Cải cách hành chính ngành giáo dục

Tránh mô hình “nhà nước vú em”

- Thứ Tư, 30/01/2019, 08:16 - Chia sẻ
Năm 2018 chứng kiến nhiều điều chỉnh quan trọng về chính sách trong lĩnh vực giáo dục với việc giảm rào cản trong hoạt động và thu hút đầu tư tư nhân. Mặc dù vậy, theo giới phân tích, vẫn còn không ít quy định bất cập, cần tiếp tục cải cách, đặc biệt tránh mô hình “nhà nước vú em”.

Cởi mở…

Theo Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giáo dục là một trong những lĩnh vực có nhiều văn bản quy phạm được sửa đổi, điều chỉnh thời gian qua, trong đó bãi bỏ nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh. Cụ thể, Nghị định số 135/2018/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ - CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đã bãi bỏ nhiều điều kiện định tính như “được đặt tại khu dân cư phù hợp với quy hoạch chung, thuận lợi cho trẻ em đến trường”, “đủ nguồn lực tài chính”; giảm bớt yêu cầu về số lượng phòng học bắt buộc của trường tiểu học… Còn tại Nghị định 86/2018/NĐ - CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã không yêu cầu giảng viên phải có bằng cấp phù hợp chuyên ngành giảng dạy mà chỉ cần phù hợp với nhóm ngành; bỏ điều kiện 5 năm kinh nghiệm đối với giáo viên nước ngoài tại trường mầm non và phổ thông…


Nguồn: Sở GD - ĐT Khánh Hòa

Việc thu hút đầu tư tư nhân vào giáo dục cũng đã được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quan tâm, làm rõ các quy định liên quan tới nhà đầu tư, trường công lập, trường dân lập, trường tư thục và tư thực hoạt động không vì lợi nhuận. Đồng thời, bảo đảm quyền tự quyết về học phí của cở sở giáo dục ngoài công lập; mở rộng quyền tự quyết về tổ chức nội bộ của các trường ngoài công lập, như cho phép các trường này được tổ chức hội đồng trường linh hoạt hơn và so với các trường công lập, hiệu trưởng được tự bổ nhiệm mà không cần sự công nhận của Nhà nước…

… nhưng chưa nhất quán

Tuy nhiên, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, đại diện nhóm nghiên cứu làm Báo cáo cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng. Ông viện dẫn: Điều kiện về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục vẫn chưa được bãi bỏ triệt để trong Nghị định số 135/2018/NĐ - CP, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất bãi bỏ vì không phù hợp với Luật Quy hoạch. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng vẫn giữ quy định về quy hoạch giáo dục đại học, tức là việc thành lập các cơ sở giáo dục đại học tư thục, tư thục hoạt động không vì lợi nhuận vẫn phải phù hợp Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Đây là trở ngại đối với các nhà đầu tư bởi có không ít trường hợp quy hoạch thiếu minh bạch, thiếu ổn định và khó dự đoán. Còn trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn yêu cầu hiệu trưởng các trường ngoài công lập phải được cơ quan nhà nước công nhận… Từ đó, ông Tuấn cho rằng, “việc thu hút đầu tư tư nhân trong giáo dục dù cởi mở nhưng chưa nhất quán”.

Thêm vào đó, mô hình tổ chức “pháp nhân trong pháp nhân” chưa được xử lý trong Nghị định số 86/2018/NĐ - CP. Cụ thể, đầu tư vào giáo dục cần thành lập trường, là một pháp nhân. Để thành lập trường thì cần thành lập doanh nghiệp, cũng là một pháp nhân. Hệ quả là pháp nhân trường nằm trong pháp nhân công ty (doanh nghiệp), có sự chồng chéo về cơ cấu tổ chức giữa hai pháp nhân (như đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, giám đốc, hiệu trưởng…), không rạch ròi về địa vị pháp lý như quyền sở hữu tài sản, tư cách chủ thể giao kết các hợp đồng trở nên rất phức tạp. “Đáng lẽ ra, hoàn toàn có thể cho phép một trường đồng thời là một doanh nghiệp, tương tự như quy định tại Luật Giáo dục đại học, thì sẽ không gây ra vướng mắc trên”, báo cáo của VCCI nêu rõ.

Nhìn nhận trong 20 - 30 năm trở lại đây, “bước tiến lớn nhất là chúng ta mạnh dạn xác lập giáo dục công lập, giáo dục tư thục” và hiện “giáo dục tư ngày càng phong phú, đa dạng”, song chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương cũng đồng tình với nhóm nghiên cứu của VCCI khi cho rằng, còn nhiều vấn đề ­­­­­chưa được giải quyết thỏa đáng, trong đó có tư cách pháp nhân. Ông phân tích, pháp luật không rõ doanh nghiệp là trường học hay trường học là trường học. Vấn đề này liên quan đến tranh chấp tại Trường Đại học Hoa Sen cũng như ở nhiều trường khác. Ở Nhật, doanh nghiệp là doanh nghiệp, trường học là trường học. Nếu anh thành lập trường học thì trường được coi là một pháp nhân, một thực thể có địa vị pháp lý. Còn doanh nghiệp có thể tài trợ tiền cho trường học, nhưng phân biệt rất rõ ràng. “Trong tương lai, không sớm thì muộn phải tiến tới pháp nhân trường học là trường học” - ông Vương kiến nghị.

Tốt nhất là kiểm định độc lập

Từ thực tế hoạt động giáo dục tư hiện nay, bên cạnh làm rõ pháp nhân trường học, theo giới phân tích, Nhà nước cần rạch ròi trong hỗ trợ khu vực tư cũng như thực sự tôn trọng tính tự chủ của giáo dục tư thục. Theo đó, Nhà nước nên hỗ trợ đầu tiên bằng cơ chế pháp lý, thừa nhận, bảo đảm cho giáo dục tư phát triển. Tiếp đó là hỗ trợ về thuế, thậm chí miễn thuế; hỗ trợ qua học phí của học sinh; hỗ trợ về sách giáo khoa. Kinh nghiệm ở Nhật cho thấy, Nhà nước trợ giúp một phần học phí đối với giáo dục tư nên con nhà nghèo cũng có thể học trường tư, đặc biệt là giáo dục bắt buộc (từ lớp 1 đến lớp 9), đồng thời miễn phí sách giáo khoa cho học sinh các lớp này. Bên cạnh đó, Nhà nước đã công nhận tự chủ về tổ chức và nhân sự nhưng cũng cần tự chủ về nội dung và phương pháp giảng dạy. “Nếu không có điều này thì giáo dục tư không có hoặc có rất ít ý nghĩa”, chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương nói.

Hiện vẫn tồn tại tư duy quản lý đối với các dịch vụ giáo dục ngoài công lập là quá trú trọng vào sự kiểm soát của Nhà nước thông qua các quy định can thiệp sâu, chưa trao quyền tự quyết cho người học. Đương nhiên, Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm chất lượng giáo dục tối thiểu với giá cả tương xứng cho người dân, nhưng không nên vì thế mà trở thành mô hình “Nhà nước vú em”. Các chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất là Nhà nước nên tập trung vào các quy định yêu cầu kiểm định độc lập, khách quan, trung thực và công khai, minh bạch thông tin về chất lượng dịch vụ, giá cả, để từ đó học sinh và phụ huynh tự quyết định chọn dịch vụ phù hợp nhất. Điều này sẽ làm tăng tính cạnh tranh cho các trường, đồng thời buộc giáo viên phải tự đổi mới, nỗ lực hơn để phục vụ học sinh tốt hơn.

Đan Thanh