Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực đầu tư

- Thứ Ba, 13/07/2021, 06:16 - Chia sẻ
Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Việc tiếp tục thực hiện chương trình này được cơ quan thẩm tra đánh giá có nhiều thuận lợi, vì bộ máy, nguồn nhân lực đã được vận hành trong nhiều năm qua, nhận thức của người dân về lợi ích của Chương trình đã có nhiều chuyển biến và hầu hết đều tích cực hưởng ứng tham gia. Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện Chương trình này cũng cần được đánh giá, cân nhắc kỹ, tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực đầu tư.
Xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019
Nguồn: ITN

Phát huy hiệu quả “nguồn vốn mồi”

Từ năm 2016, khi giám sát chuyên đề về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình) gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bên cạnh những kết quả tích cực, nhiều hạn chế trong thực hiện cũng đã được Quốc hội chỉ rõ. Và 5 năm sau đó, quá trình thực hiện Chương trình đã có nhiều thay đổi, được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước, có nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được thực hiện. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể là kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng; hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn hơn; nợ đọng xây dựng cơ bản được xử lý. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được rà soát, sửa đổi phù hợp hơn. Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh so với 5 năm trước. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đã đề ra; 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Một chuyển biến khác sau 5 năm tiếp tục thực hiện Chương trình là nguồn lực từ ngân sách nhà nước được bố trí đầy đủ. Theo báo cáo của Chính phủ, vốn cân đối nguồn lực từ ngân sách địa phương đạt hơn 243 nghìn tỷ đồng, vượt 1,87 lần chỉ tiêu Quốc hội giao. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, Chương trình đã huy động các nguồn lực khác như: Vốn tín dụng đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp đạt hơn 285 nghìn tỷ đồng, huy động người dân và cộng đồng đóng góp khoảng 139 nghìn tỷ đồng... Với những kết quả tích cực nêu trên, Ủy ban Kinh tế nhận định, vốn ngân sách nhà nước cho chương trình đã phát huy hiệu quả vai trò của “nguồn vốn mồi” thu hút các nguồn lực khác trong xã hội để xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020 đã cơ bản hoàn thành. Song, khu vực nông thôn vẫn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi phải tiếp tục có sự quan tâm đầu tư để vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, gắn với đô thị hóa nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân vùng nông thôn so với giai đoạn trước cũng phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết, nhất là trong điều kiện đang có nhiều thuận lợi, khi bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện đã được vận hành trong nhiều năm qua, người dân tích cực hưởng ứng tham gia.

Tránh trùng lặp hoặc bỏ sót đối tượng

Theo Tờ trình của Chính phủ, để tránh trùng lặp giữa ba chương trình mục tiêu quốc gia, sẽ tách bạch rõ địa bàn các xã thực hiện đầu tư. Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ thực hiện tại 1.551 xã. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững thực hiện tại 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện tại  6.516 xã.

Nhưng phạm vi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn xác định bao gồm tất cả các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mặt khác, cơ cấu nguồn lực huy động lại được lồng ghép vào các chương trình, với dự kiến vốn lồng ghép với hai chương trình mục tiêu quốc gia còn lại và các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 224.080 tỷ đồng (chiếm 8,6%). Do mỗi chương trình có phạm vi và đối tượng khác nhau, nên với cơ chế như vậy, Ủy ban Kinh tế chỉ ra nguy cơ vừa khó khăn trong quá trình phân bổ, đánh giá, vừa khó tránh khỏi sự trùng lặp hoặc bỏ sót trong thực hiện nếu không có sự chỉ đạo, điều phối tập trung, thống nhất.

Một sự trùng lặp khác khiến cơ quan chủ trì thẩm tra lo ngại, đó là các nội dung thực hiện tại cùng địa bàn nông thôn như: hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện các mô hình phát triển sản xuất... Sự trùng lặp này là do chưa thống kê, làm rõ được chính xác đối tượng, địa bàn và cụ thể hóa được nội dung hỗ trợ, đầu tư đến từng đối tượng cụ thể và trách nhiệm cụ thể của từng chương trình. Do đó, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững đều không trình bày rõ nguồn lực đầu tư để thực hiện mục tiêu giải quyết nhà ở cho người dân.  

Một vấn đề khác cần quan tâm khi xem xét Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là tổng mức đầu tư của ngân sách Trung ương cho chương trình được đề xuất khoảng 51.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, ngân sách trung ương sẽ bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng cho chương trình, bằng 62,7% số vốn dành cho giai đoạn 2016 - 2020.

Tờ trình của Chính phủ dự kiến nguồn vốn lồng ghép là 224.080 tỷ đồng trong đó có 104.954 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 50.000 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, trong dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi dự kiến chỉ được phân bổ 50.000 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững dự kiến chỉ được phân bổ 20.000 tỷ đồng. Lượng vốn đầu tư công dự kiến phân bổ cho hai chương trình mục tiêu quốc gia còn lại thấp hơn nhiều so với đề xuất của Chính phủ.

Sự trùng lặp về phạm vi hay nội dung thực hiện tại khu vực nông thôn có thể khắc phục bằng sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ của cơ quan điều phối. Nhưng không thể phủ nhận, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động kinh tế, xã hội của nước ta sẽ bị ảnh hưởng, qua đó khiến việc tăng chi ngân sách nói chung, tăng chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi đó, phân bổ ngân sách nhà nước sẽ phải có một cách nhìn khác, phù hợp với điều kiện mới hiện nay, không chỉ bố trí nguồn lực đầu tư thực hiện, phạm vi tác động mà từng nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Lê Bình