Quốc hội Việt Nam

Trí tuệ, bản lĩnh, luôn đổi mới để ngày càng hoàn thiện

- Thứ Sáu, 03/09/2021, 07:43 - Chia sẻ
Nhìn lại lịch sử hơn 75 năm qua, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội nước ta luôn gắn bó, đồng hành với dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Mỗi khóa Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà Nhân dân giao phó, thực hiện đúng chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Một trong những dấu ấn đó, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là “Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, tranh luận, thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn, thiết thực và trách nhiệm. Những chuyển biến, tiến bộ này xuất phát từ đòi hỏi của thực tế khách quan, đồng thời thể hiện Quốc hội luôn có ý thức tự đổi mới để ngày càng hoàn thiện mình”.

Là cơ quan đại biểu đại diện cao nhất của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra, vậy nên ý thức “tự đổi mới”, tự hoàn thiện mình để có thể đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của cử tri và Nhân dân luôn là yêu cầu tự thân của Quốc hội. Qua từng nhiệm kỳ, ý thức “tự đổi mới để ngày càng hoàn thiện mình” càng được kế thừa, tiếp nối và nhân lên gấp bội.

	Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV Ảnh: Trí Dũng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV
Ảnh: Trí Dũng

Những quyết đáp chưa có tiền lệ

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, bùng phát mạnh tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam và có nguy cơ lan rộng. Khi Quốc hội đang họp thì Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Trong điều kiện ngặt nghèo như vậy, với tinh thần chủ động cùng ý thức “tự đổi mới”, không chủ quan, thỏa mãn, hay tự bó buộc mình bởi nội dung chương trình đã thông qua, Quốc hội đã kịp thời có những điều chỉnh linh hoạt để hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc “đồ sộ” của Kỳ họp thứ Nhất trong thời gian ngắn kỷ lục 9 ngày (rút ngắn 8 ngày so với dự kiến). Đồng thời, lại bổ sung được nội dung mới rất cấp bách vào nghị quyết chung của kỳ họp, trao cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt, khác với quy định pháp luật hiện hành, để có thể ứng phó kịp thời và tổ chức phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất[1]. Đây cũng là nội dung cốt lõi nêu trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Nhất (Nghị quyết số 30/2021/QH15). “Quốc hội lần đầu tiên cũng chưa có tiền lệ, vừa có sáng kiến lập pháp tức thời, vừa trình Quốc hội cho bổ sung chương trình, vừa xin chủ trương của Bộ Chính trị, vừa thảo luận, vừa biểu quyết trong mấy ngày, với sự đồng thuận rất cao”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết. Một Nghị quyết có nội dung rất quan trọng, cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, nhưng từ lúc “thai nghén” cho đến khi xin bổ sung chương trình và biểu quyết thông qua gói gọn trong 3 ngày. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần chủ động, quyết đoán và vận dụng thành công nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Quốc hội như đánh giá của cử tri về kết quả Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới.

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đã lây lan ra rất nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, thì việc ban hành Nghị quyết này là hết sức cần thiết, cấp bách, và càng ngày càng cho thấy, đây là nghị quyết “hết sức có giá trị, đưa vào thực tiễn rất nhanh”. Vì sao lại khẳng định như vậy, bởi lẽ, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách và được ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Kết quả của những quyết đáp kịp thời, nhạy bén này chính là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Và, những biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách này đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương triển khai áp dụng một cách linh hoạt nhằm ứng phó có hiệu quả hơn với diễn biến nhanh của dịch bệnh. Mới đây nhất, với tinh thần Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, có lẽ cũng là chưa có tiền lệ, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã được thành lập, có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, n ghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thiết thực hơn, Tổ công tác còn có nhiệm vụ nghiên cứu, tham gia ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về những giải pháp cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19, bảo đảm “ra quyết định quyết đoán, quyết liệt, kịp thời, thận trọng, chắc chắn, đúng mục đích, đúng đối tượng, thiết thực, đúng quy định của pháp luật, tạo đồng thuận và hiệu quả toàn diện khi triển khai”. 

Chắc chắn, Quốc hội phải đập nhịp đập trái tim của Nhân dân, thở hơi thở của thực tiễn cuộc sống, cùng ý thức luôn “tự đổi mới”, vượt lên mọi khó khăn, thử thách của hoàn cảnh, thì mới có được những quyết đáp kịp thời và quyết đoán như vậy. Lý lẽ thật giản dị nhưng cao cả, không gì khác hơn, đó là bởi sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Người dân đang gồng mình vật lộn với đại dịch, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc tích cực, khẩn trương với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thì không cớ gì, Quốc hội - cơ quan đại biểu đại diện cao nhất cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân lại “đứng ngoài cuộc”.

Có lẽ phải nhìn nhận những quyết đáp “không có trong chương trình dự kiến ban đầu” của Quốc hội nhiệm kỳ mới ở “lát cắt” như vậy mới thẩm thấu rõ hơn sự nhạy bén chính trị cũng như trách nhiệm cùng nỗ lực vượt bậc của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất dưới sự chỉ đạo, điều hành, dẫn dắt của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong bối cảnh khó khăn hiện nay. “Thấm thía” cách điều hành của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chia sẻ rất thật, mộc mạc đậm chất “bộ đội Cụ Hồ” rằng, “vai trò của người đứng đầu rất quyết liệt, từ khi chỉ đạo các cơ quan làm và từ sau kỳ họp đến nay, đồng chí liên tục bám sát tất cả các cơ quan Quốc hội để đôn đốc cho các phiên họp của Ủy ban Thường vụ này và chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Hai - tôi cho cách làm việc này rất hiệu quả… Người chủ trì mở hướng rồi thì chúng tôi thấy làm việc sướng trong lòng”.

