Trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên kết nối mới

- Thứ Ba, 02/02/2021, 20:23 - Chia sẻ
Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử... Công nghệ AI cũng đã mang lại cho Việt Nam sự phát triển vượt bậc thời gian qua. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ AI, được dự báo sẽ trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới.

AI đã xuất hiện trong mọi mặt đời sống Việt Nam

Tại Diễn đàn Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, thế giới đã có những công dân robot, công dân ảo. Những câu chuyện này ở Việt Nam không còn là trong mơ hay khoa học viễn tưởng mà đã âm thầm đi vào cuộc sống. Từ những trợ lý ảo, giúp sắp xếp công việc, chọn quần áo, đồ ăn, AI đã rất gần gũi trong mọi ngõ ngách cuộc sống từ ứng dụng trên điện thoại, đến robot giúp tương tác với khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

Các chuyên gia thảo luận về trí tuệ nhân tạo tại Diễn đàn Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới

Chúng ta dễ thấy, AI xuất hiện trên tất cả các điện thoại thông minh, từ phần mềm nhận dạng khuôn mặt để mở khóa điện thoại, nhận diện giọng nói để tìm kiếm thông tin cho đến các ứng dụng phổ biến như Google Maps.

Giám đốc Marketing Ngành hàng Điện tử Nghe nhìn, Công ty Samsung Vina Nguyễn Huyền My cho biết, tại Việt Nam hiện có 80% người sử dụng smart tivi xem nội dung trực tuyến, cao thứ tư trên thế giới. Kế đến, người dùng hiện sử dụng nhiều thiết bị thông minh, 90% người dùng thế giới sử dụng đa phương tiện đồng thời, 13% số hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng thiết bị smart home, 41% người Việt Nam đang sử dụng lệnh thoại trên thiết bị.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, AI nên được hiểu rộng hơn. Trí tuệ nhân tạo không chỉ tạo ra một phiên bản con người, giúp con người làm những việc ít giá trị, lặp đi lặp lại hàng ngày. AI đã làm được những việc là hàng nghìn người cũng không thể làm được. Ví dụ giúp giám sát an ninh giao thông trên toàn TP Hồ Chí Minh, đòi hỏi một số lượng rất lớn người cũng chưa chắc làm được.

Phó chủ tịch Bkav Vũ Thanh Thắng cho biết, camera có thể phục vụ giám sát an ninh thành phố, chỉ cần một hình ảnh thì hệ thống có thể giúp dò tìm người, ứng dụng phù hợp trong điều tra tội phạm. Những hình ảnh như xô xát, đánh nhau, vi phạm an toàn giao thông... AI camera đều có thể phát hiện và thông báo về hệ thống.

Ngoài ra AI cũng có thể ứng dụng trong y tế để giúp kết nối toàn hệ thống cấp cứu giúp điều phối luồng xe nhanh nhất, hiệu quả nhất. Lĩnh vực giám sát biên giới tăng cường phòng chống Covid-19 là lĩnh vực có thể ứng dụng AI camera, bên cạnh đó như thiên tai cháy rừng, lũ lụt... Hầu như mọi lĩnh vực bán lẻ, quản trị khu dân cư, giáo dục, hàng không... đều là những mảnh đất màu mỡ cho AI phát huy khả năng.

Đánh giá về tiềm năng của AI Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Phong, chuyên gia AI quốc tế thuộc Viện nghiên cứu AI - Mila (Canada) cho rằng, AI trong tương lai sẽ là vũ khí quan trọng bậc nhất để hoàn thành sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ. Những năm qua, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư rất quyết liệt vào trí tuệ nhân tạo. Các ứng dụng AI chỉ bị giới hạn là trí tưởng tượng của các bạn trẻ. Các bạn trẻ sáng tạo được xa đến đâu, sức mạnh AI sẽ đi xa đến đó. Giới trẻ là bộ mặt của đất nước, cần tiên phong trong các lĩnh vực, thay đổi bộ mặt của AI nước nhà.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tiềm năng về AI, nhu cầu của thị trường, sự vào cuộc của chính phủ, thay đổi nhận thức của người dân sẽ là bàn đạp để doanh nghiệp công nghệ có thể đi từ trong nước, ra toàn cầu, giải những bài toán quốc tế bằng sản phẩm AI của người Việt.

Đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, những năm gần đây Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển mảng công nghệ. Các doanh nghiệp lớn còn hướng đến Việt Nam như một thị trường mới đầy tiềm năng. Việt Nam còn là điểm quay về của nhiều chuyên gia người Việt thành công trên thế giới.

Thủ tướng vừa ký Ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chiến lược xác định, đưa Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực. Đến năm 2030, Việt Nam hình thành ba trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về Trí tuệ nhân tạo và có ít nhất một đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về AI dẫn đầu trong khu vực ASEAN.

Trí Nhân - Robot trí tuệ nhân tạo của VN, thuộc dòng robot cao cấp với các đặc điểm giống con người Ảnh: ITN

Chiến lược đồng thời đưa ra định hướng xây dựng hệ sinh thái AI, các trung tâm ươm tạo để thu thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế, phát triển doanh nghiệp ứng dụng AI và một số sản phẩm đặc thù, từng bước hình thành công nghiệp Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Để thực hiện, Việt Nam dự kiến xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu phát triển AI. Theo đó, ba trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao dự kiến được xây dựng để kết nối các hệ thống trung tâm dữ liệu, tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực nhằm phục vụ phát triển AI. 50 bộ dữ liệu mở, dùng chung được hình thành, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Theo TS. Nguyễn Xuân Phong, Viện nghiên cứu AI - Mila (Canada), việc hình thành các trung tâm mang tầm quốc gia sẽ là "điểm tựa" ban đầu vững chắc, từ đó các trung tâm vệ tinh sẽ cùng phát triển.

Đồng thời, Việt Nam cần khởi động và phát triển một cộng đồng chuyên gia nhân lực về trí tuệ nhân tạo, hình thành hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ thúc đẩy công nghệ AI phát triển trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước, tạo nên sự đột phá mang tính chiến lược, nhằm tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đất nước, phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng hệ sinh thái và đào tạo tài năng AI, ông Phong cho biết, Mila là mô hình đào tạo, gắn kết nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp. Viện được Chính phủ hỗ trợ về thuế, đất, các cơ chế thử nghiệm xe tự lái, chương trình AI và được hỗ trợ nền tảng tính toán... Viện này hiện có khoảng 20 công ty là các đối tác, trong đó có các tên tuổi lớn như Microsoft, Google, WeBank... Sau một thời gian hình thành, Mila không chỉ dừng lại ở trong các phòng nghiên cứu mà tại đây thu hút một lượng lớn kỹ sư giỏi từ các nơi về phát triển các công nghệ, ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau. "Nếu Việt Nam có những trung tâm tương tự như vậy sẽ góp phần tích cực vào việc đào tạo nâng cao, phát triển nguồn nhân lực AI", TS Nguyễn Xuân Phong nhấn mạnh.

Xuân Tùng