Thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư 2 Chương trình mục tiêu quốc gia

Trao quyền nhiều hơn cho địa phương

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 05:12 - Chia sẻ
Thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, nội dung của các chương trình đều đúng và trúng, nhưng còn có sự trùng lặp nhất định. Do đó, cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chủ trì, nhằm sử dụng hiệu quả kinh phí, tránh phân tán nguồn lực. Đặc biệt, cần phân cấp, trao quyền nhiều hơn cho địa phương trong tổ chức thực hiện.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh):
Khắc phục tư duy "chạy theo" trong giảm nghèo

Ảnh: Hồ Long

Trong các nhóm giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, cần xác định tỷ lệ tham gia của người dân trong câu chuyện thoát nghèo thế nào, không chỉ dựa vào ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội khác. Như vậy mới có được trách nhiệm của người nghèo trong giảm nghèo bền vững, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, xóa bỏ tình trạng “nghèo bền vững” hay “nghèo luân phiên”. Thực tế có nhiều địa phương thoát nghèo năm nay nhưng sang năm quay lại nghèo. Cần phải có giải pháp mang tính đột phá hơn bởi tư duy giảm nghèo hiện vẫn là “chạy theo”, phải tính đến việc “đi trước đón đầu”. Ví dụ, trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, không nên dừng lại ở việc đưa đối tượng là người nghèo ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, mà phải quan tâm tới việc trang bị ngoại ngữ, kỹ năng nghề và bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn lao động... Có như vậy, việc đi trước đón đầu của người lao động Việt Nam mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế.

Trong 5 tiểu dự án, có tới 4 tiểu dự án liên quan tới đào tạo nghề. Tuy nhiên, 4 hoạt động của tiểu dự án thứ nhất đều dành cho cơ sở đào tạo nghề. Thực tế tại những vùng nghèo và huyện nghèo chỉ có vài trung tâm đào tạo nghề; trong khi đó, các ngành, nghề đào tạo cho người nghèo chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Một số đơn vị, doanh nghiệp phải đi rất xa mới tìm được lao động. Do đó, Nhà nước cần đào tạo theo nhu cầu và đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nên đầu tư cho người học, không nhất thiết phải đầu tư cho các cơ sở đào tạo, tập trung vào đối tượng học, bảo đảm người nghèo sau khi được đào tạo nghề, ra trường có việc làm ngay.

ĐBQH Nguyễn Hữu Đông (Sơn La):
Đẩy nhanh tiến độ, không để người dân chờ lâu

Ảnh: P.Thủy

Các nội dung của 2 Chương trình đều đúng và trúng, nhưng vẫn có sự trùng lặp nhất định về địa bàn, đối tượng và nội dung thực hiện. Do đó, Ủy ban Xã hội đã đề nghị cần nghiên cứu kỹ, rà soát để tránh trùng lắp đối tượng, nội dung, dẫn tới tình trạng có nơi hưởng nhiều chương trình, nơi không được hưởng.

Cả 2 Chương trình đều đã được thực hiện trong giai đoạn vừa qua. Các tỉnh, thành phố đều thành lập ban quản lý cũng như hệ thống quản lý đến từng xã. Do vậy, khi triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 nên chọn một số tỉnh làm “điểm” để tổng kết, đánh giá hiệu quả, sau đó nhân rộng sẽ mang lại hiệu quả thực hiện cao hơn. Thực tế cho thấy, kinh phí thực hiện các Chương trình này phân bổ về địa phương thường lắt nhắt; các dự án, chương trình mục tiêu nhỏ, nếu không tập huấn, hướng dẫn kỹ lưỡng sẽ dễ "mất" cán bộ.

Chính phủ nên thành lập một Ban chỉ đạo chung cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đây sẽ là phương thức quản lý hợp lý nhất. Trong triển khai thực hiện cần mạnh dạn phân cấp cho cấp huyện làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công vào các xã, nếu Ban Dân tộc tỉnh “ôm” hết sẽ khó đảm nhiệm.

Các chương trình mục tiêu quốc gia cần được đẩy nhanh tiến độ triển khai, tránh để người dân phải chờ lâu. Cơ chế thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia cần điều chỉnh theo hướng Trung ương không làm thay địa phương. Trung ương chỉ xây dựng khung tiêu chí, cơ chế và tiến hành giám sát, đánh giá sau khi thực hiện; giao địa phương tùy tình hình tổ chức thực hiện. Cơ chế này sẽ đáp ứng được đòi hỏi về tính kịp thời và cấp bách. Ngược lại, do giới hạn thời gian thực hiện, nếu vướng mắc về hướng dẫn, quy trình, thủ tục thì sẽ khó đạt được hiệu quả cao khi đến giai đoạn cuối.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế):
Phối hợp hiệu quả giữa ba chương trình

Ảnh: T. Chi

Sự cần thiết thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia như Chính phủ báo cáo Quốc hội là hết sức cần thiết. Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ có ba chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng thời gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, so sánh về nội dung thì thấy rằng nội hàm các dự án, tiểu dự án trong ba chương trình khá trùng nhau. Nếu không phân tích, luận giải kỹ thì rất khó thực hiện.

Mặt khác, thực tiễn triển khai các chương trình trước đây cũng cho thấy, phân bổ nguồn lực không đồng bộ. Giai đoạn 2010 - 2015, nguồn lực để thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo cơ bản đáp ứng được một phần và không tăng. Đến giai đoạn 2016 - 2020, chủ trương của Nhà nước là tăng 1,5 lần đối với các định mức đầu tư. Tiếc là chúng ta đã không thực hiện được và “nhỡ” trong việc lên kế hoạch, lên danh mục đầu tư xây dựng ở các địa phương, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, dẫn đến tình trạng nợ vốn ứng trước cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Với việc triển khai đồng thời ba chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Trong đó, nguồn ngân sách từ Trung ương ít hơn trong khi cân đối từ ngân sách địa phương lại rất lớn. Với định mức đầu tư và lộ trình ngân sách như vậy, liệu ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương có bảo đảm được không, nhất là trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay?

Mặc dù nội dung của các dự án, tiểu dự án trong các chương trình có thể trùng lặp, nhưng chức năng, vai trò, trách nhiệm của mỗi chương trình khác nhau. Chính vì thế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ba cơ quan chủ trì ba chương trình mục tiêu quốc gia này cần có cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện, nhằm bảo đảm việc thực hiện ba chương trình hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, thời gian.

T.Chi - P.Thủy - H.Long ghi