Sắc xuân trên quê hương “Thủ đô” cách mạng

- Chủ Nhật, 11/02/2024, 08:36 - Chia sẻ

Khi mùa xuân lấp ló bên đầu núi, đậu trên cành đào, cành mận và phủ màu non xanh mơn mởn trên những cánh rừng già cũng là lúc không khí rộn ràng đón xuân tràn ngập khắp nơi trên quê hương cách mạng Tuyên Quang - “Thủ đô khu giải phóng”. Kỳ vọng mùa xuân mới thật nhiều thịnh vượng, an khang để Tuyên Quang tăng tốc, bứt phá trong năm “nước rút” của nhiệm kỳ; tạo nền tảng hiện thực hóa khát vọng trở thành “tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”.

Ngày mới ở Nà Chác

Thôn Nà Chác nằm bên bờ vùng hồ thủy điện Na Hang, huyện Na Hang, đường về thôn phải đi qua 2 cây cầu lớn, men theo vùng hồ cả chục cây số. Sau khi di dân để làm thủy điện, Nà Chác là thôn duy nhất không phải bố trí tái định cư và được sáp nhập về xã Năng Khả. Toàn thôn có 142 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Dao đỏ. Trước đây, thôn nằm ở vị trí khá biệt lập, đường giao thông kết nối chỉ là những con đường mòn đi xuyên rừng.

Vốn là thôn nằm vị trí cao nhất của vùng, từ khi có hồ thủy điện, Nà Chác trở thành một vùng bán sơn thủy; người dân thay đổi tập quán canh tác, tận dụng nguồn nước để làm ruộng và có thêm nghề mới là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Diện mạo của Nà Chác đã thực sự thay đổi mạnh mẽ kể từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần đoàn kết, người dân trong thôn đã đóng góp xây dựng được Nhà văn hóa thôn lớn nhất vùng, chi phí lên đến trên 700 triệu đồng. Bí thư Đảng ủy xã Vũ Văn Tuấn chia sẻ, Nà Chác hơn chục năm trước là bản người Dao nhiều khó khăn, lạc hậu nhưng nay đã trở thành thôn điểm của xã về xây dựng nông thôn mới nâng cao…

Về Nà Chác, bên bếp lửa bập bùng, những người cao niên say sưa kể cho những vị khách phương xa truyền thuyết vua Thuổng. Núi Phia Chác là đỉnh núi cao nhất trong thôn, bên trong quả núi hiện vẫn chứa đầy cát và những vết thuổng đào sâu trong lòng núi. Truyền thuyết nói rằng đây là nơi ở của vị vua Thuổng. Vua Thuổng có đội quân rất hùng mạnh thường hay cướp bóc, sát hại dân lành. Vua Thuổng bắt dân trong vùng đem nộp da trâu bện thành một cây cầu nối từ núi Phia Chác đến núi Ngựa tận bên phía Nà Ta (xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình) để khỏi phải đi vòng xuống thung lũng.

Không cam chịu áp bức, người Tày, người Dao trong vùng tìm cách trừ khử vua Thuổng bằng đổ muối vào đầu cầu da trâu. Muối ăn mòn làm cho cầu yếu dần. Rồi đến một ngày dân trong vùng tổ chức văn nghệ nhảy múa hát hò linh đình, sân khấu ngay dưới chân cầu. Vua Thuổng và quân kéo đến, đứng cả ở trên cầu mà xem. Cầu sập... Thắng lợi này nhờ có sự đoàn kết, mưu trí của người Tày, người Dao trong vùng. Người Nà Chác thường nhắc đến truyền thuyết này để nói lên sức mạnh của tinh thần đoàn kết.

Ở Nà Chác còn có 2 di tích rất quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Đó là địa điểm khai thác, sản xuất diêm tiêu cung cấp cho xưởng Quân khí H52 và Di tích Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương. Đây là địa điểm tổ chức in tiền đầu tiên của Nhà nước.

