Tránh đứt gãy sản xuất nông nghiệp

- Thứ Tư, 04/08/2021, 05:55 - Chia sẻ
Tại cuộc họp với các Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản ngày 3.8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị và địa phương phải chuẩn bị cây, con giống để tránh đứt gãy sản xuất vụ sau. Theo thông tin của Tổ công tác phía Nam, hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải phá bỏ gà giống, chuyển trứng giống thành trứng thương phẩm.

Cung ứng nông sản 2 miền tạm ổn định

Thứ trưởng Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ ở phía Nam cho biết, lượng lương thực, thực phẩm vào TP. Hồ Chí Minh bảo đảm đủ, sản xuất ổn định nhưng lưu thông còn khó khăn. Tổ công tác phía Nam đã tổng hợp khoảng 580 đầu mối cung cấp nông sản. Việc lưu thông hàng hóa đã thông thoáng hơn so với trước, khó khăn chủ yếu ở cấp xã, thôn.

Tuy vậy, 103 trong số 449 cơ sở chế biến thủy sản ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã phải đóng cửa. Một số tỉnh chỉ cho phép các doanh nghiệp chế biến hoạt động nếu đáp ứng được "3 tại chỗ". Hiện có gần 1 phần 3 doanh nghiệp thủy sản đang hoạt động, nhưng công suất cũng chỉ đạt từ 30 - 40%. Lúa Hè Thu vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua. Bên cạnh đó, việc triển khai tiêm vaccine cho công nhân ở các doanh nghiệp chưa đồng đều. Có doanh nghiệp có hàng nghìn công nhân nhưng mới chỉ 1/4 số lao động được tiêm.

Tại phía Bắc, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP. Hà Nội trong thời gian thực hiện giãn cách cơ bản ổn định. Nguồn cung tại hệ thống phân phối (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…) dồi dào, giá ổn định. Đặc biệt, Hà Nội sẽ duy trì 113 kho lạnh sức chứa ước tính 42.000m3, giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản tích trữ hàng hóa. Các sở, ngành chủ động kết nối, nắm bắt danh sách các hợp tác xã thu mua, cung ứng nông sản các tỉnh phía Bắc để bảo đảm chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối không bị đứt gãy.

Ưu tiên vaccine cho chuỗi cung ứng

Để duy trì sản xuất, Tổ công tác phía Nam đề nghị các tỉnh, thành phố bảo đảm nguồn giống cây trồng vật nuôi, tránh bị động. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải phá bỏ gà giống, chuyển trứng giống thành trứng thương phẩm. Nếu không chuẩn bị con giống, 1 - 2 tháng tới có nguy cơ thiếu giống, tăng giá thì người dân lại khó tiếp cận.

Với TP. Hồ Chí Minh, sau khi 3 chợ đầu mối ngừng hoạt động, Tổ công tác và Bộ Công thương đề xuất thành lập các điểm tập kết hàng và khớp nối thời điểm vận chuyển nông sản, bởi rau củ quả khó để lâu ngoài trời. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine cho lao động tại các nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản để tránh ảnh hưởng chuỗi cung ứng.

Tổ công tác phía Bắc cũng cho rằng cần ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lò mổ, nhân viên siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Thời gian tới, để thúc đẩy chuỗi cung ứng, Tổ sẽ tiếp tục làm việc với một số hiệp hội, doanh nghiệp lớn về nông sản, thực phẩm và một số địa phương trọng điểm sản xuất cung ứng nông sản, thủy sản; đồng thời nắm bắt tình hình lưu thông hàng hóa nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành phải cung cấp được thông tin nguồn cung hàng hóa với số lượng, chất lượng bảo đảm để các hệ thống phân phối nhanh chóng kết nối. Việc tháo gỡ khó khăn cần tập trung vào ngành hàng lớn, chủ lực, làm hình mẫu để các địa phương, đặc biệt là Giám đốc các Sở NN - PTNT lấy làm kinh nghiệm để tham mưu, chỉ đạo. Các đơn vị cần làm việc trực tiếp với địa phương để tháo gỡ, giải quyết khó khăn trong thẩm quyền, giảm tình trạng trình các cấp làm mất nhiều thời gian. Cùng với đó, cần làm tốt vai trò của các hiệp hội ngành hàng để phát huy chuỗi sản xuất. Đặc biệt, các đơn vị và địa phương phải chuẩn bị cây, con giống để tránh đứt gãy sản xuất vụ sau, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về việc thương lái không đi thu mua lúa, Bộ trưởng cho rằng vấn đề ở đây là chính quyền địa phương. Tổ công tác phía Nam cần làm việc với các tỉnh để tháo gỡ; đồng thời, nghiên cứu thành lập hiệp hội ngành hàng lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long để tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ cho nông dân.

Hạnh Nhung