Tri ân và lan tỏa

- Thứ Sáu, 30/07/2021, 05:46 - Chia sẻ
Với mong muốn truyền tải những hình ảnh chân thực, câu chuyện xúc động, đặc biệt là tinh thần quả cảm, anh hùng của những người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm xưa, để thế hệ hôm nay thêm trân quý và biết ơn họ, đạo diễn, NSƯT Phạm Lê Nam thực hiện chương trình “Chuyện của lính Vị Xuyên”, phát đều đặn vào 20 giờ 30 thứ sáu hàng tuần trên Youtube, mỗi tập phim có chủ đề riêng.
Các tập phim sẽ được phát vào 20 giờ 30 thứ sáu hàng tuần trên Youtube

Từ những câu chuyện xúc động

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra từ rạng sáng ngày 17.2.1979 và kéo dài suốt 10 năm tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang. Vị Xuyên - một huyện của Hà Giang nằm sát biên giới Việt - Trung là mảnh đất hứng chịu nhiều đau thương, tổn thất nhất. Chỉ tính từ năm 1984 - 1989, nơi đây có ngày phải hứng trọn khoảng 2 triệu quả đạn pháo từ phía quân xâm lược. Hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và đến nay hài cốt các anh vẫn nằm lại trên các khe đá, thung sâu, rừng núi..., để những người lính hôm nay vẫn day dứt khi nghĩ về đồng đội, về ký ức đau thương mà hào hùng.

Với cựu chiến binh chiến trường Vị Xuyên, Đại tá Nguyễn Lư (86 tuổi), nguyên Sư trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng, ký ức về những ngày chiến đấu tại cao điểm 1509 chiến trường Vị Xuyên vẫn thường trực trong ông. “Tháng 2.1985, tôi được điều động theo Trung đoàn 981 và 982 hỗ trợ mặt trận Vị Xuyên từ điểm cao 1.200m trở xuống. Trên các cao điểm 226, 233, 685, 772... hai bên giằng co nhau từng tấc đất. Địa hình núi cao, dốc đứng, đá tai mèo lởm chởm, đạn pháo của ta và địch thi nhau cày xới suốt ngày đêm. Không biết bao chiến sĩ đã ngã xuống để giữ từng tấc đất trên mặt trận này”.

Đại tá Nguyễn Lư kể, có nhiều câu chuyện xúc động về đồng đội ông tại mặt trận Vị Xuyên, như có đồng chí hăng đánh địch đến khi chúng phải kéo cờ đầu hàng; hay một chiến sĩ thông tin mặc dù bị thương vẫn “thà chết chứ không thể để mất liên lạc” khi dây điện đàm liên tục bị pháo bắn đứt…

Bắt đầu từ câu chuyện của những nhân chứng, những cựu chiến binh như Đại tá Nguyễn Lư, đạo diễn Phạm Lê Nam đã lấy đó làm chất liệu chính cho các tập phim trong chương trình “Chuyện của lính Vị Xuyên”. “Cuộc chiến bảo vệ biên cương đất nước không màng đến tính mệnh, xem sự hy sinh là lẽ thường tình, đã làm tôi thực sự xúc động. Khi thực hiện những thước phim này, tôi muốn truyền tải, lan tỏa tinh thần quả cảm và lòng yêu nước của họ đến với thế hệ trẻ, để mỗi lần nghĩ đến những con người đã hy sinh tại đây, họ sẽ thấy như là một Bạch Đằng, một Chi Lăng trong lịch sử vậy”.

Đề tài nhiều cảm hứng sáng tạo

Đạo diễn Phạm Lê Nam kể, anh có nhiều dịp lên chiến trường Vị Xuyên, ban đầu do gia đình có liệt sĩ hy sinh năm 1987 trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. “Tôi may mắn được gặp nhiều cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, cảm nhận tình đồng đội nơi họ. Điều này giúp tôi có được nhiều thước phim xúc động tại đây, song dường như làm mãi vẫn chưa thấy đủ, bởi có quá nhiều chất liệu giá trị cho cuộc sống hôm nay”.

Đã có nhiều câu chuyện xúc động về tình đồng đội của những người lính Vị Xuyên. Có người theo lời trăng trối của đồng đội trước khi mất đã tìm về quê bạn, đứng ra chăm lo cho gia đình họ. Có người hơn 30 năm qua, năm nào cũng đến nhà đồng đội đã khuất thắp cho bạn nén nhang. Hay như Đại tá Nguyễn Lư và các cựu chiến binh đã quyên góp, vận động, đặc biệt là cựu chiến binh Sư đoàn 3 sao vàng Nguyễn Công Chiến đã đóng góp 1,5 tỷ đồng, xây dựng nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên, chính là ngôi nhà chung trên điểm cao, để bạn mình đỡ hiu quạnh… Đạo diễn Phạm Lê Nam còn được chứng kiến chuyện của ngày hôm nay, những người lính từng vào sinh ra tử ở Vị Xuyên gặp lại nhau trong thời bình, sống nghĩa tình, không quản ngại đỡ đần nhau và người thân của nhau. 

"Một trong những người gây dựng cảm hứng cho tôi là nhạc sĩ Trương Quý Hải, tác giả các ca khúc 'Về đây đồng đội ơi', 'Thư gửi mẹ'… đã được sử dụng trong các tập phim. Mỗi lần về Vị Xuyên, cầm guitar hát các bài hát này, tất cả chúng tôi cùng khóc. Chúng tôi như nhìn thấy những cánh bướm bay về, cảm giác âm dương giao hòa, yêu thương dâng trào giúp tôi có động lực tiếp tục thực hiện các thước phim về những con người đã lặng lẽ hy sinh ấy”, đạo diễn Phạm Lê Nam chia sẻ.

Câu chuyện của những người lính Vị Xuyên rất nhiều, mà thời lượng để phát trên các kênh truyền hình không đủ, vì vậy đạo diễn Phạm Lê Nam đã quyết định đưa các tập phim lên kênh Youtube. “Tôi sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật, từ điện ảnh (phim tài liệu, phim truyện), đến sân khấu (kịch, ca múa nhạc), để dẫn dắt các câu chuyện một cách hài hòa, chân thực, xúc động nhất, sao cho khán giả khi xem phim thấy cảm phục, biết ơn các anh hùng liệt sĩ, nhân rộng lòng yêu nước, nhất là trong thời điểm đất nước đang trải qua những ngày cam go chống dịch Covid-19. Tôi tin rằng, với tinh thần như cựu chiến binh Vị Xuyên, luôn quả cảm, đoàn kết, yêu thương và đùm bọc nhau, chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch”.

“Chuyện của lính Vị Xuyên” sẽ được phát đều đặn vào 20 giờ 30 thứ sáu hàng tuần, mỗi tập phim có chủ đề riêng, thời lượng từ 15 - 30 phút. Tập 1 phát ngày 27.7, mang tên "Câu chuyện về ngôi nhà chung trên điểm cao" kể về những lần thăm lại các điểm cao chiến trường Vị Xuyên của cựu chiến binh từng chiến đấu tại đây; về quá trình góp gạch xây dựng Đài tưởng niệm 468 (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên), nơi giao thoa của nghĩa tình đồng đội để người còn sống và cả những người đã ngã xuống có nơi chốn đi về. Đạo diễn Phạm Lê Nam cho biết, chủ đề các số tới dự kiến là "Chuyện về những người mẹ", "Anh đi tuổi thanh xuân ở lại", "Tình yêu của người lính"...

Hương Sen