Đường lớn đã mở

Chia tay những người dân hồn hậu Nà Chác, chúng tôi tìm về với Khu di tích Tân Trào, Sơn Dương - nơi được xem là “trái tim Thủ đô Khu giải phóng”. Những người dân nơi đây lại kể những câu chuyện về giúp nhau phát triển kinh tế hộ, cùng kể cho nhau nghe câu chuyện về Bác Hồ trong những năm tháng sống và làm việc tại Tuyên Quang…

Câu chuyện vẫn cứ nối tiếp câu chuyện, trên gương mặt của những người dân đều hiện hữu niềm hân hoan và chút hoài niệm khi mùa xuân đang về. Văng vẳng dưới chân núi Hồng, những câu thơ chúc Tết được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhân dịp Tết Nhâm Thìn tại Tân Trào ngày 24.1.1952 lại được vang vọng “Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta/ Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân”…

Mùa xuân đã ngập tràn trên đất trời xứ Tuyên. Năm 2023 đã khép lại với hàng loạt tin vui với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc toàn tỉnh. Dù đối diện với không ít khó khăn, thách thức song bằng quyết tâm cao độ, tỉnh đã đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn  (GRDP) tăng 7,46% so với năm 2022 (xếp thứ  2/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, thứ nhất trong 11 tỉnh miền núi phía Bắc và 18/63 tỉnh, thành phố); GRDP bình quân đạt trên 56 triệu đồng/người/năm... Tỉnh đã tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các dự án kinh doanh, như: Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Danko, Tập đoàn Flamigo... Lĩnh vực du lịch cũng có nhiều khởi sắc với 2.650 nghìn lượt khách, đạt 106% kế hoạch; doanh thu từ du lịch đạt trên 3.200 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch...

Công tác đối ngoại được triển khai linh hoạt, trọng tâm là ngoại giao kinh tế, hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển. Các hoạt động giao lưu, hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được mở rộng và tăng cường với Nhật Bản, Lào, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Pháp, Singapore... 

Đặc biệt, niềm vui đón năm mới dường như được nhân lên khi cao tốc Tuyên Quang - Hà Nội kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khánh thành. Khởi công xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; hoàn thành và khởi công nhiều công trình lớn như: đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn; đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi suối khoáng Mỹ Lâm… Cùng với tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng được nối liền thì ở vùng sâu, vùng xa bao cây cầu, bao tuyến đường mới khang trang ngày một hiện hữu. Đường lớn đã mở, tất cả đã tạo cho vùng đất quê hương cách mạng diện mạo mới khang trang, đàng hoàng hơn…

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm, những kết quả đó là kết tinh của tinh thần dám nghĩ, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt hành động vì lợi ích chung; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, vào cuộc quyết liệt của HĐND, UBND tỉnh; sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc toàn tỉnh.

Dù vậy, tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt thấp so với mục tiêu; tiến độ thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách còn chậm… Mặt khác, một bộ phận cán bộ, công chức còn có tâm lý nể nang, né tránh, sợ trách nhiệm; việc nắm tình hình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở có việc còn bị động; một số vấn đề bức xúc của cử tri, Nhân dân chưa được giải quyết kịp thời…

Trên cơ sở đánh giá toàn diện các kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc toàn tỉnh Tuyên Quang quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024. Qua đó, tạo tiền đề vững chắc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; sớm hiện thực hóa khát vọng đưa Tuyên Quang trở thành “tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”. Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, dự toán thu ngân sách ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, vốn tín dụng và thị trường tiêu thụ hàng hóa; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng…

Mùa xuân đang về trên quê hương cách mạng, tiếng đàn tính hòa với giai điệu Then mượt mà đằm thắm; tiếng chuông, tiếng nhạc trống Sành rộn ràng, vui tươi; tiếng Páo Dung trầm bổng, da diết; vũ điệu khèn Mông say đắm... Hòa vào âm vang của núi rừng là màu sắc sặc sỡ trên trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông, Dao, Tày, Cao Lan, Nùng... Tất cả tạo nên một bức tranh mùa xuân đầy sức sống nơi miền quê cách mạng.                                           

  BÁCH HỢP
#