Kịp thời trong điều chỉnh chương trình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, quyết đoán khi bổ sung nội dung chưa có tiền lệ vào Nghị quyết chung của Quốc hội nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, của Nhân dân chỉ là một số trong những kết quả mà Quốc hội Khóa XV đã làm ngay trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, thể hiện rõ nét tinh thần, ý thức luôn “tự đổi mới để ngày càng hoàn thiện mình” của Quốc hội. Tự hào hơn, những cải tiến, đổi mới và kết quả đó được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đồng tình, đánh giá cao.

Kỳ họp thứ Hai phải tốt hơn Kỳ họp thứ Nhất…

Cùng với những quyết đáp mang tính “giải quyết tình huống cấp bách trước mắt” như vậy, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn có những cải tiến, đổi mới theo chiều sâu, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng trên các lĩnh vực hoạt động, bao quát toàn diện cả ở lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Một trong những cải tiến, đổi mới đó là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên nghe báo cáo và thảo luận về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tại phiên họp thứ Hai, tháng 8.2021). Đáng chú ý, kể từ phiên họp tháng 9, công việc này sẽ được duy trì đều đặn hàng tháng tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với yêu cầu cao hơn, do Chủ tịch Quốc hội trực tiếp “gợi mở và giao nhiệm vụ”, đó là Ban Dân nguyện báo cáo, tham mưu việc giám sát những vụ việc nổi cộm và việc phân loại, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài ở Trung ương và địa phương. Đây cũng là cải tiến chưa có tiền lệ.

Mục đích của cải tiến, đổi mới này, theo Chủ tịch Quốc hội, trước hết là đôn đốc để Chính phủ, các cơ quan chức năng của Chính phủ tập trung giải quyết, vụ việc nào của Trung ương thì Trung ương giải quyết, vụ việc nào của địa phương thì địa phương giải quyết và phải gắn rõ trách nhiệm, xem “anh” giải quyết như thế nào và báo cáo lại Quốc hội. Qua giải quyết “anh nào sai, anh nào đúng phải xử lý cho rõ ràng, phân minh thì mới có chuyển biến được”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.  

Liên quan đến nội dung này, Bộ Chính trị đã có Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18.2.2019 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Đấy là về mặt Đảng, còn về Nhà nước, luật pháp cho công tác này cũng được ban hành khá đầy đủ. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, “vấn đề bây giờ là làm cho nghiêm sẽ tạo ra sự chuyển biến. Hoạt động của Quốc hội phải thực chất”. Công tác giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với vấn đề này phải “tạo ra được bước chuyển biến rõ rệt, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, tập thể và cá nhân, “anh nào không làm sẽ xử lý anh đấy…”.

“Là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội cần phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới”. Yêu cầu và gửi gắm này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã, đang được hiện thực hóa ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ mới dưới sự chỉ đạo sát sao, trách nhiệm, quyết đoán của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và chắc chắn sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Nghị trường là không gian hoạt động rất dân chủ, rất đoàn kết và mang tinh thần đổi mới rất toàn diện, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Mới qua kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, song có thể cảm nhận rõ tinh thần và đặc thù này. Quốc hội đã và đang tiếp tục kế thừa, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, dân chủ trong tổ chức và hoạt động. “Tôi phải dùng từ là "khát khao cống hiến", “khát khao đổi mới” của đại biểu Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cả Quốc hội nói chung để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Khẳng định điều này, nhưng đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, “yêu cầu mới đặt ra là chúng ta không bao giờ được phép lơ là, chủ quan, thỏa mãn. Nhân dân và cử tri rất rộng lượng nhưng đòi hỏi rất cao. Chúng ta không chủ quan, không thỏa mãn cái gì đã làm tốt hết rồi”.

Thành công của Kỳ họp thứ Nhất sẽ là tiền đề, động lực rất quan trọng cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ Khóa XV. Chặng đường phát triển vẻ vang 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội Việt Nam luôn khẳng định là nơi tập trung trí tuệ, bản lĩnh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri, ở giai đoạn cách mạng nào cũng luôn đồng hành với dân tộc, hoàn thành sứ mệnh và trọng trách của mình. Nhưng trước đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống luôn luôn vận động và phát triển cùng yêu cầu ngày càng cao của cử tri và Nhân dân với cơ quan đại biểu đại diện cao nhất, thì Quốc hội đã đổi mới rồi phải đổi mới hơn nữa. Kỳ họp thứ Hai phải tốt hơn Kỳ họp thứ Nhất... Tinh thần này cùng những định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất tiếp tục được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng kết Kỳ họp thứ Nhất và chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Hai cũng như trong các cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội…

Trên nền tảng ý thức luôn “tự đổi mới để ngày càng hoàn thiện mình”, những kết quả cụ thể, trong đó có những cải tiến, đổi mới chưa có tiền lệ của Quốc hội Khóa XV ngay từ kỳ họp đầu tiên, cùng tinh thần chủ động, trách nhiệm, trí tuệ, quyết đoán, chúng ta có cơ sở và lý lẽ thuyết phục để tin tưởng rằng, Quốc hội Khóa XV chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, cử tri và Nhân dân giao phó.

Đúng như “cam kết” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước khi phát biểu nhậm chức: “Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, nguyện sẽ cống hiến hết sức mình, cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp 75 năm Quốc hội Việt Nam, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”.

____________________________

[1] Trong 9 ngày của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV xem xét, thông qua với sự nhất trí rất cao và ban hành 29 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết về tổ chức và nhân sự, 11 nghị quyết chuyên đề và 1 nghị quyết chung về kỳ họp, vừa đáp ứng kịp thời những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn, góp phần làm nên một kỳ họp thành công trên nhiều phương diện, được Nhân dân và cử tri ghi nhận, đồng tình, đánh giá cao.

Lam Giang