Trên "chuyến tàu 4.0"

- Chủ Nhật, 01/11/2020, 08:18 - Chia sẻ
Thế giới đang chuyển từ giai đoạn tự động hóa sang thông minh hóa. Các robot thông minh thế hệ 4.0 có đầy đủ “bắp thịt” và “trí tuệ” để hoàn thành tất cả công việc từ nặng nhọc đến tỉ mỉ và khéo léo, có thể thay thế con người trong mọi lĩnh vực sinh hoạt xã hội - từ sản xuất đến các dịch vụ trong cuộc sống hàng ngày.

Việt Nam không thể bỏ lỡ "chuyến tàu 4.0" nếu muốn tham gia vào thị trường cạnh tranh toàn cầu và hội nhập vào thế giới mà khoa học kỹ thuật phát triển với vận tốc chóng mặt. Các nhà máy thông minh và thành phố thông minh sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ tiến trình kinh tế - xã hội trong tương lai, đưa đất nước vào giai đoạn mang tính bước ngoặt đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn chiến lược, phải đề ra những chính sách phát huy được cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực. Các nhà máy thông minh sẽ khiến hàng nghìn, triệu người mất việc; xã hội bị phân hóa vì sự bùng nổ của các giá trị vật chất và sự phân phối lợi nhuận không đồng đều - những vấn đề này đã xảy ra ở tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp trước nhưng mức độ trầm trọng sẽ tùy vào từng quốc gia.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 3.0 ở thập niên 50 - 70 của thế kỷ trước, các nước châu Âu đã tự động hóa toàn bộ sinh hoạt xã hội từ các phương tiện sản xuất đến dịch vụ và đã đưa số người thất nghiệp từ 2% ở thập niên 70 lên trên 10% đầu thế kỷ XXI. Cùng giai đoạn này, Nhật Bản chủ yếu tập trung tự động hóa các phương tiện sản xuất và thành công với các sản phẩm thống trị thị trường thế giới nhờ chất lượng và giá cạnh tranh cao như Toyota, Sony, Honda, Canon… Tuy nhiên, tốc độ tự động hóa các dịch vụ trong xã hội ở Nhật Bản thấp hơn so với châu Âu. Xe lửa và metro của Pháp và Nhật Bản đều tối tân, mức độ tự động hóa ngang nhau nhưng số người làm việc ở các nhà ga Paris ít hơn vì người bấm vé tàu, người điều hành… bị thay thế bằng máy bấm, camera... Trong khi đó, các nhà ga ở Nhật vẫn duy trì sự có mặt của người bấm vé, nhân viên điều hành… để giảm bớt số người mất việc và giữ tính “nhân bản” cho xã hội. Đây là một trong những lý do tỷ lệ thất nghiệp của Nhật chỉ tăng từ 2% thập niên 70 thế kỷ trước lên 4% đầu thế kỷ này.

Sự so sánh giữa châu Âu và Nhật Bản có thể làm chúng ta suy nghĩ trong kế hoạch triển khai Cách mạng 4.0. Cách mạng 4.0 cũng đặt Việt Nam vào trong sự lựa chọn tương tự. Một mặt, cần thông minh hóa nhanh chóng các phương tiện sản xuất để chinh phục thị trường thế giới và tăng trưởng kinh tế, tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP); mặt khác phải chế ngự sự bùng phát của thất nghiệp và khủng hoảng xã hội vì khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn.

Việt Nam cần phải có một chính sách sử dụng và phân phối lợi nhuận thu được từ những nhà máy thông minh để trở thành quốc gia giàu mạnh, đáng sống và nhân bản, vì mục đích cuối cùng của tăng trưởng GDP là để nâng cao cuộc sống người dân. Trong hướng đi này, chúng ta nên tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và giao thông bằng những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ số và tăng cường các đội ngũ chuyên môn để đáp ứng sự hài lòng của người dân, để các thành phố Việt Nam trở thành những thành phố “đáng sống” và “nhân bản”.

Nông thôn là nguồn tài nguyên lớn nhất của đất nước và có thể là nơi cung cấp rất nhiều việc làm, thu hút những người bị mất việc ở các khu công nghiệp nếu cơ khí hóa và công nghệ số được áp dụng vào các hoạt động ở nông thôn để cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống và nhất là ứng phó hiệu quả với thiên tai. Hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và bây giờ là lũ lụt khủng khiếp đang xảy ra ở miền Trung nhắc nhở chúng ta phát triển bền vững đất nước với tầm nhìn dài hạn. Cách mạng Công nghiệp 4.0 phải được đặt lên hàng chiến lược quốc gia.

Cách mạng Công nghệ 4.0 có thể sẽ giúp kinh tế Việt Nam cường mạnh hơn nhưng sẽ bỏ rơi nhiều người bên lề đường và xã hội sẽ bị phân hóa vì khoảng cách giàu nghèo sẽ quá lớn. Khoa học và công nghệ đang chiếm ưu thế trên mọi lĩnh vực, ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới. Có lẽ các nhà xã hội học, nhà giáo dục, nhân văn học, kinh tế gia… cũng cần tham gia thảo luận để giúp Việt Nam tìm được một sự phát triển quân bình và có thể chấp nhận được nếu mọi người đều có việc làm, giúp xã hội xác định giá trị đạo đức trước sự bùng nổ của các giá trị vật chất. 

TS. Khương Quang Đồng (Pháp)