Tránh kẽ hở trục lợi chính sách

- Thứ Năm, 06/01/2022, 13:55 - Chia sẻ
Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã đưa ra mức hỗ trợ 2%/năm lãi suất thay vì 4% như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV vừa qua.

Đánh giá về mức hỗ trợ này, Ủy ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến nhất trí, dù vậy cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng. Chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển như việc cải tạo chung cư cũ; xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua; quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn... Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách. Ngoài ra, cần bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ; đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách này cũng như tính toán các rủi ro khác như bất ổn vĩ mô, lạm phát, tỷ giá…

Như vậy có thể thấy, bên cạnh những hiệu quả mà gói hỗ trợ lãi suất đem lại, có thể sẽ có các rủi ro. Thực tế, lãi suất ở nước ta những năm gần đây dù đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng vẫn còn cao so với khu vực khiến doanh nghiệp và hàng hóa khó cạnh tranh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi suất sẽ tạo ra các mặt bằng lãi suất khác nhau, nhất là tạo ra cơ chế “xin - cho” rất khó kiểm soát giữa các ngân hàng thương mại và bên vay, cụ thể là doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lãi suất rẻ? Doanh nghiệp A - có "các mối quan hệ tốt" sẽ tiếp cận dễ dàng hơn so với doanh nghiệp B hay không?

Cần nhắc lại rằng, tại Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội diễn ra hồi cuối năm ngoái, thông tin về gói hỗ trợ lãi suất nhằm kích cầu kinh tế cho 2 năm tới khiến nhiều ý kiến băn khoăn - dù tán thành sự cần thiết phải có gói hỗ trợ. Cụ thể, một đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu gói hỗ trợ này được ban hành, cần rút kinh nghiệm bài học của gói hỗ trợ lãi suất 4% có quy mô 1 tỷ USD thời điểm sau khủng hoảng năm 2009 vì gói hỗ trợ này đã khiến hệ thống ngân hàng gặp không ít khó khăn do nợ xấu. Phải đến khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, những khó khăn này mới dần được giải quyết.

Ý kiến khác thì nhấn mạnh, việc Nhà nước hỗ trợ những doanh nghiệp khó khăn thông qua hỗ trợ lãi suất cần được tính toán phù hợp, không phải đối tượng nào cũng áp dụng được. Bởi nếu ngân sách hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng tiền lãi thì ngân hàng thương mại phải giải ngân 100.000 tỷ đồng. Rủi ro mất vốn sẽ rất lớn nếu ngân hàng thương mại không lựa chọn cấp tín dụng phù hợp, vì vậy chính sách tài khóa trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp cần được ưu tiên áp dụng... Hơn nữa, hiện tín dụng đã ở mức 115% GDP nên để nền kinh tế phát triển lành mạnh, an toàn thì tăng trưởng tín dụng phải được kiểm soát...

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các gói hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế phát triển là đặc biệt cần thiết. Tuy vậy, đi kèm với đó phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh đều có thể tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Tuyệt đối không để vốn vay ngân hàng trở thành tiền gửi nhằm kiếm lợi do chênh lệch lãi suất hoặc "đổ" vào các lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán.

Khương Ninh