Tránh chồng chéo

- Thứ Năm, 16/09/2021, 10:04 - Chia sẻ
Theo Chương trình Phiên họp thứ Ba, sáng 20.9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự án Luật Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, trước đó, tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ dự án Luật, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “Biện pháp vũ trang là cách thức, phương pháp lực lượng Công an nhân dân sử dụng sức mạnh thể chất và sức mạnh của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” tại khoản 1 Điều 2 (Giải thích ngữ) trong dự thảo Luật này.

Câu hỏi đặt ra là, biện pháp này có áp dụng đối với các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia không? Về vấn đề này, theo Luật An ninh quốc gia có hiệu lực từ ngày 1.7.2005 thì các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia bao gồm: Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị an ninh, tình báo, cảnh vệ Công an nhân dân; Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị bảo vệ an ninh quân đội, tình báo Quân đội nhân dân; Bộ đội biên phòng, cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và khu vực biên giới trên biển (Điều 22) và các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được áp dụng các biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia(1), trong đó biện pháp cuối cùng là “Biện pháp vũ trang” và quy định nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và trách nhiệm áp dụng các biện pháp này do pháp luật quy định (Điều 15).

Qua nghiên cứu cho thấy, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng về nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và trách nhiệm áp dụng “biện pháp vũ trang” do Luật An ninh quốc gia giao (có thể coi là luật gốc về an ninh quốc gia). Do đó, nếu quy định như dự thảo Luật Cảnh sát cơ động thì có thể hiểu nội hàm của “biện pháp vũ trang” này chỉ áp dụng đối với “lực lượng Công an nhân dân” mà không được áp dụng cho các lực lượng chức năng khác (các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia). Theo đó sẽ gây khó khăn thậm chí bó buộc các cơ quan này khi cần phải sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Việc quy định vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong hệ thống pháp luật hiện hànhqua nghiên cứu cho thấy, pháp luật nước ta đã từng bước quy định khá cụ thể và hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại các văn bản quy phạm pháp luật như: Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và các luật khác có liên quan như: Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020… Trong đó, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có thể coi là luật gốc về lĩnh vực này) đã quy định rất cụ thể về: các loại vũ khí (trong đó có vũ khí quân dụng), vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (trong đó có động vật nghiệp vụ); nhất là các đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, nguyên tắc quản lý, sử dụng và các trường hợp được nổ súng quân dụng (theo đó quy định cụ thể về các trường hợp người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng và các trường hợp người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng mà không cần cảnh báo).

Ngoài ra, nội hàm của khái niệm “phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ” và việc quản lý, sử dụng, danh mục các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và cơ quan có thẩm quyền được trang bị cũng thể hiện chưa thống nhất tại một số luật, nhất là đối với các lực lượng thuộc Công an nhân dân, như: Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định về “phương tiện nghiệp vụ chuyên dùng” (Điểm d khoản 2 Điều 14); “phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ” (Điểm b khoản 2 Điều 20) hoặc chỉ có “phương tiện” và giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trang bị phương tiện chung cho lực lượng cảnh vệ thuộc mỗi Bộ. Trong khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Luật Biên phòng Việt Nam giao Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam và của Bộ đội Biên phòng. Tại khoản 3 Điều Điều 22 (Trang bị của cảnh sát cơ động) dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này, theo đó có quy định quy định chi tiết về nội dung cảnh sát cơ động được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao (khoản 2). Ngoài ra, tại nhiều điều, khoản khác của dự thảo Luật chỉ sử dụng cụm từ “Vũ trang”(2) mà không giải thích cụ thể nên không biết có đồng nghĩa với khái niệm “biện pháp vũ trang không?”.

Từ những phân tích bước đầu trên, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu văn bản quy phạm pháp luật không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác và phải có tính khả thi, do đó, cần cân nhắc việc quy định “Biện pháp vũ trang” tại dự thảo Luật Cảnh sát cơ động để không “bó tay” các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia khác trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời cần nghiên cứu, rà soát thống nhất về quy định về “quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ” của cảnh sát cơ động” để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật có liên quan áp dụng đối với các lực lượng chức năng khác.

(1) Gồm: Vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang.

(2) Như: “Vũ trang chống hoạt động phá rối..”, “Vũ trang bảo vệ mục tiêu”, “Vũ trang tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật..”, “vũ trang áp giải bị can, bị cáo; vũ trang bảo vệ phiên tòa, trại giam..”…

Đoàn Phúc Thịnh