Xây dựng TP. Gò Công trở thành trung tâm đô thị phía Đông tỉnh Tiền Giang

- Thứ Năm, 25/04/2024, 13:51 - Chia sẻ

Sau nhiều nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thị xã Gò Công chính thức trở thành TP. Gò Công. Thời gian tới, TP. Gò Công tiếp tục xây dựng, phát triển xứng tầm là trung tâm đô thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang.

Nỗ lực đưa Gò Công lên thành phố

Xây dựng Thành phố Gò Công trở thành trung tâm đô thị phía Đông tỉnh Tiền Giang
Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh

Ngày mai, 26.4, Lễ công bố Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập TP. Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang chính thức được tổ chức.

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch UBND thị xã Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết, công tác chuẩn bị cho lễ công bố đã hoàn tất. Ngoài phần lễ theo nghi thức chung của Nhà nước, địa phương còn tổ chức phần hội với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao và bắn pháo hoa để chào mừng…

Theo Chủ tịch UBND thị xã Gò Công Giản Bá Huỳnh, việc thành lập TP. Gò Công là nguyện vọng của toàn thể Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Tiền Giang nói chung và thị xã Gò Công nói riêng. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của nhiều nhiệm kỳ, nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang về lãnh đạo, xây dựng thị xã Gò Công trở thành TP. Gò Công, cả hệ thống chính trị tại địa phương đã tập trung công tác tuyên truyền, quán triệt đến đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân và doanh nghiệp để thông suốt và đồng thuận cao. Qua đó cùng chung sức thực hiện các tiêu chí, đóng góp vật chất, tinh thần nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng thành phố.

Xây dựng Thành phố Gò Công trở thành trung tâm đô thị phía Đông tỉnh Tiền Giang
Xây dựng TP. Gò Công trở thành trung tâm đô thị phía Đông tỉnh Tiền Giang

Việc thực hiện đề án sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập TP. Gò Công đúng vào thời điểm Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 được ban hành và có hiệu lực. Do đó, Gò Công là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện nghị quyết này.

Hiện, các địa phương khác đang thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính nhưng Gò Công đã sắp xếp xong. Trước đây thị xã Gò Công có 12 đơn vị hành chính, sau khi sắp xếp đã giảm còn 10 đơn vị hành chính. Trong đó, sáp nhập 4 phường thành 2 phường và thành lập thêm 4 phường mới là Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hoà.

Cùng với việc sắp xếp đơn vị hành chính, Gò Công đã hoàn thành việc sắp xếp bộ máy làm việc tại các đơn vị; sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư; sắp xếp trụ sở công, tài sản công; đang thực hiện lộ trình thay đổi trên 800 con dấu, thay đổi tên đường, tên các khu phố, tên trường học,…

Theo Chủ tịch UBND thị xã Gò Công Giản Bá Huỳnh, Gò Công là vùng đất được khai phá từ thế kỷ XVII, có giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời, giàu truyền thống cách mạng. Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Gò Công không ngừng phát triển, tập trung huy động mọi nguồn lực, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của Trung ương, của tỉnh để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định, đạt được nhiều kết quả theo cơ cấu kinh tế: thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp

Gò Công đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III vào năm 2017; đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2013-2015, 2016-2020; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Sau khi trở thành thành phố, Gò Công sẽ là đô thị hạt nhân vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang; là cửa ngõ thứ 2 để tiếp nhận sự phát triển kinh tế từ TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chủ tịch UBND thị xã Gò Công Giản Bá Huỳnh chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là một người con sinh ra và lớn lên tại Gò Công nên từ lâu đã rất mong muốn Gò Công trở thành thành phố. Tôi cũng là người trực tiếp tham gia xây dựng đề án này. Ngày 19.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 31 thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập TP. Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, với kết quả 100% đại biểu tán thành thống nhất thông qua, có hiệu lực từ ngày 1.5, tôi vô cùng phấn khởi vì trách nhiệm và sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Gò Công đã được công nhận. Cá nhân tôi cũng hoàn thành được nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và cấp trên giao”.

Nhiều kế hoạch xây dựng, phát triển TP. Gò Công

Xây dựng Thành phố Gò Công trở thành trung tâm đô thị phía Đông tỉnh Tiền Giang
Nhiều kế hoạch xây dựng và phát triển TP. Gò Công trong thời gian tới

Theo Chủ tịch UBND thị xã Gò Công Giản Bá Huỳnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Gò Công xác định, thành lập TP. Gò Công mới chỉ là dấu mốc quan trọng, bước đầu trong hành trình phát triển đô thị Gò Công. Phải kiên trì cố gắng để đuổi kịp, sánh vai cùng các đô thị khác trong khu vực và cả nước.

Do đó, trong thời gian tới, TP. Gò Công sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đô thị theo tinh thần Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị trên các mặt (quy hoạch, hạ tầng, kiến trúc, kinh tế, văn minh, nâng cao chất lượng sống đô thị); tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục thực hiện xây dựng TP. Gò Công trở thành đô thị văn minh - hiện đại – thông minh – xanh – sạch – đẹp và bền vững. Ở đó có hạ tầng hiện đại, có bộ máy chính trị trong sạch vững mạnh và người dân có trình độ dân trí cao, kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, đời sống nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Cụ thể, trên cơ sở quy hoạch của tỉnh Tiền Giang, TP. Gò Công sẽ rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp để phát triển. Rà soát kỹ những tiêu chí đạt chưa cao để đề ra các giải pháp thiết thực, có lộ trình cụ thể như: tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị gắn với chỉnh trang và mở rộng không gian đô thị; thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; thúc đẩy xúc tiến, mời gọi đầu tư hình thành các dự án khu đô thị, khu dân cư và nhà ở xã hội…để mở rộng không gian 4 phường mới được thành lập; đẩy mạnh đầu tư công mở rộng hạ tầng giao thông, nâng cấp các trường học đủ tiêu chuẩn…vừa đáp ứng được các tiêu chí xây dựng thành phố vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Chủ tịch UBND thị xã Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết, vừa qua, Uỷ ban Pháp Luật và Ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có những góp ý đối với về việc các tiêu chí về đất giáo dục, đất cây xanh, đất công trình công cộng của địa phương còn thấp, TP. Gò Công sẽ đề nghị tỉnh Tiền Giang đưa vào quy hoạch điều chỉnh từng bước có lộ trình bằng nguồn lực của tỉnh, để cho Gò Công đạt chuẩn theo quy định, xứng tầm hơn.

Với sự phát triển hiện nay, Gò Công đang có rất nhiều lợi thế khi trở thành thành phố, trung tâm đô thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang, mọi nguồn lực các nơi đã có dấu hiệu quan tâm nhiều hơn và mong muốn được đầu tư tại địa phương. TP. Gò Công sẽ tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng mũi nhọn là thương mại – dịch vụ, công nghiệp, sẽ giảm diện tích đất nông nghiệp xuống và hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

“Trên chặng đường mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gò Công sẽ tiếp tục giữ vững truyền thống đoàn kết; phát huy vị thế, tiềm năng sẵn có; tích cực chủ động, tự lực, tự cường; tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương và của tỉnh; phát huy mọi nguồn lực, để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tạo bước chuyển mới toàn diện, xây dựng TP. Gò Công văn minh, hiện đại xứng tầm là đô thị hạt nhân vùng kinh tế đô thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang”, Chủ tịch UBND thị xã Gò Công Giản Bá Huỳnh khẳng định.

Nguyễn Tuấn
#