Triển khai các dự án xử lý nước thải sinh hoạt

- Thứ Hai, 23/07/2018, 23:36 - Chia sẻ
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đúng quy chuẩn môi trường. Tuy nhiên, đến hiện nay chỉ mới có 21,2% tổng lượng nước thải đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, tình hình thu gom và xử lý nước thải của thành phố rất đáng báo động, khi vẫn còn khoảng 85% lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước có khả năng xảy ra trên diện rộng.


TP Hồ Chí Minh muốn gom 3 nhà máy xử lý nước thải thành một

Để khắc phục tình trạng này, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép thành phố được tổ chức thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án xây dựng hệ thống cống bao và nhà máy xử lý nước thải tập trung cho khu vực phía Tây thành phố theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Cụ thể là điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn thành phố theo hướng gom 3 nhà máy xử lý nước thải là Tân Hóa - Lò Gốm, Tây Sài Gòn và Bình Tân thành 1 nhà máy Tây Sài Gòn đặt tại vị trí nhà máy Bình Hưng Hòa hiện hữu.

Theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành 7 nhà máy, đạt tổng công suất xử lý nước thải hơn 1,6 triệu mét khối/ngày. Dự báo khi các nhà máy thu gom xử lý nước thải sinh hoạt như Bình Hưng (giai đoạn 2), Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát hoàn thành, đi vào hoạt động thì lượng nước thải được thu gom xử lý khoảng 1.313.624m³/ngày, đạt  tỷ lệ 60%.

Song Anh