Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương

Tránh từ bất cập chuyển thành thái quá

- Thứ Năm, 16/05/2019, 08:10 - Chia sẻ
Sau hơn ba năm có hiệu lực thi hành, đến ngày 30.1.2019, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được hướng dẫn thực hiện tại Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14. Đồng thời với việc hướng dẫn thi hành Luật, Luật sửa đổi, bổ sung cũng đang được xây dựng để trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy tới. Qua nghiên cứu Luật cho thấy, Bộ Nội vụ đã lắng nghe những vướng mắc, hạn chế của Luật để tiếp thu, sửa đổi, nhưng một vấn đề đặt ra là sửa đổi như thế nào để tránh tình trạng từ bất cập chuyển sang thái quá. Đơn cử như vấn đề thẩm quyền của Thường trực HĐND trong giải quyết những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp.

Vừa mừng, vừa lo

Có thể nói, một trong những vấn đề chính quyền địa phương quan tâm nhất trong sửa đổi Luật hiện nay là thẩm quyền của Thường trực HĐND, cụ thể hơn là thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Luật hiện hành không quy định thẩm quyền này nhưng thực tế, để kịp thời giải quyết những vấn đề trong công tác điều hành, UBND vẫn xin ý kiến và Thường trực HĐND các địa phương vẫn cho ý kiến xử lý các vấn đề này. Có nghĩa là Thường trực HĐND vẫn cho ý kiến để bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần các nghị quyết đã được HĐND thông qua. Lĩnh vực phát sinh cho ý kiến chủ yếu là đất đai, tài chính, đầu tư, xây dựng.


Thường trực HĐND Đồng Nai họp liên tịch thống nhất nội dung chương trình Kỳ họp thứ 9
Ảnh: Lê Lài

Sở dĩ Luật không quy định nhưng vẫn thực hiện là vì chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì địa phương vẫn vận dụng văn bản hướng dẫn cũ. Đó là Nghị quyết 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2.4.2005 về việc ban hành Quy chế hoạt động của HĐND. Mà văn bản hướng dẫn cũ có quy định về thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND. Một số địa phương ngay từ kỳ họp thứ Nhất của nhiệm kỳ đã ban hành Nghị quyết về quy chế hoạt động của mình, trong đó HĐND trao quyền cho Thường trực HĐND ngay tại quy chế để làm cơ sở triển khai thực hiện. Ngày 19.10.2017, Ban Công tác đại biểu của UBTVQH có văn bản hướng dẫn số 191/UBTVQH14-CTĐB hướng dẫn về cách thực hiện để Thường trực HĐND cho ý kiến. Đây là cơ sở để Thường trực HĐND các địa phương thống nhất thực hiện.

Đến ngày 15.3 này, Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 có hiệu lực thi hành thì có thể nói thẩm quyền của Thường trực không thể vận dụng theo văn bản 191/UBTVQH14-CTĐB trên được nữa. Bởi lẽ, Nghị quyết đã khẳng định rõ: “Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa hai kỳ họp thường lệ của HĐND thì Thường trực HĐND tự mình hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu HĐND quyết định triệu tập kỳ họp bất thường của HĐND để xem xét, quyết định”. Quy định trên làm Thường trực HĐND vừa mừng, vừa lo. Mừng vì không còn phải gánh những trách nhiệm quá nặng nề, nhưng lo là không biết mình có bị đánh giá là máy móc, làm cản trở công tác điều hành ở địa phương hay không khi chuyện gì cũng chờ kỳ họp.

Quy định cụ thể để tránh lạm dụng và lạm quyền

 Theo Dự thảo Luật, việc xác định tổng số đại biểu HĐND ở các loại hình đơn vị hành chính sẽ giảm khoảng trên 13%. Tỷ lệ trên là tương đối cao trong khi các quy định khác về giảm biên chế thì tỷ lệ giảm áp dụng ở mức 10%. Do đó, để có sự thống nhất trong các tỷ lệ giảm đồng thời tránh sự hụt hẫng về số lượng đại biểu HĐND các nhiệm kỳ sau, nên quy định giảm 10% là phù hợp.

Bất cập của Luật trong vấn đề nêu trên là thiếu quy định nên khó khăn cho các địa phương trong thực hiện, đồng thời dẫn đến tình trạng chủ quan của UBND và lạm quyền của Thường trực khi cho ý kiến xử lý những vấn đề rất lớn, quan trọng mà lẽ ra phải trình HĐND. Nhưng khi hướng dẫn thi hành Luật lại có biểu hiện thái quá, bởi lẽ đã bỏ hẳn thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Thường trực thay mặt HĐND xử lý công việc trong thời gian HĐND không họp. Sở dĩ nói thái quá là vì đã gọi là xử lý vấn đề phát sinh thì diễn ra thường xuyên, bên cạnh đó có những vấn đề nhỏ, không cần thiết phải tổ chức cả một kỳ họp bất thường để quyết định như điều chỉnh nguồn vốn nhỏ nhưng dư hoặc chưa kịp thực hiện từ dự án A sang dự án B; địa phương C sang địa phương B; chuyển kinh phí từ nguồn E sang F…

Tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam Bộ tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng vào ngày 25.2.2019, nhiều địa phương đã lên tiếng về sự bất cập của quy định “chờ đến kỳ họp” hiện nay và phân vân không biết HĐND sẽ phải tổ chức bao nhiêu kỳ họp bất thường trong năm mới đủ để giải quyết các vấn đề phát sinh?

Thiết nghĩa, quy định HĐND có thể ủy quyền cho Thường trực HĐND cấp mình thực hiện nhiệm vụ là một quy định cần thiết để đúng với chức năng và tên gọi của cơ quan Thường trực của HĐND. Vấn đề đặt ra là khi hướng dẫn cần có những quy định cụ thể để tránh lạm dụng và lạm quyền.

KHÔI NGUYÊN