Tránh tình trạng gian lận doanh thu

- Thứ Sáu, 30/10/2020, 09:35 - Chia sẻ
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 (Luật PPP) được Quốc hội thông qua đã quy định về cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu để giảm thiểu rủi ro cho dự án PPP, đặc biệt các rủi ro do từ những thay đổi từ phía chính sách của Nhà nước. Đây là một cơ chế mới, rất quan trọng và nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân.

Điều 82, Luật PPP năm 2020 quy định về chia sẻ tăng, giảm doanh thu như sau: Khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính; Khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế.

Theo đó, đối với những dự án PPP có doanh thu vượt 125%, doanh nghiệp sẽ chia sẻ một nửa phần tăng doanh thu để Nhà nước có thêm nguồn tài chính đầu tư trở lại nền kinh tế, hạ tầng, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Ngược lại, nếu doanh thu thực tế thấp hơn 75% thì Nhà nước sẽ chia sẻ 50% mức chênh lệch giữa 75% doanh thu. Đây là cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp khi có những thay đổi từ phía Nhà nước, giúp tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam. Như vậy, khi thực hiện cơ chế chia sẻ rủi ro, người dân sử dụng dịch vụ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Có thể thấy, khi Luật PPP chính thức có hiệu lực, quy định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, Nhà nước và người dân sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, nếu không có quy định hướng dẫn cụ thể có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp lách luật để gian lận doanh thu để không phải chia sẻ doanh thu với Nhà nước hoặc để được Nhà nước chia sẻ doanh thu với mình. Đáng nói hơn, nếu trong hợp đồng không quy định rõ về nghĩa vụ báo cáo doanh thu và các khoản nào sẽ được tính vào doanh thu dự án sẽ gây khó khăn cho Kiểm toán nhà nước trong quá trình kiểm toán phần tăng giảm doanh thu dự án.

Thêm vào đó, nếu trong trường hợp doanh nghiệp cố tình kê khai doanh thu thực tế thấp hơn 75% doanh thu dự kiến trong năm tài chính để được Nhà nước chia sẻ doanh thu sẽ gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp không đủ năng lực dẫn đến tình trạng doanh thu trong nhiều năm liền thấp hơn 75% doanh thu dự kiến ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của dự án.

Liên quan đến thanh toán chia sẻ rủi ro, hiện chưa có quy định về các tài liệu mà doanh nghiệp dự án cần chuẩn bị, thời gian để cơ quan ký kết hợp đồng chấp thuận chia sẽ rủi ro và cơ quan nào có thẩm quyền thanh toán? Thêm vào đó, trong trường hợp quỹ dự phòng của dự án không đủ để thanh toán thì sẽ sử dụng nguồn ngân sách nào để thực hiện chi trả. Đáng lưu ý, hiện cũng cần có quy định về thứ tự thanh toán ưu tiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên và dễ phát sinh tranh chấp nếu quá trình thanh toán không rõ ràng.

Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng gian lận doanh thu, bảo đảm quyền lợi của các bên khi được Nhà nước chia sẻ rủi ro, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cần hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ về cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu. 

Nguyễn Ngân