Tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu...

- Thứ Sáu, 30/07/2021, 07:42 - Chia sẻ
Bộ Công thương vừa đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì quy định Danh mục hàng hóa thiết yếu.

Lý do là bởi dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa.

Bên cạnh đó, dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Y tế và Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu nhưng do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện các văn bản tại một số địa phương khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng còn gặp khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông.

Ngoài đề xuất này, Bộ Công thương cũng đã có văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Cụ thể, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND cấp tỉnh, thành phố cho phép lưu thông khi thực hiện Chỉ thị 16 đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu. Theo đó, danh mục được Bộ Công thương đề xuất gồm nhóm thực phẩm, nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; nhóm nhiên liệu, năng lượng; các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Thực tế, thời gian qua tại Hà Nội và 19 tỉnh phía Nam đã và đang xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa, trong đó có cả hàng thiết yếu. Bởi vậy, Chính phủ chỉ đạo phải cho các phương tiện chở hàng hoá thiết yếu lưu thông, nhưng hàng hoá thiết yếu là những mặt hàng nào thì mỗi địa phương lại hiểu một kiểu, từ đó dẫn đến việc thực hiện cũng khác nhau.

Cần nhấn mạnh rằng, hàng hóa thiết yếu không chỉ là lương thực, thực phẩm mà gồm nhiều loại hàng hoá khác. Hơn nữa, nếu theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì ngành nghề nào không bị cấm thì người dân được phép kinh doanh. Như vậy hiển nhiên những hàng hoá không nằm trong danh mục cấm thì được phép lưu thông. Do đó có thể hiểu bản chất đề xuất của Bộ Công thương là kiến nghị cho hàng hoá lưu thông bình thường, không phân biệt thiết yếu hay không thiết yếu, không cần “luồng xanh” vì một số mặt hàng có thể dễ dàng phân biệt là thiết yếu hay không nhưng có mặt hàng rất khó phân biệt, thậm chí là đầu vào cho sản xuất hàng hóa thiết yếu lại bị ách tắc khi vận chuyển.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, những vướng mắc, lúng túng trong thực hiện một số quy định dẫn đến ách tắc lưu thông hàng hóa là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều quan trọng là các cơ quan chức năng đã nhìn nhận được vấn đề là do đâu, từ đó có những đề xuất để tháo gỡ, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề còn lại cần sớm có danh mục cụ thể để các địa phương có cơ sở thực hiện, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu như hiện nay.

Ninh Khương