động của UBTVQH, Thường trực HĐND. Với tư cách là cơ quan thường trực của cơ quan dân cử, cơ quan đại diện, UBTVQH và Thường trực HĐND được xác định là một thiết chế chính trị, không phải là cơ quan hành chính nên không có thẩm quyền ban hành văn bản để xử lý kỷ luật hành chính.

Khoản 2 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức quy định “Cơ quan quản lý cán bộ, công chức” là cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, nâng lương, cho thôi việc, nghỉ hưu, giải quyết chế độ, chính sách và khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, UBTVQH không phải là cơ quan có thẩm quyền quản lý Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh; Thường trực HĐND cấp trên không phải là cơ quan có thẩm quyền quản lý Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp dưới. Trong trường hợp UBTVQH, Thường trực HĐND các cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật sẽ thấy sự mâu thuẫn của Nghị định số 112 khi tách rời thẩm quyền xử lý kỷ luật ra khỏi các thẩm quyền khác trong công tác quản lý cán bộ.

Nên được quy định tại một văn bản, hoặc điều khoản riêng

Có thể thấy, thay vì ban hành một văn bản hướng dẫn chi tiết thì Nghị định số 112 đã cho thấy sự thiếu thống nhất, lúng túng khi cố gắng đặt vấn đề xử lý kỷ luật đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu khi người đó đang đương chức hay đã nghỉ hưu.

Không chỉ riêng khiển trách, cảnh cáo mà ngay cả bãi nhiệm cũng không được xác định là một hình thức xử lý kỷ luật hành chính đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu đã và đang làm việc tại các cơ quan dân cử. Dù được quy định tại Luật Cán bộ, công chức, nhưng bản chất việc bãi nhiệm người giữ chức danh do HĐND bầu không phải là một hình thức xử lý kỷ luật hành chính mà để bảo đảm sự thống nhất về thẩm quyền của HĐND đối với nhân sự do mình bầu ra. Bãi nhiệm (chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ khi chưa hết nhiệm kỳ) bản chất là việc HĐND thể hiện quyền bất tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Khi đó, trình tự thủ tục bãi nhiệm, văn bản pháp lý bãi nhiệm sẽ được áp dụng theo pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử mà không phải theo quy trình hành chính.

Cũng là các chủ thể do HĐND bầu, nhưng việc giao thẩm quyền xử lý kỷ luật của Thủ tướng Chính phủ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh hay của Chủ tịch UBND cấp trên với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới là câu chuyện thuộc phạm vi thứ bậc hành chính, thống nhất với nguyên tắc hoạt động và tuân thủ trình tự, thủ tục hành chính. Khi đem quy trình và thứ bậc đó để áp dụng với hệ thống cơ quan dân cử thì sẽ không tránh khỏi mâu thuẫn, chồng chéo, vì giữa cơ chế dân cử và cơ chế hành chính luôn có sự khác biệt.

Vì vậy, cần xác định những người giữ chức vụ do HĐND bầu không phải là đối tượng áp dụng trách nhiệm kỷ luật hành chính. Trong trường hợp cần thiết phải xác định một loại hình trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ do cơ quan dân cử bầu thì nên được quy định tại một văn bản riêng, hoặc một điều khoản riêng trong các đạo luật về tổ chức của cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND). Giải pháp này sẽ tránh hiện tượng Chính phủ “giao việc”, “trao thẩm quyền” cho UBTVQH, Thường trực HĐND các cấp như bất cập đã nêu tại Nghị định số 112.                        

HẢI LAM